Ngân hàng đua khuyến mại giao dịch online: Phí chỉ 0 đồng, cộng lãi suất tiết kiệm

26/05/2021 15:17 GMT+7
Trước những diễn biến khó lường của dịch Covid-19, nhiều ngân hàng tiếp tục "tung chiêu" khuyến khích khách hàng giao dịch điện tử như "free" phí giao dịch hay tặng thêm lãi suất tiết kiệm qua hình thức online.

Đua khuyến mại giao dịch online, tặng lãi suất tiết kiệm

Chị Thu Hà (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, diễn biến dịch Covid-19 đang lây lan nhanh trong cộng đồng. Ngay từ đầu tháng 5 thay vì đến công ty làm việc, chị chuyển sang làm việc tại nhà, do đó các giao dịch thường ngày như đi chợ, mua sắm, giao dịch ngân hàng và các dịch vụ thiết yếu trong gia đình đã thay đổi.

"Các dịch vụ thanh toán tiền điện/nước/dịch vụ truyền hình, thậm chí đi chợ… của gia đình đã chuyển từ "offline" sang "online". Thông qua ứng dụng mobile banking của ngân hàng, hàng hóa được shipper giao tới nhà chứ không cần phải ra chợ mà vẫn đảm bảo tươi ngon, lại không lo dịch bệnh", chị Hà cho biết.

Đua khuyến mại: Giao dịch trực tuyến phí chỉ 0 đồng, cộng lãi suất tiết kiệm - Ảnh 1.

Đua khuyến mại: Giao dịch trực tuyến phí chỉ 0 đồng, cộng lãi suất tiết kiệm

Đáng nói, thời điểm này để khuyến khích người dân sử dụng phương thức giao dịch online, nhiều ngân hàng thực hiện chương trình khuyến mại hấp dẫn.

Chẳng hạn, khách hàng thực hiện gửi tiết kiệm online trên ứng dụng ngân hàng số PvcomBank sẽ được cộng thêm 0,3%/năm so với gửi trực tiếp tại quầy.

Tương tự, đại diện NCB cho biết, nhằm phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, NCB khuyến khích khách hàng sử dụng các hình thức giao dịch trực tuyến thông qua thanh toán bằng thẻ chip, NCB iziMobile, InternetBanking NCB…

Ngân hàng sẽ vẫn ưu đãi khách hàng như: Cộng đến 0,2% lãi suất tiết kiệm online; miễn tất cả phí chuyển khoản liên ngân hàng và thanh toán hóa đơn của rất nhiều nhà cung cấp dịch vụ cũng như mua sắm trực tuyến; đồng thời miễn phí phát hành và phí thường niên thẻ chip ghi nợ nội địa…

Hay mới đây nhất, "ông lớn" ngân hàng quốc doanh Agribank áp dụng chính sách miễn 100% phí dịch vụ chuyển tiền trong nước đồng loạt tại 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch trên toàn quốc và cả các kênh ngân hàng điện tử của Agribank.

PVcomBank áp dụng mức phí 0 đồng cho nhiều giao dịch trên PV Mobile Banking. Đơn cử như chuyển khoản trong cùng hệ thống và chuyển khoản nhanh liên ngân hàng 24/7. 

Theo đánh giá của các chuyên gia, những ưu đãi dồn dập từ ngân hàng không chỉ mang tính tức thời, mà sẽ là chính sách dài hạn của các nhà băng nhằm hướng khách hàng đến với những trải nghiệm tài chính hiện đại, năng động và nhiều giá trị gia tăng nhất.

Đây cũng là yếu tố quan trọng giữ chân và lôi kéo thêm khách hàng khi áp lực cạnh tranh đẩy mạnh thị phần giữa các ngân hàng ngày càng khốc liệt.

Số lượng giao dịch của khách hàng trên các kênh số đạt ít nhất 70% năm 2025

Quan sát trên thị trường cũng cho thấy, không chỉ trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thời gian qua, để khuyến khích khách hàng tiêu dùng không tiền mặt và hạn chế di chuyển, các ngân hàng ngày càng chú trọng nâng cấp và hoàn thiện công nghệ phục vụ cho hạ tầng thanh toán điện tử, nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Ngân hàng số cũng ra mắt ngày một nhiều hơn, như OCB Omni, LiveBank, TNEX, VCB Digibank… và cùng với đó thì hệ sinh thái xung quanh ngân hàng số cũng được các nhà băng quan tâm phát triển để giá trị mang tới cho khách hàng phong phú hơn, đa dạng hơn.

Đua khuyến mại: Giao dịch trực tuyến phí chỉ 0 đồng, cộng lãi suất tiết kiệm - Ảnh 3.

Tính đến cuối tháng 3, giao dịch qua kênh Internet đạt 156,2 triệu món với giá trị 8,1 triệu tỷ đồng; giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt trên 395 triệu món với giá trị hơn 4,6 triệu tỷ đồng. Giá trị giao dịch qua kênh QR code tăng mạnh nhất 146% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4.479 tỷ đồng, với 5,3 triệu món.

Cũng thống kê của Ngân hàng Nhà nước, số lượng và giá trị giao dịch ngân hàng qua kênh số có sự tăng trưởng mạnh.

Trong đó mức tăng trưởng thanh toán di động năm 2020 so với 2019 là 114% về số lượng và 118% về giá trị; thanh toán QR code tăng 72,9% về số lượng giao dịch.

Hệ thống thanh toán bù trừ tự động các giao dịch bán lẻ (ACH) xử lý 5-7 triệu giao dịch thanh toán liên NH mỗi ngày, năm 2020 tốc độ tăng trưởng số lượng và giá trị giao dịch lần lượt là 78% và 128 % so với năm 2019…

Chưa dừng lại, Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành quyết định Phê duyệt "Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu ít nhất 50% các nghiệp vụ được thực hiện hoàn toàn trên môi trường số vào năm 2025 và đến năm 2030 là 70%; Chỉ tiêu về số lượng giao dịch của khách hàng trên các kênh số đạt ít nhất 70% năm 2025 và 80% năm 2030.

Ngoài ra, chỉ tiêu về tỷ lệ quyết định giải ngân, cho vay của NHTM, công ty tài chính đối với các khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng của khách hàng cá nhân được thực hiện theo hướng số hóa, tự động: đến năm 2025 đạt tối thiểu 50% và đến năm 2030, đạt tối thiểu 70%.

"Với thực trạng triển khai và xu hướng chuyển đổi số tại các tổ chức tín dụng thời gian qua kết hợp với các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể, tôi tin tưởng rằng các mục tiêu cụ thể tại Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Ngân hàng là hoàn toàn khả thi", Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục