Nông sản ĐBSCL sang EU tăng mạnh

15/10/2020 06:42 GMT+7
Với thuế suất 0%, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã mở ra nhiều cơ hội khi xuất khẩu thủy sản, nông sản, trái cây của nước ta sang thị trường châu Âu (EU)

Khi EVFTA có hiệu lực từ ngày 1-8 vừa qua, lập tức Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ) đã ký hợp đồng bán 3.000 tấn gạo cho 3 khách hàng của Đức và Pháp với 2 giống gạo thơm là ST20 và Jasmine. Ông Phạm Thái Bình, tổng giám đốc doanh nghiệp (DN) này, cho biết giá gạo ST20 mà công ty xuất khẩu sang EU đạt trên 1.000 USD/tấn, gạo Jasmine đạt khoảng 600 USD/tấn. Trong khi trước đây, giá gạo ST20 xuất khẩu sang EU chỉ khoảng 800 USD/tấn, gạo Jasmine 520 USD/tấn. Nối tiếp sự kiện này, vào cuối tháng 9, Tập đoàn Lộc Trời (An Giang) cũng đã xuất khẩu 126 tấn gạo thơm giống Jasmine 85 sang EU.

Ở mặt hàng trái cây, Công ty Vina T&T (Bến Tre) đã xuất khẩu bằng đường tàu biển và hàng không gồm 20.000 quả dừa tươi sang thị trường Anh, 12 tấn bưởi da xanh sang Đức và 3 tấn thanh long sang Hà Lan. Trung bình mỗi tuần, đơn vị này sẽ xuất khoảng 20 tấn trái cây các loại sang EU.

Với mặt hàng thủy sản, trong những tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, xuất khẩu tôm sang thị trường EU giảm mạnh. Tuy nhiên, từ khi EVFTA có hiệu lực và EU kiểm soát tốt dịch bệnh, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường này đã phục hồi và tăng nhẹ. Theo đó, xuất khẩu tôm sang EU trong tháng 8 ước tính tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ngay khi EVFTA có hiệu lực, thuế xuất khẩu nhiều mặt hàng tôm Việt Nam như tôm hùm xanh ướp đá, tôm sú HOSO, DP đông lạnh, tôm sắt PD tươi đông lạnh; tôm mũ ni vỏ, nguyên con, xẻ đông có mức từ 12,5% đã được giảm về 0%. Đặc biệt, các loại tôm sú có mức thuế từ 20% cũng được xóa bỏ thuế ngay.

Nông sản ĐBSCL sang EU tăng mạnh - Ảnh 1.

Thủy sản ĐBSCL có cơ hội cạnh tranh với nhiều nước khác khi xuất khẩu sang châu Âu với thuế suất bằng 0%. Ảnh: NGỌC TRINH

Ông Trần Hải Long, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết: "Từ ngày 1-8 đến 30-9, Sở Công Thương đã cấp 213 bộ C/O (giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa) cho DN xuất hàng đi EU với kim ngạch 15,9 triệu USD, chủ yếu là gạo, thủy sản, trái cây… Riêng Cần Thơ, hiện có 4 DN tham gia xuất khẩu trái cây sang EU, gồm các sản phẩm: chanh không hạt và bưởi Năm Roi, xoài, thanh long".

Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, đánh giá EVFTA mở ra cơ hội lớn đối với nông sản Việt Nam nói chung và TP Cần Thơ nói riêng. "EVFTA giúp nông sản Việt Nam vươn xa, với thuế suất bằng 0%, các mặt hàng nông sản có cơ hội cạnh tranh với các nước và điều kiện xuất khẩu trở nên thuận lợi hơn. UBND TP Cần Thơ rất quan tâm và giao Sở Công Thương phối hợp cùng nhiều sở, ngành khác tuyên truyền, vận động để DN hiểu và tận dụng cơ hội này" - ông Hiển nói.

Tuy vậy, EU là thị trường yêu cầu rất chặt chẽ về hàng rào kỹ thuật nên các sản phẩm xuất khẩu sang đây phải đạt chuẩn theo yêu cầu của nhà nhập khẩu. Theo ông Phạm Thái Bình, trước đây, Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cũng đã xuất khẩu gạo sang EU nên hiểu thị trường này luôn yêu cầu chất lượng rất cao. Sản phẩm phải có vùng trồng rõ ràng, truy xuất được nguồn gốc và có chứng nhận GlobalGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt), VietGAP hoặc tương đương và bảo đảm không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng khuyến cáo DN và nông dân chú ý, cần hiểu cặn kẽ yêu cầu thị trường EU (về chất lượng, an toàn thực phẩm và xuất xứ). Bên cạnh đó, DN cần phối hợp chặt chẽ với nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu thị trường.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thống kê sơ bộ sau hơn 1 tháng EVFTA được thực thi, giá trị hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu sang EU đạt khoảng 350 triệu USD, tăng 17% so với tháng trước.

Theo Ca Linh/Người lao động
Cùng chuyên mục