Maybank dự báo GDP Quý II của Việt Nam tăng 5%, lạm phát giảm xuống mức 2% trong tháng 6
Các nhà nghiên cứu của Maybank gồm Brian Lee Shun Rong và tiến sĩ Chua Hak Bin đã phát hành báo cáo Kinh tế Việt Nam với tựa đề I, tạm dịch "Dự báo GDP Quý II: Kỳ vọng tăng trưởng +5%, duy trì cả năm ở mức +4%". Trong đó các nhà nghiên cứu dự báo GDP thực tế sẽ tăng +5% trong Quý II so với một năm trước, cao hơn mức +3,3% trong Quý I, nhưng thấp hơn đáng kể so với mức +7,8% trong Quý II năm 2022. Dữ liệu kinh tế Quý II sẽ được công bố vào ngày 29/6 tới đây.
Dự báo tăng trưởng GDP Quý II ở mức 5%, dẫn đầu là ngành Dịch vụ
Theo các nhà nghiên cứu, tăng trưởng sẽ được dẫn dắt bởi ngành dịch vụ (chiếm 43,2% GDP), vì các phân khúc dịch vụ như bán lẻ, lưu trú, dịch vụ ăn uống, giải trí và vận tải hành khách có thể tăng nhờ lượng khách du lịch phục hồi. Lượng khách du lịch nước ngoài đang trên đà vượt mục tiêu 8 triệu cả năm của chính phủ, đạt 4,6 triệu chỉ trong tháng 1 đến tháng 5 nhờ sự phục hồi của du khách Trung Quốc. Con số này tăng hơn 12 lần so với năm trước, trong đó lượng khách đến trong tháng 5 phục hồi tới 69% so với mức trước đại dịch (tháng 5/2019). Doanh số bán lẻ tăng 11,5% trong tháng 4, tháng 5, dẫn đầu là du lịch và lưu trú & ẩm thực. Vận tải hành khách tăng 21,2% (về số lượng hành khách) trong 5 tháng đầu năm. Ước tính dịch vụ đã tăng lên khoảng 7% trong Quý II (trong khi Quý I tăng 6,8%).
Công nghiệp & xây dựng (chiếm 36,7% GDP) ước tính tăng trưởng khoảng 2% so với năm trước (trong khi Quý I giảm 0,4%). Sản xuất dự kiến sẽ vẫn yếu do nhu cầu bên ngoài yếu, mặc dù tăng trưởng có thể vững chắc hơn so với Quý I. Chỉ số sản xuất công nghiệp ngành chế tạo giảm bình quân 0,1% trong các tháng từ tháng 4 đến tháng 5, trong khi Quý I giảm 2,5%. Xuất khẩu sang Trung Quốc (về giá trị) tăng 21,8% so với cùng kỳ trong tháng 5, sau 6 tháng giảm liên tiếp và có thể duy trì ở mức dương trong tháng 6, mặc dù sự phục hồi này có thể không đủ để bù đắp cho sự suy giảm của xuất khẩu sang các khu vực khác.
Mặt khác, tăng trưởng xây dựng có thể đã vững chắc hơn nhờ vào việc chi tiêu cho cơ sở hạ tầng công cộng tăng mạnh, đây là kết quả sau những nỗ lực của chính phủ nhằm xóa bỏ các rào cản pháp lý/quy định và cho phép nối lại các dự án bất động sản. Chẳng hạn, Novaland, một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất của Việt Nam, đã nối lại việc xây dựng một số dự án bao gồm Grand Manhattan tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đầu tư nhà nước tăng 18,4% so với cùng kỳ, dẫn đầu là các dự án cơ sở hạ tầng giao thông.
Kỳ vọng lạm phát giảm xuống mức 2% trong tháng 6
Các chuyên gia dự báo lạm phát toàn phần sẽ giảm xuống mức 2% trong tháng 6 (so với 2,4% trong tháng 5; trung bình Quý II: 2,4%), do giá nhiên liệu giảm đáng kể làm giảm phát giao thông sâu hơn so với năm ngoái. Lạm phát giao thông năm ngoái ở mức hai con số, kéo dài đến tháng 7/2022. Dự báo CPI chung tăng 3,4% của các chuyên gia cho năm 2023 có thể sẽ có rủi ro, do lạm phát giảm nhanh từ đầu năm đến nay.
Giữ nguyên dự báo GDP 2023 ở mức 4%
Các chuyên gia giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP là 4% vào năm 2023 và 6% vào năm 2024 và cho rằng tình trạng yếu kém về xuất khẩu sẽ tiếp diễn trong nửa cuối năm khi tăng trưởng toàn cầu chậm lại, mặc dù có thể có sự cải thiện nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái trong Quý IV năm 2023. Tiêu dùng trong nước có thể giảm trong những tháng tới do sự thận trọng của người tiêu dùng trong bối cảnh thị trường lao động yếu. Các nhà phát triển sẽ tiếp tục đối mặt với áp lực tài chính khi lượng lớn trái phiếu đáo hạn (trung bình 20 nghìn tỷ đồng/tháng trong Quý III, trong khi con số này chỉ có 10 nghìn tỷ đồng trong tháng 5), trong bối cảnh nhu cầu thị trường vốn giảm và nhu cầu mua nhà yếu. Các biện pháp hỗ trợ của chính phủ sẽ giúp giảm bớt áp lực tái cấp vốn, nhưng sẽ không có khả năng loại bỏ hoàn toàn căng thẳng tài chính.