Ngân hàng thương mại nói gì về việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế ở Việt Nam?

L. Anh
16/04/2025 16:29 GMT +7
Đại diện ngân hàng BIDV cho biết, việc xây dựng và phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam sẽ mang lại cơ hội cho các ngân hàng Việt Nam như: Thu hút dòng vốn quốc tế và tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp; mở rộng thị trường và nâng cấp hệ sinh thái dịch vụ tài chính; chuẩn hóa theo thông lệ quốc tế, nâng cao tín nhiệm và khả năng huy động vốn;...

Sáng nay (16/4), Thời báo Ngân hàng tổ chức sự kiện “Kinh nghiệm quốc tế và vai trò hệ thống ngân hàng trong trung tâm tài chính.

Tại sự kiện, bà Trương Thị Thu Ba, Phó Giám đốc Ban Định chế tài chính, BIDV cho rằng, việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế là cơ hội cho các ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên cũng không ít thách thức, áp lực cạnh tranh với các định chế tài chính quốc tế.

Theo bà Thu Ba, muốn xây dựng trung tâm tài chính quốc tế cần có các yếu tố như: Thể chế ổn định, minh bạch, tương thích với quốc tế; hạ tầng vật lý – công nghệ hiện đại; nguồn nhân lực chất lượng cao và dịch vụ tài chính tích hợp và hiện đại. Đây sẽ là cơ hội cho các ngân hàng Việt Nam khi có điều kiện thu hút dòng vốn quốc tế và tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp.

Ảnh: Thời báo ngân hàng.

Đồng thời, mở rộng thị trường và nâng cấp hệ sinh thái dịch vụ tài chính; chuẩn hoá theo thông lệ quốc tế, nâng cao tín nhiệm và khả năng huy động vốn. Ngoài ra, các ngân hàng cũng có thể tăng tốc chuyển đổi số và định hình mô hình ngân hàng nền tảng.

Tuy nhiên, cũng hiện diện một số thách thức như áp lực cạnh tranh đa tầng với các định chế tài chính quốc tế; khoảng trống về hạ tầng dữ liệu, công nghệ và tích hợp số. Vì vậy, các ngân hàng Việt phải đối diện với sự cạnh tranh rất lớn, và có khả năng thua ngay trên sân nhà. Bên cạnh đó là rủi ro bị “quốc tế hoá áp lực” nhưng chưa đủ “quốc tế hoá năng lực”. Cuối cùng là thách thức trong xây dựng niềm tin thị trường và tính nhất quán chính sách.

Chính vì vậy, đại diện BIDV đề xuất, về phía Quốc hội và Chính phủ, Nghị quyết chuyên đề về trung tâm tài chính quốc tế cần có định hướng dài hạn với thể chế đặc thù và sớm được thông qua.

Đồng thời, cần tổ chức các đoàn khảo sát trung tâm tài chính quốc tế trên thế giới để học hỏi kinh nghiệm. Có một mô hình gần với Việt Nam và mới hình thành đó là GIFT City của Ấn Độ. Trong quá trình xây dựng chính sách cần tham vấn, lắng nghe và tiếp thu ý kiến của các bên. Đồng thời, tận dụng nguồn nhân lực và hạ tầng tại Việt Nam với chi phí thấp để triển khai dịch vụ phù hợp với Việt Nam.

Đối với NHNN, cần có cơ chế thí điểm linh hoạt, đối thoại chính sách định kỳ, đồng thời có không gian pháp lý thử nghiệm (sandbox) các dịch vụ như ngân hàng số, tài sản số, tài chính xanh, thanh toán quốc tế…

Đối với Hiệp hội Ngân hàng cần lấy ý kiến của các ngân hàng thành viên để nắm bắt các vướng mắc trong quá trình áp dụng. Ngoài ra, thực hiện phổ biến, đào tạo, chia sẻ các thông lệ quốc tế, xu hướng công nghệ mới… cho các thành viên.

Ở góc độ ngân hàng thương mại, BIDV xác định sẽ cần tận dụng lợi thế chi phí nhân lực và hạ tầng để cung cấp dịch vụ tài chính cho trung tâm tài chính quốc tế; Có chiến lược tham gia một cách chủ động, trọng tâm, nâng cao năng lực. Bên cạnh đó, chủ động hợp tác quốc tế, kết nối mạng lưới tài chính toàn cầu, đồng kiến tạo thể chế, đề xuất mô hình sản phẩm, xây dựng và thử nghiệm mô hình mới.

Còn theo ông Nguyễn Mạnh Khôi - Trưởng Phòng Kinh doanh vốn, Khối Kinh doanh vốn và thị trường VietinBank: Hiện nay, thị trường tài chính Việt Nam vẫn còn tập trung vào các sản phẩm cơ bản, trong khi các sản phẩm cấu trúc và phái sinh vẫn còn phát triển chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu phòng ngừa rủi ro của nhà đầu tư.

