Ngân hàng UOB hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam xuống sâu hơn
Bộ phận Nghiên cứu Kinh tế và Thị trường toàn cầu (Global Economics & Market Research) của Ngân hàng UOB vừa phát hành báo cáo tăng trưởng kinh tế Việt Nam Quý II/2023. Theo đó, UOB hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam xuống sâu hơn, mức 5,16%.
Bên cạnh đó, điểm nhấn mà các nhà nghiên cứu của UOB đưa ra lần này là các biện pháp tích cực gần đây bao gồm cắt giảm lãi suất cơ bản và giảm thuế VAT của Chính phủ vẫn chưa đủ. Và nếu xuất khẩu và/hoặc sản xuất không có bất kỳ cải thiện đáng kể nào trong những tháng tới và sẽ khiến dự báo tăng trưởng 7% trong QIII/2023 cũng như dự báo cả năm là 5,16% gặp thách thức.
Kinh tế Việt Nam phục hồi yếu trong QII/2023
Dữ liệu do Tổng cục Thống kê (GSO) công bố vào Thứ Năm (29/6/2023) cho thấy tốc độ tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam trong Quý II năm 2023 đã tăng lên 4,14% so với cùng kỳ từ mức được điều chỉnh 3,28% trong QI/2023. Kết quả này vượt xa mức dự báo chung là 3,8% nhưng thấp hơn kỳ vọng của UOB là 5,9%. Nguyên nhân chính dẫn đến kết quả tăng trưởng ảm đạm tiếp tục là do hoạt động sản xuất và nhu cầu bên ngoài sụt giảm.
Nhìn chung, nửa đầu năm 2023, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 3,72% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với tốc độ 6,46% trong nửa đầu năm 2022 cũng như mục tiêu tăng trưởng chính thức là 6,5%.
Xét về mức độ tăng trưởng theo ngành, lĩnh vực sản xuất (bao gồm cả xây dựng) vốn chiếm khoảng 34% tỷ trọng của nền kinh tế, đã đạt mức tăng trưởng khoảng 1,1% so với cùng kỳ và đóng góp tích cực trong nửa đầu năm 2023, sau khi giảm lần đầu tiên kể từ QIII/2021. Trong khi đó, ngành dịch vụ (chiếm 43% tỷ trọng nền kinh tế) đã cố gắng bù đắp một số tổn thất từ khu vực bên ngoài, tăng 6,1% so với cùng kỳ trong QII/2023 và kéo dài mức tăng trưởng 6,6% so với cùng kỳ trong QI/2023. Lĩnh vực dịch vụ đóng góp 2,7%, tương đương hơn 60% mức tăng trưởng chung trong nửa đầu năm 2023.
Tăng trưởng kinh tế ảm đạm chủ yếu do sự suy yếu của nhu cầu bên ngoài
Nguyên nhân chính khiến lĩnh vực sản xuất hoạt động kém hiệu quả chủ yếu đến từ nhu cầu bên ngoài sụt giảm, vốn đã xảy ra kể từ đầu năm 2023 và ở khắp các nền kinh tế xuất khẩu chủ chốt ở châu Á. Bởi chính sách thắt chặt ở các thị trường phát triển siết chặt nhu cầu, cộng với căng thẳng Mỹ-Trung đang diễn ra gây khó khăn lên các hoạt động của chuỗi cung ứng.
Xuất khẩu trong QII/2023 giảm 14,2% so với cùng kỳ trong khi nhập khẩu giảm 22,3% so với cùng kỳ. Kết quả này kéo dài từ QI/2023, khi xuất khẩu giảm 11,9% so với cùng kỳ và nhập khẩu giảm. Trong nửa đầu năm nay, xuất khẩu đã giảm hơn 12% so với cùng kỳ năm ngoái do không có tháng nào tăng kể từ cuối năm 2022.
Tổng cục Thống kê cũng công bố sản lượng điện thoại thông minh, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đã giảm 27,1% so với cùng kỳ trong QII/2023 xuống còn 39,8 triệu chiếc, trong khi sản lượng hàng may mặc giảm 2,9% và sản lượng giày dép giảm 4,1% trong quý.
Ở trong nước, doanh thu bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong nửa đầu năm nay tăng 10,9% so với cùng kỳ, trong khi giá tiêu dùng bình quân trong kỳ tăng 3,29%. Tốc độ lạm phát đã giảm bớt mặc dù nhu cầu trong nước còn mạnh mẽ. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục giảm sâu, xuống 2,4% so với cùng kỳ trong QII/2023 từ 4,18% so với cùng kỳ trong QI/2023, đạt mức dưới mục tiêu của chính phủ là 4,5%.
Lạm phát cơ bản (không bao gồm giá thực phẩm, năng lượng và các dịch vụ công khác) đã giảm xuống 4,48% trong QII/2023 từ mức 5,01% trong QI/2023, tạo cơ hội cho ngân hàng trung ương nới lỏng lập trường chính sách của mình trong nửa đầu năm.
UOB hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 xuống sâu hơn
Với tốc độ tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2023 thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng chính thức trong năm, sẽ rất khó để đạt được mức dự báo 6,0% của UOB.
Các nhà nghiên cứu của Ngân hàng UOB đánh giá, mặc dù các lĩnh vực trong nước đã hoạt động tốt lên, đặc biệt với các biện pháp tích cực gần đây bao gồm cắt giảm lãi suất cơ bản và giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), nhưng những biện pháp này vẫn chưa đủ. Những yếu tố thúc đẩy chẳng hạn như lĩnh vực sản xuất và ngoại thương sẽ cần trở lại bình thường để đóng góp mạnh mẽ hơn cho tăng trưởng.
Dựa trên các yếu tố trên và quỹ đạo hiện tại, UOB điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng cả năm của Việt Nam xuống 5,16% (từ dự báo trước đó là 6,0%; 2022 là 8,0%). Triển vọng phía trước sẽ đầy thách thức, đặc biệt là trong QIV/2023 với mức cơ sở cao (về mặt giá trị) trong một năm trước đó.
Theo UOB, Quý III/2023 sẽ là thời điểm quan trọng vì đây là những tháng thường chứng kiến hoạt động sản xuất và xuất khẩu tăng mạnh trước nhu cầu lễ hội cuối năm tại các thị trường phát triển.
Do đó, rủi ro suy giảm vẫn còn ở phía trước. Đặc biệt UOB nhấn mạnh rằng, nếu xuất khẩu và/hoặc sản xuất không có bất kỳ cải thiện đáng kể nào trong những tháng tới và sẽ khiến dự báo tăng trưởng 7% trong QIII/2023 cũng như dự báo cả năm là 5,2% gặp thách thức. Dự báo tăng trưởng chính thức 6,5% có thể sẽ còn khó khăn hơn nữa sau kết quả trong nửa đầu năm 2023.
Trong báo cáo đánh giá quốc gia mới nhất về Việt Nam hoàn thành vào cuối tháng 6, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã công bố dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 5,8%.