Nghỉ Tết, giao dịch chậm, giá lúa gạo vẫn neo ổn định ở mức cao
Giá lúa gạo tiếp tục neo ở mức cao, giao dịch chậm
Giá lúa gạo hôm nay 17/1 tại Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục neo ở mức cao. Hiện các kho và nhà máy đã nghỉ Tết, giao dịch chậm.
Hiện lúa OM 18 đang được thương lái thu mua tại ruộng với mức 6.800 – 6.900 đồng/kg; OM 5451 6.700 – 6.800 đồng/kg; Đài thơm 8 6.900 – 7.100 đồng/kg; nàng hoa 9 6.900 – 7.200 đồng/kg; nếp khô Long An 9.000 – 9.200 đồng/kg, nếp khô An Giang giá dao động 8.400 – 8.600 đồng/kg; lúa Nhật 7.800 – 7.900 đồng/kg; lúa IR 504 ở mức 6.200 – 6.300 đồng/kg; nàng hoa 9 6.600 – 6.800 đồng/kg; lúa IR 504 khô duy trì ở mức 6.500 đồng/kg; nếp tươi An Giang đang được thương lái thu mua ở mức 7.000 – 7.200 đồng/kg; nếp Long An tươi 7.850 – 8.000 đồng/kg.
Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm duy trì ổn định. Hiện giá gạo nguyên liệu ở mức 9.200 – 9.300 đồng/kg; gạo thành phẩm 10.000 – 10.100 đồng/kg. Tương tự, với mặt hàng phụ phẩm, giá phụ phẩm cũng có xu hướng đi ngang. Hiện giá tấm ở mức 9.300 đồng/kg; cám khô ở mức 8.100 – 8.200 đồng/kg.
Tại chợ lẻ, giá gạo thường 11.500 đồng/kg – 12.500 đồng/kg; gạo thơm Jasmine 15.000 – 16.000 đồng/kg; gạo Sóc thường 14.000 đồng/kg; nếp ruột 14.000 – 15.000 đồng/kg; Gạo Nàng Nhen 20.000 đồng/kg; Gạo thơm thái hạt dài 18.000 – 19.000 đồng/kg; Gạo Hương Lài 19.000 đồng/kg; Gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg; Nàng Hoa 17.500 đồng/kg; Sóc Thái 18.000 đồng/kg; Gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg; Gạo Nhật 20.000 đồng/kg; Cám 7.000 – 8.000 đồng/kg.
Theo các thương lái, hôm nay nguồn gạo về ít, các kho dọn dẹp, nghỉ Tết sớm. Giao dịch lúa Đông Xuân chậm, giá lúa vững ở mức cao.
Trên thị trường xuất khẩu gạo giá chào bán gạo xuất khẩu của Việt Nam duy trì ổn định. Hiện giá gạo tấm 5% tấm đang ở mức 458 USD/tấn; gạo 25% tấm duy trì ở mức 438 USD/tấn.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 12/2022 cả nước xuất khẩu 434.611 tấn gạo, thu về 220,26 triệu USD, giá trung bình 506,8 USD/tấn, giảm 26% về lượng và giảm 24% kim ngạch, nhưng giá tăng nhẹ 2,8% so với tháng 11/2022; so với tháng 12/2021 cũng giảm 12% về lượng, giảm 13,6% kim ngạch và giảm 1,7% về giá.
Trong tháng 12/2022 xuất khẩu gạo sang thị trường chủ đạo Philippines tiếp tục giảm 16,4% về lượng và giảm 15,5% kim ngạch so với tháng 11/2022, đạt 216.156 tấn, tương đương 103,04 triệu USD; nhưng tăng 38,6% về lượng, tăng 33,7% kim ngạch, nhưng giảm 3,6% về giá so với tháng 12/2021. Xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc tháng 12/2022 tiếp tục giảm 14,6% về lượng và giảm 7,7% kim ngạch so với tháng 11/2022, đạt 43.002 tấn, tương đương 23,83 triệu USD; so với tháng 12/2021 cũng giảm 27% về lượng, giảm 15% kim ngạch.
Tính chung cả năm 2022 lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt gàn 7,11 triệu tấn, tương đương trên 3,45 tỷ USD, tăng 13,8% về khối lượng, tăng 5,1% về kim ngạch so với năm 2021, giá trung bình đạt 486,2 USD/tấn, giảm 7,7%.
Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 45,2% trong tổng lượng và chiếm 43,2% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, đạt gần 3,22 triệu tấn, tương đương 1,49 tỷ USD, giá trung bình 464 USD/tấn, tăng 30,7% về lượng, tăng 19% về kim ngạch nhưng giảm 8,9% về giá so với đầu năm 2021.
Tiếp sau đó là thị trường Trung Quốc chiếm trên 12% trong tổng lượng và tổng kim ngạch, đạt 850.949 tấn, tương đương 432,32 triệu USD, giá trung bình 508 USD/tấn, giảm 19,6% về lượng và giảm 17,3% kim ngạch; giá tăng nhẹ 2,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Thị trường Bờ Biển Ngà đứng thứ 3 đạt 656.361 tấn, tương đương 294,6 triệu USD, giá 448,8 USD/tấn, tăng mạnh 53,3% về lượng và tăng 34,9% kim ngạch nhưng giảm 12% về giá so với cùng kỳ, chiếm trên 9,2% trong tổng lượng và chiếm 8,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.
Xuất khẩu sang các thị trường FTA RCEP đạt 4,76 triệu tấn, tương đương trên 2,26 tỷ USD, tăng 18,3% về lượng, tăng 10,7% kim ngạch. Xuất khẩu sang các thị trường FTA CPTTP đạt 578.596 tấn, tương đương 280,21 triệu USD, tăng 31,3% về lượng và tăng 19,6% kim ngạch.
Thực tế, năm 2022 sản lượng gạo xuất khẩu của ta đạt cao nhất trong vài năm gần đây và vượt mục tiêu đề ra gần 1 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu cũng ở mức cao nhất kể từ năm 2013 trở lại đây.
Không chỉ tăng cả sản lượng và giá trị, hạt gạo Việt ngày càng chiếm lĩnh đa dạng thị trường. Trong đó, các thị trường "khó tính" khác cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao. Đặc biệt, xuất khẩu gạo sang thị trường Mỹ tăng 85%, thị trường EU tăng 82%.
Chuyên gia nông nghiệp nhận định, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2023 tiếp tục tăng trưởng tốt do thời tiết khắc nghiệt ở nhiều quốc gia châu Á (nơi chiếm 90% sản lượng gạo toàn cầu); tình trạng biến đổi khí hậu, hạn hán gay gắt ở Mỹ, châu Âu và Trung Quốc (nước có nhu cầu tiêu thụ gạo lớn nhất thế giới) đang đặt nguồn cung gạo vào tình trạng thiếu hụt.
Chưa kể, chất lượng và độ an toàn thực phẩm của gạo Việt Nam ngày được nâng cao nên được nhiều thị trường cao cấp trên thế giới lựa chọn. Các nước nhập khẩu gạo lớn như Trung Quốc, châu Phi, Philippines, Indonesia,... có nhu cầu lớn về gạo Việt Nam.
Để đón đầu cơ hội xuất khẩu gạo năm 2023, các cơ quan chức năng đã chỉ đạo các vùng trọng điểm sản xuất ưu tiên các giống lúa ngắn ngày chất lượng cao, giống lúa thơm phù hợp với yêu cầu của thị trường; giảm tỷ lệ các giống lúa chất lượng trung bình và lúa nếp.
Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành sản xuất lúa gạo theo hướng nâng cao giá trị, phối hợp với các địa phương và doanh nghiệp tập trung xây dựng thương hiệu cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam.
Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp đã hiểu được câu chuyện hướng đến thị trường cao hơn. Qua thông tin của doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang châu Âu, Nhật Bản... cho thấy, chúng ta xuất đi hàng hoá có chất lượng, tập trung vào yêu cầu của từng thị trường.
Gạo Việt Nam xuất sang thị trường châu Âu hay Nhật Bản, dù ở giai đoạn này quy mô chưa lớn, nhưng rõ ràng đó là tín hiệu cho thấy một khi thay đổi được tư duy sẽ tạo ra giá trị gia tăng, dẫn dắt người trồng lúa làm theo tiêu chuẩn của thị trường, mang tính định hình thị trường về mặt lâu dài.
Nếu trước kia có đơn hàng doanh nghiệp mới bắt đầu thu mua lúa gạo thì hiện có rất nhiều doanh nghiệp như Lộc Trời, Trung An,... liên kết với người nông dân tạo thành vùng sản xuất lúa gạo lớn để dần ổn định nguồn nguyên liệu, đáp ứng được nhu cầu thị trường.