Do đó, cần khuyến khích và hỗ trợ phát triển các sản phẩm tài chính mới, công cụ phái sinh và các sản phẩm đầu tư sáng tạo, giúp tăng tính linh hoạt và chiều sâu cho thị trường; Đẩy mạnh các điều kiện nhằm nâng hạng thị trường chứng khoán, đồng thời nghiên cứu, thử nghiệm và từng bước đưa vào vận hành các thị trường mới như thị trường hàng hóa, ngoại tệ, tài sản số…, tiệm cận mô hình của các trung tâm tài chính quốc tế.

Vai trò ngành ngân hàng ở đâu trong phát triển trung tâm tài chính?

Theo Phó Giám đốc NHNN Khu vực 2 Nguyễn Đức Lệnh, nhìn từ bản chất thị trường tài chính và cơ cấu thị trường, có thể thấy thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng là một cấu phần quan trọng của mọi thị trường tài chính. Chính vì lẽ đó, trong quá trình xây dựng và phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh, ngành Ngân hàng giữ vai trò rất quan trọng, phản ánh trên 3 phương diện chính.

Thứ nhất là vai trò xây dựng và tạo lập môi trường pháp lý, bao gồm xây dựng cơ chế chính sách về tiền tệ và hoạt động ngân hàng phù hợp theo mục đích và yêu cầu phát triển của trung tâm tài chính quốc tế đảm bảo thúc đẩy hoạt động của các định chế tài chính lĩnh vực ngân hàng phát triển, cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu giao dịch vốn;...

Theo ông Lệnh, sự khác biệt và những chính sách ưu đãi cùng với yêu cầu phát triển ở mức cao và tuân thủ các chuẩn mực quốc tế về quản trị, điều hành, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng… sẽ tạo nên một môi trường pháp lý thuận lợi. Đây cũng là nền tảng để các định chế tài chính hoạt động trong trung tâm tài chính quốc tế tuân thủ và phát triển.

Trước đó, TP. HCM đề xuất phương án xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế 687 ha. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN. 

Thứ hai là vai trò cạnh tranh và thúc đẩy sự phát triển. Theo đó, việc phát triển các định chế tài chính gồm ngân hàng thương mại, công ty tài chính, cho thuê tài chính… trong trung tâm tài chính quốc tế sẽ đảm bảo hoạt động hiệu quả, cạnh tranh và phát triển, qua đó trở thành động lực thúc đẩy hoạt động ngân hàng trong nước tăng trưởng và phát triển an toàn, hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ ngân hàng theo hướng tiệm cận các định chế tài chính nước ngoài.

Trong quá trình này, các TCTD trong nước hoạt động tại trung tâm tài chính quốc tế không chỉ đáp ứng các yêu cầu, tiêu chí trở thành thành viên của trung tâm tài chính quốc tế, mà còn cạnh tranh để phát triển với các yêu cầu. Đây không chỉ là vai trò, nhiệm vụ quan trọng, mà còn là động lực thúc đẩy các TCTD trong nước phát triển, cũng như sử dụng và phát huy hiệu quả chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương.

Thứ ba là vai trò đáp ứng nhu cầu vốn dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, các thị trường hàng hóa, thị trường vốn, thị trường bảo hiểm… phát triển. Việc khai thác vốn và sử dụng vốn hiệu quả (trong và ngoài nước) không chỉ thúc đẩy sự phát triển của các thị trường này, mà còn góp phần tạo động lực tăng trưởng, phát triển hệ sinh thái và nhóm các ngành dịch vụ lớn của thành phố: ngành vận tải và logistics, nhóm ngành khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo,… Trong quá trình này, ngược lại, sự phát triển của các thị trường và các ngành dịch vụ lớn sẽ tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để trung tâm tài chính quốc tế phát triển, vận hành và thu hút các nguồn lực đóng góp vào tăng trưởng kinh tế bền vững của đất nước.

'Với những vai trò quan trọng đó, sự đóng góp của ngành Ngân hàng trong xây dựng nghị quyết của Quốc hội và các nghị định liên quan lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, cũng như phát huy những kết quả đạt được của ngành Ngân hàng trong sự phát triển của trung tâm tài chính tại TP. Hồ Chí Minh (trung tâm tài chính TP. Hồ Chí Minh hiện tại, liên tục tăng xếp hạng trong những năm gần đây) sẽ là nền tảng vững chắc để ngành Ngân hàng phát triển.

Đồng thời, đây cũng là cơ sở quan trọng để ngành Ngân hàng góp phần tích cực vào việc xây dựng và phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng và Chính phủ', ông Lệnh nói.