Dự báo ‘nóng’ về chính sách tiền tệ nửa cuối 2023 – 'Mạnh tay' hạ lãi suất vì lý do này
Áp lực về tình trạng sản xuất kinh doanh đình trệ, lãi suất cao khiến doanh nghiệp khó khăn, có thể đổ vỡ khiến NHNN tới đây phải mạnh tay hạ lãi suất.
Đây là chia sẻ của Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên cao cấp trường Đại học Fulbright Việt Nam tại Chuỗi sự kiện hội thảo "Tìm ổn định trong bất định" được tổ chức bởi Công ty Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam), ngày 17/06/2023.
Dự báo Fed còn 1 lần tăng lãi suất trong tháng 7 hoặc tháng 9
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, hai yếu tố quan trọng tác động đến sự điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gồm: lãi suất điều hành đồng USD của Fed qua đó ảnh hưởng đến tỷ giá của Việt Nam; và áp lực lạm phát.
Trong 18 tháng qua, Hoa Kỳ có 10 lần tăng lãi suất điều hành, đưa lãi suất USD liên ngân hàng lên 5-5,25%. Ngày 15/06/2023, Fed đã quyết định không tăng lãi suất. Một phần cơ sở cho quyết định này của Fed là lạm phát Hoa Kỳ đã được kéo xuống, từ 4,9% xuống 4%. Mục tiêu của Hoa Kỳ là kéo lạm phát về 2% trong quý I/2024, vì vậy mức 4% đạt được trong tháng 5 vẫn khiến nhà đều hành quan ngại. Do đó, dù Fed bỏ qua một đợt tăng lãi suất tại cuộc họp mới nhất nhưng báo hiệu hai đợt tăng lãi suất nữa có thể vẫn được thực hiện vào cuối năm nay.
Dự báo Fed có thể tăng tiếp vào tháng 7 và tháng 9, sau đó duy trì lãi suất cao từ giờ đến hết năm. Nếu kịch bản này xảy ra sẽ tác động tới đến điều hành chính sách tiền tệ tại Việt Nam như thế nào?
Lãi suất USD cao tác động tới tỷ giá và lãi suất Việt Nam. Thuận lợi hiện nay là đồng USD vẫn ở trạng thái yếu, khó tăng giá so với đồng tiền khác. Khi đó, áp lực với tỷ giá Việt Nam không còn là mối quan ngại, các nhà điều hành Việt Nam có thể an tâm, qua đó có thể nới lỏng tiền tệ, bơm tiền ra.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Thành, Fed có thể chỉ còn 1 lần tăng lãi suất vào tháng 7 hoặc tháng 9, nếu lộ trình giảm lạm phát ở Hoa Kỳ không diễn ra nhanh. Mỗi lần Fed lần tăng lãi suất sẽ áp lực lên tỷ giá. Đây là rủi ro phải quan sát.
Dự báo 'nóng' về chính sách tiền tệ nửa cuối 2023 – "Mạnh tay" hạ lãi suất, nới lỏng tiền tệ
Ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng, nếu không còn quá quan ngại tỷ giá dưới tác động từ kinh tế toàn cầu, và trong nước không quá quan ngại lạm phát, hướng điều hành từ nay đến cuối năm là tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ.
Kết thúc quý I/2023, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 3,3% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng giảm 16,9% so với quý liền kề quý IV/2022. Xuất nhập khẩu giảm sâu là yếu tố chính kéo tăng trưởng kinh tế đi xuống.
Tăng trưởng suy giảm thì làm giảm hẳn áp lực lạm phát. Lạm phát tổng thể giảm từ 2,81% tháng 4 xuống 2,43% tháng 5. Ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng, năm nay Việt Nam sẽ không vỡ mục tiêu kiểm soát lạm phát qua đó, không có lo ngại việc bơm tiền gây bất ổn cho nền kinh tế.
Thanh khoản trên thị trường tiền tệ hiện đang cải thiện. Năm 2023, NHNN đang mua vào USD để tăng dự trữ lên 91,5 tỷ USD, dự báo NHNN sẽ tiếp tục mua vào USD để đưa dự trữ ngoại hối tới cuối năm lên 100 tỷ USD. Điều này giúp các nhà điều hành đạt được mục tiêu kép vừa tăng dự trữ ngoại hối vừa bơm VND ra thị trường qua đó tác động trực tiếp tới nền kinh tế. Không bị áp lực tỷ giá và lạm phát, thanh khoản dồi dào là cơ sở để NHNN hạ lãi suất.
