Giá xuất khẩu liên tục tăng: Cơ hội tăng trưởng mới cho gạo Việt Nam
Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng thông tin, giá gạo xuất khẩu đã có sự tăng trưởng tốt, thêm khoảng 30 USD/tấn trong thời gian ngắn.
“Sau khi Ấn Độ quyết định cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế xuất khẩu với một số loại gạo khác, giá gạo thị trường Việt Nam liên tục tăng tốc. Với giá gạo lên, nông dân nếu đang thu hoạch cũng có giá bán tốt hơn”, ông Nguyễn Văn Đôn chia sẻ.
Lãnh đạo doanh nghiệp này cũng nhận định, nếu Ấn Độ kéo dài việc thực hiện áp thuế này thì giá gạo Việt Nam sẽ tiếp tục đi lên và có sự định hình lại về mặt bằng giá mới. Giá gạo xuất khẩu trung bình hiện vẫn thấp hơn năm ngoái và với tình hình hiện nay, giá xuất khẩu có thể đạt được mức đỉnh của năm 2021.
Khi đó, giá lúa trong nước cũng tăng theo, từ đó thu nhập của người trồng lúa sẽ có lợi nhuận tốt hơn. Theo ông Nguyễn Văn Đôn, thị trường xuất khẩu gạo ngày càng được mở rộng, bởi ảnh hưởng xung đột Nga-Ukraine. Nhưng quan trọng hơn là tín hiệu từ thị trường Ấn Độ. Bởi Ấn Độ là quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo, chiếm 40% thương mại gạo toàn cầu. Năm 2021, Ấn Độ xuất khẩu hơn 21,5 triệu tấn gạo (lớn hơn 4 nước: Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và Mỹ cộng lại).
Ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice cho biết, các doanh nghiệp xuất khẩu tranh thủ mua hàng vào để giao hàng cho các đơn hàng ký trước đó. Với đơn hàng mới, hiện công ty đang tạm ngưng ký thêm các hợp đồng gạo trắng và tấm do giá gạo đang lên.
Ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam đánh giá, việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế xuất khẩu gạo trắng đã làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng gạo. Ông Nam tin rằng vụ lúa Đông Xuân 2022-2023, Việt Nam tiếp tục thắng lợi trong xuất khẩu gạo tuy nhiên, cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường trong và ngoài nước.
8 tháng năm 2022, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt trên 4,79 triệu tấn (tăng 20,7% về số lượng và tăng gần 9,9% về giá trị so với cùng kỳ), trị giá gần 2,4 tỷ USD, tăng gần 10% so với năm 2021. Giá xuất khẩu bình quân đạt gần 500 USD/tấn, giảm gần 50 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2021.
Liên quan đến việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế xuất khẩu với một số loại gạo khác, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính chủ động theo dõi, bám sát tình hình để thực hiện các biện pháp, giải pháp phù hợp, kịp thời, bảo đảm an ninh lương thực, hiệu quả công tác điều hành xuất khẩu gạo, ổn định thị trường giá cả lúa gạo và lợi ích người nông dân.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 8/2022, giá lúa trong nước diễn biến tăng đối với lúa thường và biến động giảm đối với lúa chất lượng cao. Trong 15 ngày đầu tháng 9 giá biến động tăng giảm tuỳ từng địa phương.
Hiện giá lúa tại An Giang như IR50404 ở mức 5.400 đồng/kg (tăng 100 đồng/kg so với cuối tháng 8); OM 5451 ổn định 5.500 đồng/kg. Tại Kiên Giang, giá lúa ổn định, như IR50404 là từ 6.200 - 6.400 đồng/kg; OM 5451 là từ 6.600 - 6.700 đồng/kg và lúa Đài thơm 8 là 6.800 - 6.900 đồng/kg.
Tại Bạc Liêu, lúa tươi ST24, ST25 có giá 6.500 đồng/kg (giảm 500 đồng/kg so với cuối tháng 8); lúa Đài Thơm 8 ở mức 5.400 đồng/kg (giảm 400 đồng/kg)…
Giá gạo tại các tỉnh phía Nam ổn định, gạo thường IR50404 tại Vĩnh Long và An Giang giữ ở mức 11.000 đồng/kg và 11.500 đồng/kg; gạo Jasmine ổn định ở mức 15.000 đồng/kg; gạo thơm đặc sản ổn định ở mức 22.000 đồng/kg; gạo tẻ thường 14.000 đồng/kg.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi chặt chẽ diễn biến của khí hậu, dịch bệnh; chỉ đạo chuẩn bị tốt các phương án sản xuất, bảo đảm nguồn cung giống, vật tư, thúc đẩy sản xuất, tháo gỡ khó khăn trong lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu; cấp đủ nguồn cung lương thực cho tiêu dùng và xuất khẩu.
Để thúc đẩy liên kết sản xuất, ngành phối hợp với địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp tập trung, liên kết chặt chẽ với các vùng nguyên liệu, đẩy mạnh chế biến, chế biến sâu bảo quản, nâng cao giá trị gia tăng; đồng thời thúc đẩy sản xuất theo chuỗi sản phẩm, xây dựng mã định danh, mã số vùng trồng, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm..
Chuẩn bị cho sản xuất vụ Đông Xuân 2022-2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị các doanh nghiệp sản xuất phân bón duy trì, phát huy tối đa công suất để cung ứng nhanh, kịp thời phân bón ra thị trường và dành tối đa lượng phân bón sản xuất ra để phục vụ nhu cầu trong nước. Các doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ tăng cường sản xuất để thay thế phân bón vô cơ; rà soát, tiết kiệm chi phí sản xuất, kinh doanh nhằm cung ứng ra thị trường với giá hợp lý.