Người dân có thể "bán non" lợn thịt dịp sát Tết Nguyên đán nếu giá tăng cao

18/01/2022 06:50 GMT+7
Trong bối cảnh giá lợn hơi đang nhích lên từng ngày như hiện nay, các cơ quan chức năng cho rằng, người dân có thể "bán non" lợn thịt (khoảng 80kg/con thay vì 100 - 120 kg/con) trong dịp sát Tết Nguyên đán...

Đà tăng của giá lợn hơi có thể kéo dài đến những ngày sát Tết Nguyên đán

Hai tuần đầu tháng 1, giá lợn hơi tăng 6.000 – 7.000 đồng/kg, từ mức 46.000 – 47.000 đồng/kg lên mức 52.000 – 55.000 đồng/kg. Tại nhiều tỉnh thành miền Bắc, giá lợn hơi tăng mạnh 5.000 đồng, lên 52.000-55.000 đồng/kg. Trong đó, Bắc Giang có mức giá cao nhất, các tỉnh còn lại như Thái Nguyên, Hà Nam, Tuyên Quang, Yên Bái... thu mua lợn hơi trong khoảng giá 51.000-53.000 đồng/kg.

Tại miền Trung - Tây Nguyên, giá lợn hơi tuần này ghi nhận tăng tới 6.000 đồng/kg. Trong đó, Nghệ An tăng mạnh nhất, lên 54.000 đồng/kg. Một loạt tỉnh thành khác như Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Nam, Lâm Đồng, Bình Thuận, Quảng Trị, Khánh Hòa, Ninh Thuận, giá lợn hơi lên 52.000-53.000 đồng/kg.

Ở miền Nam, giá thu mua lợn hơi tăng thêm 3.000 đồng/kg. Trong đó, đồng Nai đạt mức 53.000 đồng/kg, các tỉnh còn lại như TP.HCM, Bình Dương,Vĩnh Long, Cần Thơ, Kiên Giang là 50.000 đồng/kg. Đà tăng của giá lợn hơi này có thể kéo dài đến những ngày sát Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 nhưng mức tăng không lớn vì cung – cầu cân bằng.

Người dân có thể "bán non" lợn thịt dịp sát Tết Nguyên đán nếu giá tăng cao - Ảnh 1.

Các thương lái lợn nhận định: Tết này lợn không thiếu nên khó tăng đột biến giá bán lên thật cao nữa. Ảnh: DV

Giá lợn hơi bắt đầu tăng khi nhu cầu tiêu thụ thịt cho chế biến các món ăn truyền thống như giò, chả… tăng. Các tỉnh, thành thích ứng với dịch Covid-19 cũng thúc đẩy tiêu dùng thịt lợn cao hơn, cân bằng với giá lợn sản xuất ra.

Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn cũng cho rằng, nguyên nhân giá lợn hơi đi lên cũng là do các quốc gia lận cận đang có nhu cầu nhập lợn hơi từ Việt Nam. Hiện, giá lợn hơi xuất sang Thái Lan đang ở mức 83.000-84.000 đồng/kg và có dấu hiệu còn tăng nữa.

Đến hết năm 2021, tổng đàn lợn của cả nước vẫn ổn định ở mức 28,1 triệu con, cao hơn khoảng 6% so với năm 2020; trong đó 16 doanh nghiệp lớn chiếm 23-24% tương đương 6,5 triệu con. Với mức giá 52.000 – 55.000 đồng/kg, các doanh nghiệp lớn có lãi khoảng 13.000 – 16.000 đồng/kg, các doanh nghiệp nhỏ, chăn nuôi nông hộ có mức hòa vốn hoặc lãi ít vì chi phí chăn nuôi tăng mạnh, riêng giá thức ăn chăn nuôi năm qua tăng 15 – 36%.

Cách đây 2 tháng, giá lợn hơi liên tục lao dốc do nguồn cung dư thừa, lợn quá lứa tồn đọng với số lượng lớn. Có thời điểm, giá lợn hơi xuống dưới mức 40.000 đồng/kg khiến người chăn nuôi lỗ nặng. 

Được biết, các cơ quan chức năng dự báo, tiêu thụ thịt lợn trong dịp Tết Nguyên đán năm nay có thể chỉ tăng 10 - 15% so với các tháng. Lượng tiêu thụ không cao như mọi năm do thu nhập của người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên chi tiêu tiết kiệm hơn mọi năm.

Các cơ quan chức năng cho rằng, trong bối cảnh giá lợn hơi nhích lên từng ngày như hiện nay người dân có thể "bán non" lợn thịt (khoảng 80kg/con thay vì 100 - 120 kg/con) trong dịp sát Tết Nguyên đán.

Người dân có thể "bán non" lợn thịt dịp sát Tết Nguyên đán nếu giá tăng cao - Ảnh 2.

Dù giá heo hơi tăng song giá thịt heo tại các chợ Hà Nội vẫn duy trì ổn định ở mức 80.000-125.000 đồng/kg tùy loại. Giá thịt ba chỉ dao động 120.000 - 130.000 đồng/kg, thịt vai khoảng 110.000-120.000 đồng/kg... Với số lượng đàn lợn như hiện nay sẽ không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng trong dịp Tết. Ảnh: DV

Với số lượng đàn lợn như hiện nay sẽ không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng

Thực tế, càng gần Tết Nguyên đán, các trang trại, chăn nuôi đã chuẩn bị sẵn sàng để đưa nguồn hàng ra thị trường. Với số lượng đàn lợn như hiện nay sẽ không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng trong dịp Tết.

