Sản lượng cà phê vụ mới giảm 15%, giá cà phê có thể quay được về thời hoàng kim?

16/12/2021 14:17 GMT+7
Sản lượng cà phê niên vụ mới của Việt Nam được dự báo có thể giảm 10 – 15% do yếu tố thời tiết không thuận lợi. Giá cà phê trong nước hôm nay (16/12) tăng lên hơn 100 đồng/kg...

Giá cà phê liên tục biến động tăng nhiều hơn giảm

Đầu tháng 12/2021, giá cà phê trên sàn giao dịch London và New York tăng mạnh so với cuối tháng 11 do thị trường lo ngại nguồn cung cà phê trong niên vụ mới 2021/2022 giảm. Trên sàn giao dịch London, giá cà phê Robusta giao kỳ hạn tháng 1/2022, tháng 3/2022, tháng 5/2022 và tháng 7/2022 ghi nhận mức cao lịch sử vào ngày 7/12/2021, đạt lần lượt 2.420 USD/tấn; 2.315 USD/tấn; 2.280 USD/tấn và 2.276 USD/tấn; nhưng sang ngày 8/12/2021 giảm xuống còn lần lượt 2.387 USD/tấn; 2.273 USD/tấn; 2.238 USD/tấn và 2.231 USD/tấn. Đến ngày 9/12/2021, giá cà phê giao kỳ hạn tăng trở lại với mức tăng từ 20 – 22 USD/tấn so với ngày 29/11/2021.

Sản lượng cà phê vụ mới giảm 15%, giá cà phê có thể quay được về thời hoàng kim? - Ảnh 1.

Nguồn: Sàn giao dịch London

Trên thị trường thế giới, giá cà phê hôm nay (16/12) lại đồng loạt đi lên. Theo đó, giá cà phê trực tuyến Robusta tại London giao tháng 1/2022 được ghi nhận tại mức 2.437 USD/tấn sau khi tăng 1,29% (tương đương 31 USD).

Trên sàn giao dịch New York, giá cà phê Arabica giao kỳ hạn tháng 3/2022, tháng 5/2022 và tháng 7/2022 cũng ghi nhận mức cao vào ngày 7/12/2021, lần lượt ở mức 249,85 Uscent/lb; 248,8 Uscent/lb và 247,15 Uscent/lb; ngày 8/12/2021 giảm xuống còn lần lượt 243,3 Uscent/lb; 242,6 Uscent/lb và 241,5 Uscent/lb. Tuy nhiên, giá cà phê Arabica đã phục hồi trở lại trong ngày 9/12/2021, mức tăng từ 0,9 – 1,05 Uscent/lb (tùy kỳ hạn) so với ngày 8/12/2021, còn so với ngày 29/11/2021 tăng 0,5% đối với các kỳ hạn tháng 3/2022 và tháng 7/2022, kỳ hạn tháng 5/2022 tăng 1,05%, lên mức 224,2 Uscent/lb, 243,65 Uscent/ lb và 242,45 Uscent/lb.

Sản lượng cà phê vụ mới giảm 15%, giá cà phê có thể quay được về thời hoàng kim? - Ảnh 2.

Nguồn: Sàn giao dịch New York

Giá cà phê Arabica giao tháng 3/2022 tại New York hôm nay thì đạt mức 237,30 US cent/pound, tăng 0,06% (tương đương 0,15 US cent) tại thời điểm khảo sát vào lúc 7h30 (giờ Việt Nam).

Trên sàn giao dịch BMF của Brazil, ngày 9/12/2021, giá cà phê Arabica giao kỳ hạn tháng 3/2022, tháng 5/2022 và tháng 9/2022 tăng lần lượt 0,2%, 1,5% và 0,5% so với ngày 29/11/2021, lên mức 287,5 Uscent/lb, 288,25 Uscent/lb và 295,95 Uscent/lb. 

Tại cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh, cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% giao dịch ở mức giá 2.350 USD/tấn, chênh lệch +55 USD/tấn, giảm 13 USD/tấn so với ngày 29/11/2021.

Giá cà phê Robusta trở lại xu hướng tăng sau ngày khóa sổ vị thế kinh doanh. Mức tăng của thị trường mang nặng yếu tố đầu cơ bởi các thông tin cơ bản không hỗ trợ quá nhiều đối với giá, nhất là đối với thị trường Robusta, giá cà phê giao tháng 1/2022 tăng vọt, chênh lệch khá lớn so với hàng giao tháng 3/2022.

Hiện có thêm Fedecafe – Colombia báo cáo sản lượng năm nay có thể giảm vì mưa quá nhiều và nhà nông không muốn giao hàng cho những hợp đồng đã bán ở vùng giá thấp, trong khi họ kỳ vọng giá sẽ còn tăng thêm nên chưa ký hợp đồng bán mới. Trong bối cảnh thị trường tiếp tục thể hiện mối lo cung do báo cáo tồn kho cà phê Robusta tại sàn London sụt giảm hơn nữa và thế giới không chỉ còn nguyên những vấn đề về logistics, thời tiết không thuận lợi, nhân lực khó khăn, biến thể Omicron là yếu tố tác động tiêu cực chưa lường hết được.

Sản lượng cà phê vụ mới giảm 15%, giá cà phê có thể quay được về thời hoàng kim? - Ảnh 3.

Ông Lê Văn Cương (nông dân huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) cho biết, việc sử dụng mạng xã hội để tìm lao động là giải pháp hay để người lao động có thể tiếp cận được với những nơi thiếu lao động để đáp ứng. Giá cà phê thị trường tiếp tục giữ đà tăng. Ảnh: T.T

Trong khi đó, sản lượng cà phê niên vụ mới của Việt Nam được dự báo mới nhất có thể giảm 10 – 15% do yếu tố thời tiết không thuận lợi. Bên cạnh đó, diễn biến dịch phức của dịch Covid-19 khiến tình trạng thiếu nhân công, ảnh hưởng đến quá trình thu hoạch. 

Hiện các tỉnh Tây Nguyên có khoảng 630.000 ha cà phê, chiếm 90% diện tích cà phê cả nước. Trong đó, Ðắk Lắk có 209.000 ha, Lâm Ðồng có hơn 173.000 ha, Ðắk Nông có 120.000 ha, Gia Lai có hơn 98.400 ha và Kon Tum có hơn 25.000 ha. Thời gian qua, để nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng thị trường, người trồng cà phê huyện Đắk Mil tỉnh Đắk Nông đã áp dụng các quy trình sản xuất cà phê theo các tiêu chuẩn quốc tế. 

Đầu tháng 12/2021, giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa sau khi tăng lên mức cao 41.900 – 42.000 đồng/kg ngày 7/12/2021, sang ngày 8/12/2021 giảm mạnh 800 đồng/kg, xuống còn 40.400 – 41.200 đồng/kg; so với ngày 29/11/2021 giảm 300 đồng/kg. Theo khảo sát trên trang giacaphe.com vào lúc 8 giờ hôm nay 16/12, giá cà phê tăng trở lại 100 đồng/kg so với hôm qua. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng ghi nhận giá thấp nhất là 41.000 đồng/kg. Tiếp đến là Gia Lai và Đắk Nông với chung mức 41.700 đồng/kg. Sau biến động, cà phê tại tỉnh Đắk Lắk đang được thu mua với giá 41.800 đồng/kg, mức giá cao nhất ở thời điểm hiện tại.

Lo ngại về nguồn cung tiếp tục là yếu tố thúc đẩy thị trường cà phê

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) nhận định, những lo ngại về nguồn cung tiếp tục là yếu tố thúc đẩy thị trường cà phê tới đây. Tuy nhiên, lực mua bị kìm hãm khá nhiều khi mà nhu cầu tiêu thụ trong ngắn hạn đang bị ảnh hưởng bởi sự lây lan của biến thể Omicron. 

Đối với nguồn cung Robusta, lượng mưa lớn ở Tây Nguyên, khu vực sản xuất cà phê trọng điểm của Việt Nam, đang cản trở quá trình thu hoạch, chính là yếu tố thúc đẩy giá Robusta có được sức mua lớn thời gian qua. Mức chênh lệch lớn giữa hai sàn giao dịch trước đó cũng là yếu tố hỗ trợ cho dòng vốn đổ về sàn London nhiều hơn.

Trong khi đó, với hơn 500.000 ha cà phê đang bước vào giai đoạn chín rộ, hầu hết các hộ trồng cà phê tại khu vực Tây Nguyên thời gian gần đây đang phải chật vật tìm lao động thu hái mặc dù giá thuê đã tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm 2021, ngành cà phê Việt Nam chịu tác động nặng nề do làn sóng Covid-19 lần thứ 4. Mặc dù các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng kể từ cuối tháng 9/2021, tuy nhiên xuất khẩu cà phê của Việt Nam vẫn ở mức thấp.

Sản lượng cà phê vụ mới giảm 15%, giá cà phê có thể quay được về thời hoàng kim? - Ảnh 4.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Báo cáo mới nhất từ Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương ước tính, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 11/2021 đạt 78 nghìn tấn, trị giá 181 triệu USD. Con số này giảm 21,4% về lượng và giảm 16,5% về trị giá so với tháng 10/2021; so với tháng 11/2020 giảm 6,9% về lượng, nhưng tăng 12,6% về trị giá. Tính chung 11 tháng năm 2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 1,36 triệu tấn, trị giá 2,63 tỷ USD, giảm 4,4% về lượng, nhưng tăng 5,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Trong tháng 11/2021, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt 2.327 USD/tấn, tăng 6,3% so với tháng 10/2021 và tăng 20,9% so với tháng 11/2020. Tính chung 11 tháng năm 2021, giá xuất khẩu bình quân cà phê ước đạt 1.931 USD/tấn, tăng 10,7% so với ghi nhận trong cùng kỳ năm 2020. Giá cà phê cuối năm nay được dự báo có thể lên 43,5 triệu đồng/tấn.

Sản lượng cà phê vụ mới giảm 15%, giá cà phê có thể quay được về thời hoàng kim? - Ảnh 5.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Nhiều dự báo thời tiết khẳng định hiện tượng La Nina sẽ gây mưa nhiều trên vành đai cà phê Thái Bình Dương cho đến hết tháng 2/2022, cản trở thu hoạch vụ mùa của nhiều nước sản xuất chủ chốt và gây khô hạn cho các vùng trồng cà phê ở phía Đông Nam Brazil, làm ảnh hưởng đến chất lượng cũng như sản lượng cà phê toàn cầu nói chung.

Trong báo cáo mới nhất của Tổ chức cà phê Quốc tế (ICO), giá cà phê thế giới trong tháng 11 tiếp tục tăng 7,5% so với tháng trước và tăng 77,9% so với cùng kỳ năm 2020, lên mức 195,17 US Cent/lb. Đây là mức giá trung bình hàng tháng cao nhất trong 10 năm qua kể từ sau mức trung bình 213 US Cent/lb đạt được vào tháng 9/2011.

Xu hướng tăng kể từ khi bắt đầu niên vụ cà phê 2020-2021 đang cho thấy sự phục hồi của giá cà phê thế giới sau 4 năm liên tiếp duy trì ở mức thấp, phản ánh sự thay đổi đáng kể trong điều kiện thị trường tổng thể.

Tuy nhiên, tại Việt Nam với mức giá như hiện nay, người trồng chỉ được hưởng lãi khá "mỏng" bởi các chi phí khác như phân bón, công lao động…đều tăng cao. Đặc biệt giá phân bón có lúc chạm đỉnh nhiều năm và chiếm tới 50% chi phí sản xuất. Với giá 40 triệu đồng/tấn, người dân chỉ lãi khoảng 5 – 8 triệu đồng/tấn cà phê trong khi một năm chỉ có một vụ. Mức lợi nhuận này quá thấp, ở tình huống xấu, nếu các nhà vườn không kịp thu hoạch mà gặp áp thấp, bão thì nông dân có thể lỗ.

Sản lượng cà phê vụ mới giảm 15%, giá cà phê có thể quay được về thời hoàng kim? - Ảnh 6.

Ông Hồ Minh Điệp (thôn 18, xã EaKtur, huyện Cưkuin, tỉnh Đắk Lắk) có 2 ha cà phê, mọi năm cần 5 nhân công hái liên tục hơn 1 tháng mới xong. Ảnh: T.T

Mặc dù những mối lo của cả doanh nghiệp và người dân trồng cà phê vẫn đang hiện hữu như tín hiệu đáng mừng là càng về cuối năm, giá cà phê càng được kỳ vọng sẽ tăng cao hơn bởi nhu cầu tiêu thụ ở các dịp lễ, tết tăng mạnh đặc biệt trong bối cảnh các nước có nhu cầu tiêu thụ lớn như Mỹ và khối EU đang trong quá trình phục hồi lại kinh tế. 

Bên cạnh đó nguồn cung cà phê ở các nước lớn vẫn hạn chế cũng là động lực chính giúp đẩy giá mặt hàng này lên. Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo giá cà phê sẽ tiếp tục cao, ít nhất cho đến quý I/2022. Còn theo dự báo của Bộ phận Nông nghiệp nước ngoài (FAS) trực thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), trong niên vụ cà phê 2021-2022 Việt Nam sẽ xuất khẩu tăng 980.000 bao cà phê so với niên vụ 2020-2021.  

Năm 2022-theo USDA-vẫn được cho là cơ hội cho cà phê Việt Nam bởi Việt Nam và Indonesia là hai nguồn cà phê có thể bù đắp thâm hụt sản lượng của Brazil. Tuy nhiên, sản lượng của Indonesia khá ít nên các nước có thể sẽ đổ dồn vào thị trường Việt Nam. Xuất khẩu cà phê của Việt Nam đầu năm tới sẽ thuận lợi hơn bởi các yếu tố này.

Còn theo Hiệp hội Cà phê- Ca cao Việt Nam, dù dịch Covid-19 có ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu cà phê song do nhà máy tự động hóa nên cần ít công nhân nên vẫn duy trì được sản xuất và chế biến. Tuy nhiên, Hiệp hội Cà phê- Ca cao Việt Nam tỏ ra thận trọng hơn khi cho rằng, giá cà phê quay về thời hoàng kim 46.000 - 47.000 đồng/kg hay không còn phụ thuộc nhiều vào tình hình kiểm soát dịch Covid-19, tốc độ phục hồi kinh tế thế giới và thời tiết của các nước trồng cà phê lớn trên thế giới. Khó khăn lớn nhất của cà phê Việt Nam hiện nay vẫn là việc vận chuyển cà phê từ kho ra đến cảng, từ cảng Việt Nam đến điểm giao hàng chưa thực sự thông suốt.


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục