Làm căng với Trung Quốc, Ấn Độ đã chọn phe trong cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung

08/07/2020 11:31 GMT+7
Các nhà quan sát cho hay thông qua việc cấm 59 ứng dụng Trung Quốc hồi tuần trước, Ấn Độ có vẻ như đã “chọn phe” cho mình trong chiến tranh công nghệ Mỹ Trung.
Làm căng với Trung Quốc, Ấn Độ đã chọn phe trong cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung - Ảnh 1.

Người dân Ấn Độ biểu tình tẩy chay các ứng dụng Trung Quốc sau vụ đụng độ biên giới khiến 20 binh sĩ thiệt mạng

Tuần trước, Ấn Độ tuyên bố chặn 59 ứng dụng thuộc sở hữu của các công ty Trung Quốc sau vụ đụng độ biên giới Trung - Ấn làm 20 binh sĩ nước này thiệt mạng. Những lý do được đưa ra là để bảo vệ “chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Ấn Độ cũng như quyền riêng tư bảo mật dữ liệu của người dân Ấn Độ”. Chính quyền Thủ tướng Narendra Modi cũng cấm các nhà khai thác mạng trong nước mua sắm thiết bị viễn thông từ các công ty Trung Quốc như Huawei hay ZTE.

Nhưng các chuyên gia quan sát chỉ ra rằng lời giải thích như vậy “không tiết lộ toàn bộ những gì đang thực sự xảy ra” trên chính trường. “Nếu chúng ta hiểu rằng lệnh cấm của Ấn Độ chủ yếu là một biện pháp kinh tế chính trị chống lại Trung Quốc - quốc gia vốn đang bị cuốn vào xung đột với Mỹ để giành quyền thống trị thị trường kỹ thuật số, thì thứ sẽ bắt đầu sáng tỏ” - trích nhận định của Jai Vipra, nhà nghiên cứu công nghệ toàn cầu.

Trong nhiều tháng qua, Mỹ đã không ngừng “đàn áp” các công ty viễn thông Trung Quốc, đặc biệt là Huawei. Chính quyền Tổng thống Donald Trump không chỉ ban hành lệnh hành pháp hạn chế doanh nghiệp Mỹ làm ăn với Huawei mà còn gây áp lực buộc các đồng minh cấm cửa Huawei tham gia dự án phủ sóng mạng 5G thế hệ mới.

Trước áp lực từ Washington, nhiều quốc gia đồng minh nhanh chóng viện dẫn lý do rủi ro an ninh quốc gia để cấm cửa Huawei đúng như những gì chính quyền Trump mong đợi. Hành động của Ấn Độ mới đây là một minh chứng rằng khi căng thẳng Mỹ - Trung nóng lên, các quốc gia đang bị buộc phải đứng về một phía. Thời điểm Ấn Độ tuyên bố chặn các ứng dụng công nghệ Trung Quốc, quốc gia Đông Á này đã chọn xong “phe” cho mình. 

Ông Jai Vipra nói thêm: “Có nhiều cách để (các ứng dụng Trung Quốc) vượt qua lệnh cấm. Thêm vào đó, Ấn Độ không phải thị trường đóng góp doanh thu chủ yếu cho các ứng dụng Trung Quốc cho đến nay. Nhưng rõ ràng, lệnh cấm đã chấm dứt quyền truy cập hợp pháp của các ứng dụng này vào một trong những thị trường lớn nhất thế giới. Và thiệt hại kinh tế dù nhiều hay ít vẫn gây ra những tổn thất cho doanh nghiệp. Chưa kể động thái này có thể dẫn tới sự trả đũa kinh tế từ Trung Quốc và leo thang căng thẳng ở cả hai bên”.

Ấn Độ đã xem xét việc cấm hai công ty viễn thông Trung Quốc là Huawei và ZTE tham gia cung cấp thiết bị mạng 5G. Nhưng các quan chức đã không phản đối khoản đầu tư tỷ đô của đại gia công nghệ Mỹ Facebook vào mạng viễn thông Reliance Jio của Ấn Độ. Như vậy, với động thái này, Ấn Độ dường như đã từ bỏ hoàn toàn tính trung lập để đứng về phe Mỹ trong cuộc “Chiến tranh lạnh Kỹ thuật số” đang ngầm diễn ra. Và cuộc xung đột biên giới khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng vừa qua có lẽ chỉ là nguyên nhân trực tiếp để hiện thực hóa một lựa chọn chính sách đã sẵn sàng từ lâu.

Chiến tranh Lạnh kỹ thuật số Mỹ - Trung là cụm từ ám chỉ xung đột công nghệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới để tranh giành vị thế lãnh đạo các lĩnh vực công nghệ toàn cầu trong tương lai, bao gồm mạng 5G, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật… Các công ty Mỹ hiện chiếm tới 68% vốn hóa thị trường trong 70 nền tảng kỹ thuật số hàng đầu thế giới, trong khi con số này ở Trung Quốc chỉ là 22%.

Nhiều nhà quan sát đã lên tiếng cảnh báo rằng việc Ấn Độ độc lập kinh tế hoàn toàn với Trung Quốc gần như là “bất khả thi” trong tình huống hiện tại. Chuỗi cung ứng toàn cầu nói chung và chuỗi cung ứng của Ấn Độ nói riêng phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Trung Quốc hiện cũng là đối tác thương mại lớn bậc nhất của Ấn Độ, đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực đầu tư, công nghệ.


Thùy Dung
Cùng chuyên mục