Hiện nay, dù tín dụng đã tăng trưởng nhanh trở lại từ nửa cuối tháng 3/2023, nhưng tính chung 5 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng chậm. NHNN đưa mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14-15%, 5 tháng đầu năm, tín dụng tăng 3,17% so với cuối năm 2022 do mặt bằng lãi suất còn quá cao. Áp lực rất lớn của Chính phủ hiện nay là hạ lãi suất cho doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy được tăng trưởng tín dụng. Vì vậy, dự báo trong nửa cuối năm 2023, NHNN sẽ vừa bơm tiền, vừa hạ lãi suất điều hành.
"Chính phủ thực sự quan ngại về tình trạng đình trệ sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp khó khăn dẫn đến đổ vỡ. Các cảnh báo, ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp đưa lên cấp cao nhất có thông điệp rất rõ: mặt bằng lãi suất cao, khả năng tiếp cận tín dụng khó khăn… không chỉ ảnh hưởng đến con số tăng trưởng kinh tế mà cả sức khoẻ của nền kinh tế. Áp lực đó khiến Chính phủ phải mạnh tay hạ lãi suất. Thời điểm này vẫn còn dư địa. Nếu không còn dư địa thì có chỉ đạo cũng rất khó thực hiện. Nếu làm mà gây bất ổn thì không thể", chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành.
Sản xuất kinh doanh nửa cuối năm vô cùng khó khăn dù số liệu báo cáo tăng trưởng
Giảng viên cao cấp của Trường Đại học Fulbright Việt Nam dự báo sản xuất kinh doanh nửa cuối năm nay sẽ vô cùng khó khăn do đình trệ sản xuất kinh doanh tiếp tục xảy ra. Dù vậy, tình hình sẽ cải thiện một chút trong những tháng cuối.
Con số chính thức tăng trưởng kinh doanh Quý II/2023 có thể tốt hơn, nhưng cá nhân tôi cho rằng, thực tế Quý II chỉ như Quý I/2023
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên cao cấp trường Đại học Fulbright Việt Nam
Sự đình trệ này đến từ lãi suất cao, vấn đề của ngành bất động sản, xuất khẩu giảm mạnh…Nhưng theo vị chuyên gia này, tác động rất lớn hiện nay đến nền kinh tế vẫn là xuất khẩu. 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu giảm 18%. Chưa bao giờ xuất khẩu Việt Nam tăng trưởng âm như hiện nay, kể cả khủng hoảng kinh tế toàn cầu cách đây 12 năm, hay thời Covid xuất khẩu còn tăng mạnh. Xuất khẩu giảm mạnh đã tác động tiêu cực tới lĩnh vực khác. Bức tranh kinh tế bị ảnh hưởng, đặc biệt, khi xuất khẩu giảm thu nhập của lao động trong KCN giảm.
Mặc dù các dữ liệu cho thấy sản xuất có tín hiệu tích cực là tồn kho nhập khẩu giảm đơn hàng sẽ trở lại, nhưng điều này không chắc chắn. Trong quý I/2023 chúng ta kỳ vọng sự mở cửa của kinh tế Trung Quốc giúp tăng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc, nhưng sau cú hồi phục hậu Covid kinh tế Trung Quốc đang yếu, và họ cũng đang phải nới lỏng tiền tệ. Vì vậy, ông Nguyễn Xuân Thành đánh giá, tình hình kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục khó khăn dù con số chính thức cho thấy tăng trưởng.
Liên quan đến các xung đột trên thế giới, ông Nguyễn Xuân Thành đánh giá xung đột quân sự Nga – Ukraine gây tổn thương cho cả 2 quốc gia cả về mặt xã hội, kinh tế, chính trị và tác động trực tiếp đến châu Âu. Trong khi kinh tế toàn cầu đã học cách sống chung/thích ứng được với cuộc xung đột này. Ai cũng nghĩ không thể sớm chấm dứt ngay được cuộc xung đột nên kinh tế toàn cầu đã thích ứng, không còn bị tác động, kể cả do cuộc chiến năng lượng. Thị trường tài chính, tiền tệ cũng không chịu ảnh hưởng gì.
Tuy nhiên, nếu xung đột Trung Quốc – Đài Loan xảy ra, sẽ gây tác động lớn hơn rất nhiều so với Nga – Ukraine. Chúng ta thấy Nga-Ukraine tác động ngay ở châu Âu là mạnh nhất trong khi xung đột Trung Quốc – Đài Loan sẽ tác động chính đến khu vực châu Á chúng ta. Cá nhân ông Nguyễn Xuân Thành đánh giá xung đột Trung Quốc – Đài Loan là không thể xảy