Nguồn cung giảm, giá gạo xuất khẩu Việt Nam tăng vọt lên mức 423 USD/tấn

27/09/2022 18:23 GMT+7
Trong khi giá lúa gạo tại thị trường trong nước không mấy khởi sắc thì trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo xuất khẩu Việt Nam lại được điều chỉnh tăng mạnh. Giá chào bán gạo xuất khẩu 5% tấm đang ở mức 423 USD/tấn, tăng 23 USD/tấn, gạo 25% tấm ở mức 403 USD/tấn, tăng 20 USD/tấn.

Giá lúa gạo hôm nay 27/9: Nguồn cung giảm, giá gạo xuất khẩu tăng mạnh 

Trong khi giá lúa gạo tại thị trường trong nước không mấy khởi sắc thì trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo xuất khẩu lại được điều chỉnh tăng mạnh. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá chào bán gạo xuất khẩu 5% tấm đang ở mức 423 USD/tấn, tăng 23 USD/tấn, gạo 25% tấm ở mức 403 USD/tấn, tăng 20 USD/tấn.

Mặc dù giá gạo đang có xu hướng tăng, song trên thực tế lượng khách hàng ký hợp đồng mới chưa nhiều. Nhiều thương lái, doanh nghiệp tiếp tục theo dõi, chờ đợi mức giá cao hơn.

Giá lúa gạo hôm nay 27/9 tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long điều chỉnh giảm 200 đồng/kg với lúa OM 18. Hiện thương lái đang mua tại ruộng với mức 5.500 - 5.700 đồng/kg.

Với các chủng loại lúa còn lại, giá duy trì ổn định. Cụ thể, hiện nếp khô An Giang đang được thương lái thu mua ở mức 8.600 – 8.700 đồng/kg, nếp Long An khô 8.500 – 9.000 đồng/kg; lúa IR 504 5.300 – 5.500 đồng/kg, lúa Đài thơm 8 5.600 – 5.800 đồng/kg; Nàng hoa 9 duy trì ở mức 5.600 – 5.800 đồng/kg; lúa OM 5451 ở mức 5.500 – 5.600 đồng/kg; nếp An Giang (tươi) 5.900 – 6.100 đồng/kg; nếp Long An (tươi) 6.200 – 6.500 đồng/kg; lúa IR 504 khô duy trì ở mức 6.500 đồng/kg.

Nguồn cung giảm, giá gạo xuất khẩu Việt Nam tăng vọt lên mức 423 USD/tấn - Ảnh 1.

Giá lúa gạo hôm nay 27/9: Nguồn cung giảm, giá gạo xuất khẩu tăng mạnh.

Trái ngược với lúa, giá gạo nguyên liệu tăng nhẹ 50 đồng/kg lên mức 8.650 đồng/kg. Trong khi đó, gạo thành phẩm duy trì ổn định ở mức 9.100 – 9.200 đồng/kg. Với mặt hàng phụ phẩm, giá tấm cũng đi ngang ở mức 8.600 đồng/kg, giá cám khô 8.250 – 8.300 đồng/kg.

Các nhà giao dịch cho biết giá gạo trong nước tăng gần đây trong bối cảnh các nhà xuất khẩu tăng cường thu mua từ nông dân. Tuy nhiên, nguồn cung lúa gạo trong nước đang cạn kiệt vì vụ thu hoạch vụ Hè Thu đã kết thúc và phải đợi ít nhất hai tháng nước trước khi vụ thu hoạch khác bắt đầu.

Tại chợ lẻ, giá gạo thường 11.500 đồng/kg – 12.500 đồng/kg; gạo thơm Jasmine 15.000 – 16.000 đồng/kg; gạo Sóc thường 14.000 đồng/kg; nếp ruột 14.000 – 15.000 đồng/kg; Gạo Nàng Nhen 20.000 đồng/kg; Gạo thơm thái hạt dài 18.000 – 19.000 đồng/kg; Gạo Hương Lài 19.000 đồng/kg; Gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg; Nàng Hoa 17.500 đồng/kg; Sóc Thái 18.000 đồng/kg; Gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg; Gạo Nhật 20.000 đồng/kg; Cám 7.000 – 8.000 đồng/kg.

Tuần trước, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ niêm yết gần đỉnh 1 năm rưỡi vì các nhà giao dịch gặp khó khăn với tình trạng bế tắc tại các cảng biển, vì lệnh hạn chế xuất khẩu gần đây. Trong khi đó, các nhà nhập khẩu đang tìm kiếm nguồn cung giá rẻ từ những trung tâm khác.

Việc vận chuyển gạo đã bị dừng lại tại các cảng của Ấn Độ, với gần 1 triệu tấn ngũ cốc bị giữ lại, do người mua từ chối trả mức thuế xuất khẩu mới của chính phủ so với giá hợp đồng đã thỏa thuận. Các hạn chế cũng buộc người mua phải chuyển sang các nhà cung cấp đối thủ.

Trước đó, quốc gia Nam Á đã cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% đối với xuất khẩu các loại gạo hôm 8/9 trong nỗ lực tăng nguồn cung và làm dịu giá nội địa, sau khi lượng mưa gió mùa dưới mức trung bình đã hạn chế trồng trọt.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan mới đây cho biết Việt Nam không thỏa thuận với Thái Lan để cùng tăng giá gạo trên thị trường toàn cầu, sau khi một quan chức Thái Lan gần đây đã chia sẻ về một thỏa thuận như vậy.

Giá gạo 5% tấm của Thái Lan tăng từ 425 - 435 USD lên 420 - 435 USD/tấn  vào tuần trước, trong bối cảnh đồng baht suy yếu. Bộ Nông nghiệp Thái Lan dự kiến sản lượng lúa gạo đạt 26,92 triệu tấn trong niên vụ 2022 - 2023, tăng 2,09% so với năm 2021.

Tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu gạo về đích cuối năm

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng sản xuất gạo toàn cầu tháng 8 ước khoảng 42,88 triệu tấn, giảm 0,25% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế (IGC) cũng ước tính sản xuất gạo toàn cầu tháng 8 đạt 42,9 triệu tấn, tương đương so với cùng kỳ 2021. Trong khi đó Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) ước tính sản lượng sản xuất gạo thế giới trong tháng 8 khoảng 42,88 triệu tấn, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Về sản lượng tiêu thụ gạo toàn cầu, theo tính toán của FAO đạt 43,53 triệu tấn trong tháng 8/2022 và tăng nhẹ so với cùng kỳ 2021. Còn theo IGC ước tính sản lượng tiêu thụ gạo ở mức 43,15 triệu tấn, tăng 0,23%.

Nguồn cung giảm, giá gạo xuất khẩu Việt Nam tăng vọt lên mức 423 USD/tấn - Ảnh 2.

Tại Việt Nam, trong tháng 8, cả nước xuất khẩu 718.081 tấn gạo, tương đương 339,56 triệu USD.

Tại Việt Nam, trong tháng 8, cả nước xuất khẩu 718.081 tấn gạo, tương đương 339,56 triệu USD, giá trung bình 472,9 USD/tấn, tăng 23,3% về lượng và tăng 19% kim ngạch, nhưng giá giảm nhẹ 3,4% so với tháng trước; so với tháng 8/2021 thì tăng mạnh 44,4% về lượng, tăng 40% kim ngạch nhưng giảm 3% về giá.

Trước thông tin  hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ vào đầu tháng 9, nhiều chuyên gia cho rằng có thể sẽ thúc đẩy giá gạo thế giới đi lên và kích hoạt một đợt tăng giá đối với lúa mì và ngô, từ đó làm trầm trọng thêm nỗi lo về lạm phát lương thực. Trong đó, các thương nhân và nhà phân tích cho biết giá gạo của các nhà xuất khẩu chủ chốt như Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam và Myanmar sẽ tăng trong thời gian tới, khiến các thị trường nhập khẩu lương thực phải chịu chi phí cao hơn do thời tiết bất lợi và xung đột Nga - Ukraine.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFF) cho biết  Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, nên bất kỳ động thái nào của họ về gạo cũng đều ảnh hưởng đến tình hình lương thực toàn cầu. Do vậy, sắp tới đây khả năng giá gạo trong nước sẽ tăng lên nhưng tăng lên mức độ nào còn tùy thuộc vào tình hình sản xuất và thu hoạch từ nay đến cuối năm.

Theo kế hoạch năm 2022, Việt Nam xuất khẩu gạo đạt khoảng 6,3 đến 6,5 triệu tấn, cao hơn 100.000 đến 200.000 tấn so với năm 2021. Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), dự kiến 4 tháng còn lại Việt Nam xuất khẩu khoảng 1,6 đến 1,8 triệu tấn gạo. Nếu không có gì xảy ra, khả năng xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2022 sẽ đạt và vượt kế hoạch.

Được biết, trước thông tin Ấn Độ ban hành quy định cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% đối với các loại gạo xuất khẩu từ ngày 9/9/2022, các thương nhân ngành lúa gạo cũng nhận định rằng, sự sụt giảm số lượng gạo xuất khẩu từ Ấn Độ sẽ tạo cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam tăng xuất khẩu gạo ra thị trường thế giới và tăng giá gạo xuất khẩu trong thời gian tới. 

Ông Nguyễn Thái Bình - Giám đốc CTCP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho biết sản lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ chi phối rất lớn đến thị trường toàn cầu. Từ trước đến nay, lượng gạo Ấn Độ xuất khẩu ra thế giới lớn hơn cả những nước đang xuất khẩu nhiều như Việt Nam, Thái Lan cộng lại. Giờ Ấn Độ cấm xuất khẩu tấm, chắc chắn thị trường gạo sẽ bị tác động, các đối tác sẽ phải tìm kiếm các nguồn hàng khác để bù đắp lượng thiếu hụt khá lớn từ gạo Ấn Độ. 

"Đây là tin vui đối với Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác xuất khẩu gạo khác. Các hợp đồng mới có thể sẽ được đàm phán với giá tốt hơn hoặc nếu không thì doanh nghiệp sẽ tạm trữ để theo dõi tình hình thế giới, nhu cầu của các thị trường ra sao", ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty Phước Thành IV, cho hay. 

Còn theo ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice, khả năng trong 2 - 3 tháng tới, khi Ấn Độ thu hoạch xong vụ mới, quốc gia này sẽ xuất khẩu bình thường trở lại do lượng hàng cũ cần tiêu thụ và xuất khẩu vẫn là nguồn thu ngoại tệ quan trọng của họ. Do đó, việc tận dụng cơ hội này nằm ở khả năng nội tại của mỗi doanh nghiệp. 

Theo nhận định từ Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, việc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo dự báo sẽ tạo hiệu ứng đẩy giá gạo toàn cầu tăng cao. 

Đồng thời, việc cấm xuất khẩu gạo tấm (nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi) sẽ đẩy giá thức săn chăn nuôi tăng lên, đặc biệt tại các thị trường nhập khẩu chính loại sản phẩm này Trung Quốc (nhập 1,1 triệu tấn năm 2021) và Việt Nam (nhập 433.000 tấn năm 2021). 

Được biết, năm 2021, Ấn Độ đã xuất khẩu 21,5 triệu tấn gạo, nhiều hơn tổng số gạo của 4 nước xuất khẩu lớn gồm Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Mỹ cộng lại. 

Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã ký hợp đồng với các đối tác Ấn Độ cần nhanh chóng liên hệ với người bán để kiểm tra tình trạng giao hàng và đàm phán lại hợp đồng với những lô hàng chưa xuất khẩu.


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục