Ngày càng nhiều đồng minh đứng về phía Mỹ, loạt đại gia công nghệ Trung Quốc điêu đứng

27/07/2020 13:53 GMT+7
Trên khắp toàn cầu, những doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Trung Quốc như Huawei, ByteDance đang đối diện với nguy cơ bị cấm, bị hủy hợp đồng cùng hàng loạt hạn chế khác.
Ngày càng nhiều đồng minh đứng về phía Mỹ, loạt đại gia công nghệ Trung Quốc điêu đứng - Ảnh 1.

Ngày càng nhiều đồng minh đứng về phía Mỹ, loạt đại gia công nghệ Trung Quốc điêu đứng

Với nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi, tham vọng thống trị ngành viễn thông toàn cầu đã quá rõ kể từ khi Huawei khai trương trụ sở chính tại miền Nam Trung Quốc với hàng loạt tòa nhà bề thế, đồ sộ như bản sao của một thành phố Châu Âu. Còn CEO Zhang Yiming, người sáng lập ByteDance - công ty mẹ của TikTok thì trang hoàng trụ sở tại Bắc Kinh bằng hàng loạt áp phích của các CEO công nghệ hàng đầu thế giới, đồng thời tuyên bố sẽ xây dựng một tập đoàn toàn cầu cạnh tranh với các gã khổng lồ công nghệ Mỹ.

Nhưng hai doanh nghiệp Trung Quốc tiên phong cho tham vọng “soán ngôi” thống trị công nghệ toàn cầu của Mỹ hiện đang bị cản trở bởi hàng loạt động thái đàn áp của chính quyền Trump khi căng thẳng giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới gia tăng. Anh, Úc và Ấn Độ mới đây cũng đứng về phía hàng ngũ của Trump trong xung đột công nghệ với Bắc Kinh. 

Tháng 5/2019, Huawei bị Mỹ đưa vào danh sách đen, chặn mọi quyền truy cập vào nguồn cung công nghệ và linh kiện của Mỹ. Từ đó đến nay, hàng loạt công ty công nghệ Trung Quốc gồm nhà cung cấp thiết bị giám sát video hàng đầu thế giới Hikvision và Dahua Technology, các nhà phát triển trí tuệ nhân tạo Megvii, SenseTime, iFlytek… lần lượt lọt vào danh sách đen, mất quyền truy cập vào thị trường công nghệ lớn nhất thế giới.

Một CEO khởi nghiệp công nghệ tại Trung Quốc hiện đang hoạt động tại thị trường Mỹ và Ấn Độ cho hay: “Tình huống chúng ta đang phải đối diện là chưa từng xảy ra. Tâm lý kinh doanh của cá nhân tôi đang giảm mạnh vì tất cả những bất ổn hiện tại, chứ chưa nói đến tham vọng toàn cầu”.

SenseTime và Megvii dưới sự hỗ trợ của các nhà đầu tư Mỹ đã có cơ hội thực hiện các thương vụ IPO lớn. TikTok của ByteDance đang tận hưởng sự tăng trưởng nóng trên toàn cầu với hàng tỷ người dùng. Thiết bị giám sát của Hikvision đang phổ biến trên toàn thế giới. Nhưng ngay sau đó, lệnh trừng phạt và danh sách đen của Mỹ đã dập tắt những viễn cảnh sáng sủa. 

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng cường những phát ngôn chỉ trích Trung Quốc, hướng cuộc chiến tranh thương mại lan sang mặt trận công nghệ. Ấn Độ tiếp đó cấm cửa 59 ứng dụng Trung Quốc, viện dẫn quan ngại rủi ro bảo mật sau vụ đụng độ biên giới khu vực dãy Himalaya khiến 20 binh sĩ nước này thiệt mạng.

Anh hồi đầu tháng 7 cũng đột ngột đảo ngược quyết định hồi đầu năm khi tuyên bố cấm các nhà khai thác mạng nước này mua linh kiện Huawei kể từ sau 31/12/2020, đồng thời thanh trừng toàn bộ thiết bị mạng Huawei khỏi hệ thống cơ sở hạ tầng viễn thông quốc gia từ nay đến năm 2027. Sau quyết định của Anh, Pháp cũng hành động tương tự, nhưng lùi thời hạn thanh trừng sang năm 2028. 

Trên khắp toàn cầu, những doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Trung Quốc đang đối diện với nguy cơ bị cấm, bị hủy hợp đồng cùng hàng loạt hạn chế khác.

ByteDance có thể buộc phải bán TikTok khi Mỹ cân nhắc áp đặt lệnh cấm tương tự như Ấn Độ. Huawei dự kiến thiệt hại hàng tỷ USD doanh thu mỗi năm khi hàng loạt chính phủ có xu hướng theo chân Mỹ, Anh, Pháp cấm cửa thiết bị mạng 5G của công ty này. Alibaba thì đang cắt giảm nhân sự tại công ty con UCBrowser khi Ấn Độ cấm trình duyệt web phổ biến này.

Tuy nhiên, một số chuyên gia phân tích chỉ ra rằng thị trường nội địa khổng lồ cho đến nay vẫn là nguồn thu lợi nhuận lớn nhất cho các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc. 

Như trường hợp của Huawei, khi hãng này bị chặn quyền truy cập vào các công nghệ Mỹ, bao gồm hệ điều hành Android do Google phát triển, Huawei đã ngay lập tức quay trở lại tấn công thị trường Trung Quốc đại lục. Kết thúc năm 2019, tập đoàn này ghi nhận lợi nhuận ròng đạt 62,7 tỷ NDT (9 tỷ USD); doanh thu bán hàng toàn cầu đạt mức tăng trưởng kỷ lục 858,8 tỷ NDT (123 tỷ USD), tăng 19,1% so với năm trước

Bất chấp lệnh cấm vận thương mại của Mỹ, hoạt động kinh doanh tiêu dùng của Huawei vẫn đạt mức tăng trưởng 34% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 46,3 tỷ NDT (53,1 tỷ USD) và bán được tổng cộng 240 triệu thiết bị điện thoại thông minh. Trong đó, doanh thu từ thị trường nội địa Trung Quốc tăng 36,2%, đạt 506,7 tỷ NDT (57,58 tỷ USD) và chiếm 59% tổng doanh thu. 


Thùy Dung
Cùng chuyên mục