Doanh nghiệp Trung Quốc "càng sản xuất càng lỗ" khi giá sản xuất tăng vùn vụt

09/06/2021 15:21 GMT+7
Chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc trong tháng 5 đã tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái khi giá hàng hóa tăng mạnh, theo công bố mới nhất của Cục Thống kê Quốc gia.

Như vậy, với mức tăng chỉ số giá sản xuất 9%, đây là lần tăng chi phí sản xuất nhanh nhất mà Trung Quốc từng chứng kiến kể từ tháng 9/2008 đến nay, theo Wind Information. Mức tăng vượt qua dự báo 8,5% của các nhà phân tích Reuters.

Dữ liệu cho thấy chi phí sản xuất đã tăng gần gấp đôi (99,1%) đối với ngành khai thác dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Trung Quốc, và tăng 34,3% đối với dầu, than và chế biến nhiên liệu khác.

Gan Jie, giáo sư tài chính kiêm giám đốc học thuật chương trình MBA tại Trường Kinh doanh Cheung Kong, có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết giá nguyên liệu thô tăng là mối quan tâm đặc biệt đối với các công ty kinh doanh vật liệu xây dựng cũng như sắt thép. “Đây là nhóm ngành bi quan nhất, họ cảm thấy chi phí đang tăng mạnh và sẽ tiếp tục tăng cho đến cuối năm. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong ngành khác tỏ ra lạc quan hơn rằng sự tăng giá sản xuất sẽ sớm kết thúc. Nhận định được đưa ra dựa trên khảo sát với 2.000 công ty Trung Quốc từ nhiều lĩnh vực công nghiệp khác nhau.

Doanh nghiệp Trung Quốc "càng sản xuất càng lỗ" khi giá sản xuất tăng vùn vụt - Ảnh 1.

Doanh nghiệp Trung Quốc "càng sản xuất càng lỗ" khi giá sản xuất tăng vùn vụt (Ảnh: AFP)

Cuộc khảo sát ban đầu được thực hiện vào cuối tháng 3 và tháng 4 cho thấy tâm lý kinh doanh không thay đổi trong quý đầu tiên so với quý trước. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy tỷ lệ các công ty báo cáo tỷ suất lợi nhuận gộp dưới 15% đã tăng lên khoảng 70%.

“Doanh nghiệp cảm thấy đang bị bóp nghẹt lợi nhuận. Một số công ty thậm chí còn ngừng nhận đơn đặt hàng lúc này vì càng sản xuất càng lỗ. Lợi nhuận ròng của họ thậm chí rơi xuống mức âm” - bà Gan Jie nói thêm.

Trong vài tuần gần đây, chính phủ Bắc Kinh đang tăng cường các hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là doanh nghiệp trong những ngành bị ảnh hưởng trực tiếp bởi sự tăng giá nguyên liệu thô.

Ông Wang Jiangping, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin hồi tuần trước nhận định rằng tác động của việc tăng chi phí sản xuất đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ là “khá lớn”. Theo đó, trong 4 tháng đầu năm, tỷ suất lợi nhuận hoạt động của nhóm này chỉ là 6%, thấp hơn khoảng 2% so với các doanh nghiệp lớn. 

Ở một khía cạnh khác, chi phí tiêu dùng tư nhân chỉ tăng nhẹ. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 của Trung Quốc tăng 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức dự báo là 1,6% so giá thịt lợn giảm.

Các nhà sản xuất Trung Quốc cũng phải đối mặt với áp lực từ việc giảm lượng mua hàng ở nước ngoài. Xuất khẩu tăng đột biến, do nhu cầu toàn cầu về khẩu trang và các mặt hàng vật tư y tế đã giúp nền kinh tế Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng lạc quan trong năm ngoái - thời điểm các nền kinh tế lớn trên thế giới lao đao vì cuộc khủng hoảng đại dịch.

Môi trường địa chính trị bất ổn cũng là một yếu tố đáng quan ngại. Căng thẳng Mỹ Trung đã leo thang suốt 3 năm qua và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt kể từ khi Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden tiến vào Nhà Trắng thay thế người tiền nhiệm Donald Trump. Ngoài ra, hiệp định đầu tư toàn diện giữa Trung Quốc và châu Âu gần như sắp hoàn tất vào cuối năm ngoái giờ lại vấp phải hàng loạt khó khăn trước khi thông qua tại nghị viện châu Âu.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc PBoC hồi tháng trước cho biết bất chấp nguy cơ lạm phát, cơ quan này chưa có ý định điều chỉnh chính sách tiền tệ trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt với nhiều rủi ro cấp bách hơn. Báo cáo mới nhất của PBoC khẳng định chi tiêu tiêu dùng trong nước còn hạn chế và tăng trưởng đầu tư không đủ để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế hậu đại dịch. Thêm vào đó, doanh nghiệp tư nhân nhỏ vẫn đang đối diện với thách thức lớn sau cuộc khủng hoảng đại dịch, và việc đảm bảo thị trường lao động mạnh mẽ cũng là vấn đề nan giải.


NTTD
Cùng chuyên mục