Ngồi trên núi livestream, nói chuyện cam, chè... khắp toàn cầu
Thích nghi với cái mới
Giữa mùa dịch, bà Trương Thị Tâm, một người bán hàng địa phương lần đầu tiên làm “chuyện xưa nay hiếm” - livestream bán hàng. Tận dụng những nền tảng công nghệ như tính năng livestream, kết quả kinh doanh của bà Tâm tăng mạnh, lượt theo dõi lên 70 lần. Kéo theo đó sự phát triển đơn hàng tăng 15 lần, doanh thu tăng 14 lần...
Xu hướng livestream của các sàn thương mại điện tử đã xuất hiện và dần phát triển từ năm 2019. Tuy nhiên, phải đến khi dịch bệnh bùng nổ, việc livestream bán hàng trên nền tảng mới được bộc lộ thêm phần rõ nét.
Chuyện livestream đối với những nhà bán hàng chuyên nghiệp không còn gì mới nhưng với những người nông dân là một bước ngoặt lớn. Tại Lục Ngạn (Bắc Giang), mùa vải năm nay khác biệt khi ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều tiểu thương Trung Quốc không thể sang để mua hàng. Người nông dân địa phương chỉ còn cách bán hàng qua điện thoại.
Trong 3 năm trở lại đây, thương mại điện tử ngày càng phổ biến với người kinh doanh thành thị, thậm chí nhiều nơi còn trở thành phương thức kinh doanh chủ yếu. Tuy nhiên, ở nông thôn, đây vẫn là sân chơi mới lạ.
Cũng nhờ livestream, từ bên kia các tiểu thương có thể xem đánh giá chất lượng vải và từ đó họ có quyết định giao dịch. Cảnh người nông dân ra vườn cầm điện thoại soi từng chùm vải, nói chuyện với đối tác đã trở nên quen thuộc.
Đại diện Lazada Việt Nam cho hay, để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, đơn vị này và Vecom đã kết hợp cùng nhau đưa các sản phẩm dừa Bến Tre lên kênh bán hàng online, đưa sản phẩm đặc trưng vùng miền đến tay người tiêu dùng một cách dễ dàng hơn.
Mới đây, hơn 10.000 người theo dõi livestream bán hàng trong 1 giờ đồng hồ trên mạng xã hội, gần 2.000 sản phẩm được bán ra nhanh chóng chỉ trong 1 ngày duy nhất lên sàn thương mại điện tử là những kết quả ấn tượng của chương trình "Ngày của Làng dừa Bến Tre online".
Mặc dù chưa có thống kê chính thức về số lượng nông dân đang sử dụng công cụ livestream để bán sản phẩm, nhưng hình thức bán hàng mới mẻ này nhanh chóng được phổ biến. Livestream trên các nền tảng mạng xã hội hay thương mại điện tử tại Việt Nam đang thu hút hàng trăm nghìn lượt xem mỗi ngày.
Về ưu điểm, người bán và người mua có thể tương tác được với nhau, được trực tiếp nhìn sản phẩm một cách chân thực vì không thể chỉnh sửa, mang lại độ tin cậy cao. Một ưu điểm của hình thức này là người mua cảm thấy tin tưởng khi họ tận mắt nhìn thấy nguồn gốc của các sản phẩm mình định mua.
Nhận thấy hiệu quả từ bán hàng online, người nông dân tập đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Theo ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, thời điểm phục hồi sau dịch được xem là thích hợp của mùa kinh doanh trực tuyến.
Nhiều động thái tích cực từ các doanh nghiệp, diễn biến của thị trường và việc thay đổi nhận thức, hành vi mua sắm của người tiêu dùng khiến thương mại điện tử, mua sắm trực tuyến tăng trưởng mạnh mẽ với những phong cách và kỹ năng mới. Các doanh nghiệp tới đây sẽ bước vào cuộc chơi mới, với sự tăng trưởng và thay đổi vượt bậc.
Rào cản lên sàn
Hàng loạt sàn thương mại điện tử đã mở rộng cửa cho người nông dân đưa sản phẩm lên mạng. Bưu điện Việt Nam có riêng một trang postmart dành cho nông sản. Chè Thái Nguyên, Long nhãn Hưng Yên, gạo Séng Cù Yên Bái, nước mắm Phú Quốc, Mật ong rừng Lào Cai, tương ớt Mường Khương,... đã có mặt ở sàn này.
Khi ra nhập thị trường Việt Nam, Shopee định hướng phát triển thị trường nông thôn, thành thị là 50-50. Đơn vị này thường xuyên mở các chương trình huấn luyện hỗ trợ bán hàng cho những tiểu thương ở khu vực xa. Nhờ vậy, hộ kinh doanh ở nông thôn tương đối.
Còn Lazada hỗ trợ khách hàng miễn phí mở gian hàng, miễn phí hoa hồng trọn đời, miễn phí các chương trình đào tạo bán hàng online, hỗ trợ về thiết kế, hình ảnh gian hàng, dán nhãn đặc sản nếu đã có đăng ký chỉ dẫn địa lý...
Tương tự, Tiki đã bắt đầu thử nghiệm và học về chuyện đưa nông sản, thực phẩm tươi sống lên sàn. Tiki quan tâm và từng trao đổi với các tổ chức phi chính phủ về việc làm sao để đưa nông dân lên giao dịch online.
Nhiều tiện ích của thương mại điện tử nhưng thực tế, kết nối người nông dân lên sàn không dễ dàng. Để có thể tiếp cận và duy trì được hoạt động bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, người bán phải đáp ứng các yêu cầu về chất lượng sản phẩm đã cam kết với sàn và chấp nhận sự cạnh tranh trực tiếp từ những sản phẩm tương tự ngay trên một nền tảng bán hàng.
Bà Vũ Thị Nhật Linh, Phó Tổng giám đốc quản lý Sàn giao dịch thương mại Tiki, khó khăn lớn nhất của sàn thương mại điện tử khi đưa nông sản lên sàn là hạ tầng về chuỗi cung ứng, không chỉ là xuất xứ hàng hóa, chất lượng hàng hóa.
“Nông sản khi đến tay khách hàng sẽ ra sao, điều kiện giao hàng, thời gian nông sản đến tay người tiêu dùng,... là những điều rất quan trọng”, bà Nhật Linh nói.
Theo đại diện của Shopee, chỉ có 10% khách hàng ở khu vực này thanh toán online. Điều này cũng là thách thức đối với sàn thương mại điện tử dành cho nông nghiệp. Còn Lazada cho rằng, chỉ các sàn thương mại điện tử thì không đủ. Phải kết hợp và có được quyết tâm từ chính quyền địa phương, phát triển thương mại điện tử ở nông thôn mới có thể phát triển.