Một số dự báo cho thấy, giá lợn hơi sẽ tăng nhẹ trong tuần này và tuần sau. Tuy nhiên, theo các thương lái, giá chỉ tăng tại những địa phương đang có giá thấp, những nơi có giá cao trên 55.000 đồng/kg thì rất khó tăng mạnh. Đó cũng là những vùng đang có lượng lợn lớn. Các thương lái lợn nhận định: Tết này lợn không thiếu nên khó tăng đột biến giá bán lên thật cao nữa. Nếu giá lợn tăng tiếp vào 3 - 4 ngày trước tết thì là tăng giá cục bộ, từng địa phương và vì nhu cầu mua thịt tươi sống tăng. Năm nào tuần trước tết cũng tăng khá cao, nhưng năm nay có thể mức tăng vừa phải vì lượng lợn nhiều, không thiếu như mấy năm dịch tả lợn châu Phi. 

Trong khi đó, theo số liệu của Bộ Công Thương, chưa đầy một năm, Việt Nam đã chi gần 1,3 tỷ USD để nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt. Đây là lý do các loại thịt lợn đông lạnh có giá siêu rẻ đang tràn ngập chợ tết. 

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), dù lượng thịt nhập khẩu những tháng cuối năm 2021 giảm đáng kể so với cùng kỳ, nhưng tính đến hết tháng 11/2021, Việt Nam đã nhập khẩu 672,63 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 1,29 tỷ USD, tăng 0,9% về lượng và tăng 14,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Thịt nhập khẩu về Việt Nam tháng 11/2021 có giá trung bình 2.298 USD/tấn (khoảng 53.000 đồng/kg), giảm 3,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Riêng mặt hàng thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, 11 tháng năm 2021, nước ta nhập khẩu khoảng 148,66 nghìn tấn, trị giá 343,2 triệu USD, tăng 21,9% về lượng và tăng 17,4% về trị giá so với cùng kỳ.

Người dân có thể "bán non" lợn thịt dịp sát Tết Nguyên đán nếu giá tăng cao - Ảnh 3.

Đến thời điểm này, hàng thịt đông lạnh lại đang tồn đọng tại các bãi và kho với số lượng cực lớn ở khu vực phía Nam. Ảnh: CT

Có thể thấy, những ngày cận kề Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các loại thịt lợn Nga, Đức, Ba Lan, Mỹ,... được rao bán tràn ngập. Đáng nói, nhiều mặt hàng được bán với giá rẻ bằng một nửa so với hàng nội, thậm chí có loại siêu rẻ. Nếu như ngoái giá ba chỉ rút sườn nhập về chừng nào hết chừng đó, giá bán rất cao, lên 120.000 đồng/kg, năm nay giá chỉ từ 70.000 - 80.000 đồng/kg; nạc đùi từ 77.000 đồng/kg nay xuống 64.000 đồng/kg; chân móng giò heo từ 37.000 - 38.000 đồng/kg, nay xuống 11.000 - 12.000 đồng/kg, loại trắng tốt cao nhất cũng chỉ 20.000 đồng/kg... Thậm chí, có những đầu mối còn rao bán với giá siêu rẻ nếu khách đặt mua từ 10kg trở lên. Cụ thể, cốt lết 70.000 đồng/kg, thịt xay 30.000 đồng/kg, khoanh giò cắt khúc 35.000 đồng/kg,...

Các nhà nhập khẩu cho hay, lượng thịt nhập mới tăng từ tháng 11/2021 đến nay, nhằm “đón đầu” thị trường Tết Nguyên đán, đón thị trường sau giãn cách. Thế nhưng, đến thời điểm này, hàng thịt đông lạnh lại đang tồn đọng tại các bãi và kho với số lượng cực lớn ở khu vực phía Nam. Phần lớn trong số này là hàng nhập về để đưa đi Trung Quốc. Nhưng trong suốt thời gian Việt Nam giãn cách chống dịch, hàng sang Trung Quốc đã giảm đáng kể, ùn ứ tại cửa khẩu còn nhu cầu thị trường trong nước thì khó tăng…

Dự báo chung cho năm 2022, thị trường chăn nuôi lợn sẽ tiếp tục khó khăn bởi dịch Covid-19 và dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp. Nếu tình hình dịch bệnh trên cả người và gia súc diễn biến xấu sẽ rất khó khăn. Ngược lại, nếu dịch bệnh được kiểm soát, người dân có thu nhập thì lượng tiêu thụ thịt lợn mới có thể tăng mạnh trở lại và giúp ngành chăn nuôi bền vững hơn.

Riêng tháng Tết, nhu cầu thịt gà cần khoảng 110.000 tấn, thịt lợn cần khoảng 270.000 tấn, còn thịt bò là 30.000 tấn. Hiện tổng đàn gia cầm của cả nước đạt trên 510 triệu con, tăng khoảng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Tổng đàn lợn cả nước đạt khoảng 28,1 triệu con; đàn trâu, bò giữ ổn định ở mức trên 8,6 triệu con. Tuy nhiên, việc kiểm soát dịch bệnh trên đàn vật nuôi sẽ là yếu tố quan trọng nhằm ổn định nguồn cung các sản phẩm chăn nuôi cuối năm, dịp Tết và cả năm 2022.



Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục