Việt Nam bất ngờ là nguồn cung cà phê lớn nhất cho thị trường này

20/12/2021 14:54 GMT+7
Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu cà phê của Malaysia đã tăng từ 39,91% trong 9 tháng đầu năm 2020 lên 46,92% trong 9 tháng đầu năm 2021.

Cà phê Việt thống lĩnh gần một nửa lượng cà phê nhập khẩu vào Malaysia 

Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), nhu cầu tiêu thụ cà phê của Malaysia có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây do quá trình đô thị hóa và lối sống bận rộn. Bên cạnh đó, văn hóa uống cà phê của Malaysia chịu ảnh hưởng rất lớn bởi sự gia tăng đột biến số lượng người nước ngoài. Thị hiếu tiêu dùng cà phê tại Malaysia ngày càng có xu hướng chuyển sang chủng loại cà phê hảo hạng. 

Năm nay, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát gây khó khăn, cà phê nhập khẩu vào Malaysia giảm khá mạnh, nhưng lượng cà phê nhập khẩu từ Việt Nam vẫn bất ngờ tăng mạnh và lần đầu tiên chiếm tới  gần một nửa tổng lượng cà phê nhập khẩu của thị trường này.

Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), tháng 9/2021, Malaysia nhập khẩu cà phê đạt trên 8 nghìn tấn, trị giá 19,84 triệu USD, giảm 24,4% về lượng và giảm 24,7% về trị giá so với tháng 9/2020. Tính chung 9 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu cà phê của Malaysia đạt 77 nghìn tấn, trị giá 177,59 triệu USD, giảm 8,1% về lượng và giảm 6,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Việt Nam bất ngờ là nguồn cung cà phê lớn nhất cho thị trường này - Ảnh 1.

Nguồn: Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC)

Về chủng loại, 9 tháng đầu năm 2021, Malaysia giảm nhập khẩu cà phê (trừ cà phê rang xay và loại bỏ caphêin – HS 090111), mức giảm 8,6% về lượng và giảm 9,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, đạt 72,67 nghìn tấn, trị giá 154,1 triệu USD. Tỷ trọng nhập khẩu chủng loại cà phê có mã HS 090111 chiếm 94,33% tổng lượng, do đó đã tác động chung đến nhập khẩu cà phê của Malaysia.

Việt Nam bất ngờ là nguồn cung cà phê lớn nhất cho thị trường này - Ảnh 2.

Nguồn: Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC)

9 tháng đầu năm 2021, giá nhập khẩu bình quân cà phê của Malaysia đạt mức 2.305 USD/tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá nhập khẩu bình quân cà phê của Malaysia tăng từ hầu hết các nguồn cung chính, ngoại trừ Brazil.

Việt Nam bất ngờ là nguồn cung cà phê lớn nhất cho thị trường này - Ảnh 3.

Nguồn: Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC)

Về thị trường 9 tháng đầu năm 2021, Malaysia giảm nhập khẩu từ một số nguồn cung chính, nhưng tăng từ Việt Nam, Brazil, Ethiobia. Theo Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), Việt Nam bất ngờ vươn lên là nguồn cung cà phê lớn nhất cho Malaysia. Trong 9 tháng đầu năm 2021, Malaysia nhập khẩu cà phê từ Việt Nam đạt 36,14 nghìn tấn, trị giá 61 triệu USD, tăng 8% về lượng và tăng 11,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng cà phê nhập khẩu của Malaysia tăng từ 39,91% trong 9 tháng đầu năm 2020 lên 46,92% trong 9 tháng đầu năm 2021.

Việt Nam bất ngờ là nguồn cung cà phê lớn nhất cho thị trường này - Ảnh 4.

Nguồn: Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC)

Dẫn đầu ở một thị trường nào đó, như Maylaysia không hề dễ dàng...

Malaysia là một quốc gia có dân số tương đối trẻ, với hơn 65,4% dân số nằm trong độ tuổi 15-64 và 29,6% nằm trong độ tuổi từ 0- 14 tuổi. Sự thay đổi trong nhận thức và thị yếu, nhóm người tiêu dùng trẻ tuổi này có thể tác động đáng kể đến việc tiêu thụ cà phê ở Malaysia. Cho đến nay, thói quen tiêu dùng cà phê đã trở thành thức uống không thể thiếu trong chế độ ăn uống hàng ngày của đại đa số người dân Malaysia.

Để cạnh trạnh tốt tại thị trường này, doanh nghiệp Việt Nam cần có những cải tiến mới về phương thức đóng gói, hương vị, nhằm thu hút giới trẻ – những người tiêu dùng chính. Về bao bì đóng gói, doanh nghiệp cần sử dụng loại tiện lợi, dễ sử dụng, cũng như đa dạng về mẫu mã để tạo sự thu hút. Về xu hướng tiêu dùng, với người sống ở nông thôn thì những sản phẩm cà phê tươi được ưa chuộng nhiều hơn, nhưng với người tiêu dùng thành thị lại có xu hướng chọn cà phê hòa tan hoặc cà phê bột. Về kênh phân phối, thì mặt hàng này được phân phối thông qua các siêu thị là chủ yếu.

Nguồn: Thương vụ Việt Nam tại Malaysia

Việt Nam đã xuất khẩu cà phê sang hơn 80 quốc gia và chiếm khoảng 20-22% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của thế giới. Trong đó, cà phê Robusta Việt Nam chiếm thị phần xuất khẩu lên tới 40% của thế giới. EU, Mỹ và Nhật Bản... là những khách hàng tiêu thụ cà phê lớn của nước ta… Việc chiếm lĩnh được các thị trường nhỏ như Malaysia cho thấy triển vọng phát triển và mở rộng thị trường của cà phê Việt Nam vô cùng lớn; đặc biệt trong bối cảnh việc sản xuất và tiêu thụ cà phê của nông dân nói chung và nông dân vùng Tây Nguyên nói riêng đang gặp nhiều khó khăn và thiếu bền vững.

Thực tế, quy mô sản xuất cà phê của ta còn manh mún, nhỏ lẻ; diện tích cà phê già cỗi chiếm tỷ lệ khá cao; kỹ thuật canh tác chưa hợp lý. Khâu chế biến, bảo quản thiếu đồng bộ; khâu tiêu thụ, xuất khẩu còn yếu, thiếu liên kết với thị trường.

Người sản xuất cà phê chưa có tiếng nói trong các quan hệ liên kết ngành hàng, đặc biệt là đối với doanh nghiệp đầu vào và đầu ra, nên thường chịu thiệt thòi và chưa bảo vệ được lợi ích của chính mình.

Dẫn đầu ở một thị trường nào đó, như Maylaysia không hề dễ dàng. Do vậy, ngành hàng cà phê Việt củng cố vị thế hoặc muốn đi xa phải "đi cùng nhau, phải có sự liên kết giữa các tỉnh". Đồng thời, kết hợp đặc điểm từng vùng, từng địa phương để tạo hàng hóa thành quy mô lớn hơn, xây dựng thương hiệu cà phê Việt tốt hơn. 

Việt Nam bất ngờ là nguồn cung cà phê lớn nhất cho thị trường này - Ảnh 6.

Việt Nam đã xuất khẩu cà phê sang hơn 80 quốc gia và chiếm khoảng 20-22% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của thế giới. Ảnh: Lê Kiến

Được biết, sản lượng cà phê niên vụ mới của Việt Nam được dự báo mới nhất có thể giảm 10 – 15% do yếu tố thời tiết không thuận lợi. Bên cạnh đó, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến tình trạng thiếu nhân công, ảnh hưởng đến quá trình thu hoạch cà phê.

Theo khảo sát trên trang giacaphe.com vào lúc 9 giờ sáng nay (20/12), giá cà phê trong nước lại quay đầu giảm nhẹ 100 đồng/kg so với cuối tuần trước. Giá cà phê ở Lâm Đồng chỉ còn giao dịch tại mức 40.700 đồng/kg. Hai tỉnh Gia Lai và Đắk Nông đang thu mua cà phê với chung mức 41.400 đồng/kg. Tương tự, tỉnh Đắk Lắk hiện đang ghi nhận mức 41.500 đồng/kg. Đây cũng là mức giá cao nhất ở thời điểm hiện tại.

ITC dự báo giá cà phê thế giới năm 2022 có thể tăng tiếp song thực tế, giá cà phê tăng lên hay không còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Đó là tình hình kiểm soát dịch Covid-19, tốc độ phục hồi kinh tế thế giới và thời tiết của các nước trồng cà phê lớn trên thế giới. Khó khăn lớn nhất của cà phê Việt Nam hiện nay vẫn là việc vận chuyển cà phê từ kho ra đến cảng, từ cảng Việt Nam đến điểm giao hàng chưa thực sự thông suốt, chi phí bị đội lên cao.

Trong báo cáo tháng 11, Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) tiếp tục giữ nguyên ước tính về sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2020-2021 ở mức 169,6 triệu bao (loại 60kg/bao), tăng 0,4% so với 169 triệu bao của niên vụ trước. Trong đó, sản lượng Arabica tăng 2,3%, lên 99,27 triệu bao, trong khi sản lượng Robusta ước tính giảm 2,2%, xuống còn 70,38 triệu bao. Theo khu vực sản xuất, sản lượng cà phê tại châu Phi trong niên vụ 2020-2021 được điều chỉnh giảm nhẹ so với niên vụ trước xuống 18,7 triệu bao. Sản lượng châu Á và châu Đại Dương ước tính giảm 1,1%, từ 49,5 triệu bao trong niên vụ 2019-2020 xuống 48,9 triệu bao trong niên vụ 2020-2021.

Sản lượng tại Trung Mỹ và Mexico cũng được ước tính giảm 2,1%, xuống còn 19,2 triệu bao. Còn tại Nam Mỹ, sản lượng cà phê của khu vực này ước tính tăng 2% so với niên vụ trước, lên mức 82,8 triệu bao. Về niên vụ 2021-2022, tình trạng băng giá ở Brazil cùng với chu kỳ sản lượng thấp của cà phê Arabica vẫn là hai yếu tố chính ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng sản xuất cà phê nhân toàn cầu.

Còn theo dự báo của Bộ phận Nông nghiệp nước ngoài (FAS) trực thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), trong niên vụ cà phê 2021-2022 Việt Nam sẽ xuất khẩu tăng 980.000 bao cà phê so với niên vụ 2020-2021. Năm 2022-theo USDA-vẫn được cho là cơ hội cho cà phê Việt Nam bởi Việt Nam và Indonesia là hai nguồn cà phê có thể bù đắp thâm hụt sản lượng của Brazil. Tuy nhiên, sản lượng của Indonesia khá ít nên các nước có thể sẽ đổ dồn vào thị trường Việt Nam. Xuất khẩu cà phê của Việt Nam đầu năm tới có thể thuận lợi hơn bởi các yếu tố này.

Báo cáo mới nhất từ Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương ước tính, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 11/2021 đạt 78 nghìn tấn, trị giá 181 triệu USD. Con số này giảm 21,4% về lượng và giảm 16,5% về trị giá so với tháng 10/2021; so với tháng 11/2020 giảm 6,9% về lượng, nhưng tăng 12,6% về trị giá. Tính chung 11 tháng năm 2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 1,36 triệu tấn, trị giá 2,63 tỷ USD, giảm 4,4% về lượng, nhưng tăng 5,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Trong tháng 11/2021, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt 2.327 USD/tấn, tăng 6,3% so với tháng 10/2021 và tăng 20,9% so với tháng 11/2020. Tính chung 11 tháng năm 2021, giá xuất khẩu bình quân cà phê ước đạt 1.931 USD/tấn, tăng 10,7% so với ghi nhận trong cùng kỳ năm 2020. Giá cà phê cuối năm nay được dự báo có thể lên 43,5 triệu đồng/tấn.



Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục