Nguồn cung Robusta từ Việt Nam bị chậm lại, giá cà phê có còn tăng tới đây?

29/12/2021 07:02 GMT+7
Giữa tháng 12/2021, giá cà phê Robusta trên thị trường thế giới liên tục tăng. Câu hỏi đặt ra là liệu giá có còn tăng tới đây khi mà nguồn cung cà phê Robusta từ Việt Nam có thể bị chậm lại do việc thu hái, phơi sấy cà phê bị ảnh hưởng.

Thị trường cà phê toàn cầu tiếp tục được hỗ trợ

Giữa tháng 12/2021, giá cà phê Robusta trên thị trường thế giới liên tục tăng. Nguồn cung cà phê Robusta từ Việt Nam có thể bị chậm lại do việc thu hái, phơi sấy cà phê bị ảnh hưởng. 

Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà xuất khẩu cà phê ở Brazil (Cecafé), tháng 11/2021, xuất khẩu cà phê của nước này đạt 2,57 triệu bao cà phê hạt, giảm 48,7% so với tháng 11/2020; trong đó gồm 2,39 triệu bao cà phê Arabica và 186,1 nghìn bao cà phê Robusta, giảm lần lượt 41,5% và 44,4%. 

Tuy nhiên, tốc độ tăng giá cà phê Robusta đã chậm lại, trong khi giá cà phê Arabica điều chỉnh giảm sau báo cáo sản lượng vụ mùa năm 2021 của Công ty Cung ứng và Dự báo nông sản (Conab) thuộc Bộ Nông nghiệp Brazil. 

Theo Conab, ước tính sản lượng cà phê Arabica đạt 31,4 triệu bao, tăng từ mức 30,7 triệu bao và cà phê Robusta đạt 16,3 triệu bao, tăng từ mức 16,1 triệu bao dự báo hồi tháng 9/2021. Tổng sản lượng cà phê của Brazil năm 2021 ở mức 47,7 triệu bao, cao hơn so với 46,9 triệu bao được công bố trong lần khảo sát trước đó. 

Mặc dù Conab báo cáo điều chỉnh tăng không nhiều nhưng điều này chứng tỏ thiệt hại vì khô hạn kéo dài từ đầu năm nay và đợt sương giá đầu tháng 7/2021 không quá nặng nề như đánh giá trước đó. Bên cạnh đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) công bố mốc thời gian nhanh hơn để rút lại các biện pháp kích thích đã triển khai nhằm hỗ trợ nền kinh tế vượt qua đại dịch Covid-19 trong bối cảnh lạm phát gia tăng, tác động tiêu cực lên giá cả hàng hóa thế giới.

Nguồn cung Robusta từ Việt Nam bị chậm lại, giá cà phê có còn tăng tới đây?  - Ảnh 1.

Giữa tháng 12/2021, giá cà phê Robusta trên thị trường thế giới liên tục tăng. Nguồn cung cà phê Robusta từ Việt Nam có thể bị chậm lại do việc thu hái, phơi sấy cà phê bị ảnh hưởng. Ảnh: CT

Cập nhật giá cà phê hôm nay 28/12, giá cà phê trên hai sàn phái sinh vẫn tiếp tục biến động trái chiều. Giá cà phê Robusta vẫn duy trì xu hướng tăng nhờ có những yếu tố cơ bản hỗ trợ, trong đó nổi bật là báo cáo xuất khẩu giảm từ hai quốc gia sản xuất Robusta lớn ở Đông Nam Á.

Trong khi đó, giá cà phê Arabica tiếp tục xu hướng giảm sau Conab – Brazil báo cáo kết quả khảo sát vụ mùa lần thứ tư và cũng là lần cuối cùng của năm 2021. Báo cáo tồn kho tại hai sàn tiếp tục sụt giảm, đã duy trì cấu trúc giá nghịch đảo nhằm thu hút đầu cơ đưa hàng về tham gia bán đấu giá…

Trước giờ đóng cửa phiên giao dịch đầu tuần (ngày 27/12), giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe - London giữ nguyên, kỳ hạn giao tháng 1/2022 tăng 16 USD (0,65%), giao dịch tại 2.462 USD/tấn; Trong khi, giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 3/2022 tăng 14 USD (0,6%), giao dịch tại 2.353 USD/tấn. Khối lượng giao dịch tăng trung bình.

Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York tiếp tục giảm mạnh hơn, kỳ hạn giao tháng 3/2022 giảm 3,6 Cent (1,56%), giao dịch tại 227,6 Cent/lb. Giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 5/2022 cũng giảm 3,45 Cent (1,49%), giao dịch tại 227,65 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trung bình.

Tại cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh, ngày 28/12 cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% giao dịch ở mức giá 2.408 USD/tấn, chênh lệch +55 USD/tấn, tăng 20 USD/tấn so với ngày 20/12 và tăng tới 58 USD/tấn so với ngày 9/12/2021. 

