Ngân hàng NCB dự trình kế hoạch tăng gấp 2 lần vốn điều lệ, lợi nhuận trước trích lập giảm tới 61%

21/03/2023 14:45 GMT+7
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc Dân (NCB – HoSE: NVB) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023. Cuộc họp dự kiến tổ chức vào ngày 8/4. Trong đó, NCB dự kiến sẽ phát hành 620 triệu cổ phiếu riêng lẻ, tăng vốn lên trên 11.800 tỷ đồng.

Ngân hàng NCB dự trình không chia cổ tức 2022

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc Dân (NCB – HoSE: NVB) dự báo nền kinh tế thế giới 2023 sẽ đối mặt với nhiều thách thức là tăng trưởng kinh tế chậm dần, thậm trí có thể xảy ra kịch bản tăng trưởng âm và kinh tế Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Đối với ngành ngân hàng sẽ phải đối mặt với những thách thức như rủi ro vỡ nợ chéo từ trái phiếu và bộ đệm an toàn vốn còn mỏng.

Ngân hàng NCB dự trình kế hoạch tăng gấp 2 lần vốn điều lệ, lợi nhuận trước trích lập giảm tới 61% - Ảnh 1.

Mục tiêu kinh doanh 2023 của NCB

Từ nhận định trên, Ngân hàng NCB đặt mục tiêu đến cuối năm 2023 đạt quy mô tổng tài sản 94.500 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Huy động khách hàng đạt 78.000 tỷ đồng và cho vay khách hàng đạt 57.700 tỷ đồng, tăng lần lượt 6% và 21% so với đầu năm.

Lợi nhuận trước trích lập theo phương án cơ cấu lại (PACCL) đề ra cho năm 2023 là 16 tỷ đồng, giảm 61% so với năm 2022. Quy mô khách hàng mục tiêu là 1 triệu khách hàng.

Để đạt được các mục tiêu đã đặt ra, NCB dự kiến sẽ khai thác vào phân khúc khách hàng cá nhân cao cấp, có thu nhập cao, chủ sở hữu doanh nghiệp, phát triển ngân hàng số hướng đến giới trẻ. Trong phân khúc khách hàng doanh nghiệp, khai thác hiệu quả các khách hàng hiện hữu, khách hàng thuộc chuỗi cung ứng của các đối tác chiến lược, hợp tác toàn diện với NCB.

Bên cạnh đó, ngân hàng cho biết sẽ quyết liệt hơn trong công tác xử lý nợ có vấn đề,đảm bảo hoàn thành mục tiêu xử lý nợ theo đúng lộ trình, kế hoạch đã cam kết với hội đồng quản trị và đề án cơ cấu lại ngân hàng đã trình ngân hàng nhà nước, thực hiện bám sát đề án cơ cấu lại của ngân hàng nhà nước.

Về phương án phân phối lợi nhuận 2022, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước trích lập dự phòng rủi ro đạt 309 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo cam kết của NCB với Ngân hàng Nhà nước là sẽ dùng toàn bộ lợi nhuận để trích lập các khoản cần xử lý theo phương án cơ cấu lại đã được NHNN phê duyệt, do đó lợi nhuận trước thuế của NCB còn lại 1,2 tỷ đồng và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 1,2 tỷ đồng. Do đó HĐQT sẽ trình ĐHĐCĐ xem xét không chia cổ tức năm 2022.

Ngân hàng NCB dự kiến phát hành 620 triệu cổ phiếu riêng lẻ

NCB lên kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 6.200 tỷ đồng thông qua phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ với quy mô tương đương 111% vốn điều lệ của ngân hàng tại thời điểm chào bán. Sau khi hoàn tất, vốn điều lệ của NCB sẽ từ mức hơn 5.601 tỷ đồng lên hơn 11.801 tỷ đồng.

Mục đích chào bán theo tài liệu đưa ra là nhằm bổ sung nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh, tăng cường năng lực tài chính của ngân hàng, bao gồm việc cải tạo, nâng cấp hình ảnh thương hiệu, xây dựng nhận diện thương hiệu, công nghệ và chuyển đổi số, bổ sung nguồn vốn hoạt động kinh doanh và các mục đích khác phù hợp với hoạt động kinh doanh, tăng cường năng lực tài chính cho NCB.

Thời gian dự kiến phát hành và hoàn thành trong năm 2023, 2024 và 2025, thời gian thực hiện cụ thể sẽ do Hội đồng quản trị quyết định.

Ngoài ra, Ngân hàng sẽ trình cổ đông thông qua Đơn từ nhiệm và miễn nhiệm chức danh thành viên Ban Kiểm soát của bà Trần Thị Hà Giang (Trưởng Ban Kiểm soát) và bà Trần Thị Minh Huệ (thành viên Ban Kiểm soát). Sau khi miễn nhiệm 2 thành viên này, ngân hàng cũng sẽ bầu bổ sung thành viên mới cho Ban Kiểm soát.

Tại phiên sao dịch chiều ngày 21/03, giá cổ phiếu NVB giảm 1,31% xuống ở mức 15.100 đồng/ cổ phiếu.


Phương Thảo
Cùng chuyên mục