Dự báo trong ngắn hạn, giá cà phê toàn cầu sẽ ổn định do các nước phương Tây sắp bước vào kỳ nghỉ lễ năm mới 2022. Về trung hạn, thị trường cà phê toàn cầu tiếp tục được hỗ trợ bởi các báo cáo sản lượng giảm tại nhiều quốc gia trên thế giới. 

Giá cà phê trong nước tăng, xuất khẩu cà phê phục hồi 

Theo báo cáo của Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa), sản lượng cà phê niên vụ 2021/2022 có khả năng giảm do nhiều cây trồng già cỗi không được tái canh kịp thời vì mức giá thấp kéo dài, trong khi một số diện tích đáng kể được nhà nông chuyển sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn. 

Còn theo báo cáo của Liên đoàn Cà phê Quốc gia Columbia (Fedecafe), sản lượng cà phê Robusta năm nay của nước này có khả năng giảm do yếu tố thời tiết không thuận lợi và người trồng chưa muốn bán ra với kỳ vọng giá sẽ tăng thêm. Theo Hiệp hội các nhà xuất khẩu cà phê ở Brazil (Cecafé), năm 2022 được cho là một năm khó khăn đối với người trồng cà phê tại Brazil, nước sản xuất lớn nhất thế giới, khi hạn hán và sau đó là sương giá đã làm hư hại đến 20% số cây cà phê, có nguy cơ làm giảm sản lượng trong tương lai.

Thời tiết bất lợi và dịch bệnh kéo dài đã làm thu hoạch vụ mùa mới tại vùng cà phê Tây nguyên Việt Nam bị kéo dài thêm vài tuần nữa. Điều này cũng khiến nguồn cung hàng vụ mới cho thị trường tiêu thụ bị chậm lại, sẽ góp phần hỗ trợ cho giá kỳ hạn London duy trì ở mức cao trong tháng đầu năm mới 2022.

Nếu giá cà phê thế giới tiếp tục tăng cao thì sẽ giúp cà phê Việt Nam được hưởng lợi. Bên cạnh đó, Việt Nam đang trong giai đoạn thu hoạch, nguồn cung dồi dào hơn, giúp khỏa lấp một phần khoảng trống trong nguồn cung.

Hiện tại, do thiếu nguồn cung hạt Arabica, một số nhà rang đang tìm đến phương án phối trộn cà phê arabica và robusta nhằm hạ giá bán.

Điều này về lâu dài có thể giúp thay đổi khẩu vị người tiêu dùng và quen hơn với việc uống cà phê Robusta rang xay và lợi thế tiếp tục nghiêng về Việt Nam, với trên 90% diện tích cà phê là Robusta.

Vùng trồng cà phê Tây Nguyên có mưa nhiều gây cản trở việc thu hoạch nhưng không kéo dài. Ảnh hưởng của cơn bão Rai sẽ không quá lớn như dự báo trước đó. Giữa tháng 12/2021, giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa tăng trở lại. Ngày 28/12/2021, giá cà phê Robusta tuy giảm nhẹ 100 đồng/kg song vẫn đứng ở mức 40.800 – 41.600 đồng/kg tại hầu hết các tỉnh Gia Lai, Đăk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng.

Nguồn cung Robusta từ Việt Nam bị chậm lại, giá cà phê có còn tăng tới đây?  - Ảnh 2.

Nguồn: giacaphe.com

Về xuất khẩu, sau khi ghi nhận mức giảm liên tiếp kể từ tháng 2/2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam phục hồi trở lại trong tháng 11/2021. Xu hướng phục hồi được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2022 nhờ nhu cầu tiêu thụ toàn cầu tăng. Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam tháng 11/2021 đạt 107,5 nghìn tấn, trị giá 241,46 triệu USD, tăng 8,3% về lượng và tăng 11,1% về trị giá so với tháng 10/2021, so với tháng 11/2020 tăng 28,3% về lượng và tăng 49,9% về trị giá. Tính chung 11 tháng năm 2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt xấp xỉ 1,4 triệu tấn, trị giá 2,7 tỷ USD, giảm 2,3% về lượng, nhưng tăng 8,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Nguồn cung Robusta từ Việt Nam bị chậm lại, giá cà phê có còn tăng tới đây?  - Ảnh 3.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Tháng 11/2021, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 2.247 USD/tấn – mức cao nhất kể từ tháng 11/2018, tăng 2,6% so với tháng 10/2021 và tăng 16,7% so với tháng 11/2020. Tính chung 11 tháng năm 2021, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 1.934 USD/tấn, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Nguồn cung Robusta từ Việt Nam bị chậm lại, giá cà phê có còn tăng tới đây?  - Ảnh 4.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Tháng 11/2021 so với tháng 11/2020, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang hầu hết các thị trường chủ lực tăng, ngoại trừ Nhật Bản, Philipines. Tính chung 11 tháng năm 2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang các thị trường Đức, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc tăng, nhưng xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Ý, Tây Ban Nha, Bỉ, Angieria, Philipines giảm.

Nguồn cung Robusta từ Việt Nam bị chậm lại, giá cà phê có còn tăng tới đây?  - Ảnh 5.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục