Nhập khẩu thịt của Trung Quốc giảm cực mạnh, lợn Việt "hết cửa", giá ảm đạm

21/03/2022 17:25 GMT+7
Xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt của Việt Nam giảm là do xuất khẩu sang một số thị trường chủ chốt như Trung Quốc, Hồng Kông... giảm mạnh. Trong hai tháng đầu năm 2022, Trung Quốc đã giảm 33% nhu cầu nhập khẩu thịt, trong đó chủ yếu là giảm nhập khẩu thịt lợn.

Trung Quốc có thể đạt tỷ lệ tự cung tự cấp 100% đối với thịt lợn

Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2022 Trung Quốc đã nhập khẩu 1,07 triệu tấn thịt, giảm so với lượng nhập khẩu 1,6 triệu tấn trong 2 tháng đầu năm 2021.

Trong 12 tháng qua, sản lượng lợn của Trung Quốc tăng nhanh hơn dự kiến do việc thanh lý lớn tại các trang trại đã làm tăng sản lượng thịt lợn trong nước. Đàn lợn nái của Trung Quốc đạt 42,9 triệu con vào cuối tháng 1/2022, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2022, Trung Quốc có thể đạt tỷ lệ tự cung tự cấp 100% đối với thịt lợn.

Nhập khẩu thịt của Trung Quốc đã giảm từ tháng 7/2021, đây là mức giảm lớn nhất từ trước đến nay. Vào cuối năm 2021, Trung Quốc đã quyết định áp mức thuế mới đối với nhập khẩu thịt lợn do nhu cầu nhập khẩu giảm. Các chuyên gia dự đoán chỉ có nhập khẩu thịt bò của nước này trong năm 2022 sẽ tăng, với tổng khối lượng ước tính đạt 2 triệu tấn.

Nhập khẩu thịt của Trung Quốc giảm cực mạnh, lợn Việt "hết cửa", giá ảm đạm - Ảnh 1.

Năm 2022, Trung Quốc có thể đạt tỷ lệ tự cung tự cấp 100% đối với thịt lợn. Ảnh: CT

Đàn lợn của Trung Quốc tiếp tục phục hồi trong năm 2021, với đàn lợn nái đạt 43,29 triệu con, cao hơn ước tính trước đó, Cục Thống kê Quốc gia của Trung Quốc cho hay. 

USDA cho biết vào cuối năm ngoái, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc (MARA) đã tuyên bố rằng, dù đàn lợn nái đã giảm kể từ tháng 7, nguồn cung cả nước cũng vượt mục tiêu đặt ra trước đó và quốc gia này sẽ hướng tới duy trì đàn lợn nái quanh mức 41 triệu con. 

Theo báo cáo chính thức, đàn lợn nái của Trung Quốc đạt 42,9 triệu con vào cuối tháng 1, tăng 2% so với năm trước.

Giá lợn hơi trung bình tại Trung Quốc tiếp đà giảm mạnh vào đầu tháng 2, sau đó duy trì tương đối ổn định cho tới hết tháng. Nguồn cung trong nước ở mức cao, trong khi nhu cầu suy yếu kể từ sau Tết Nguyên đán được cho là nguyên nhân dẫn tới sự giảm giá. Cụ thể, giá lợn tại Trung Quốc giảm gần 12% trong tháng 2 xuống còn khoảng 12,6 nhân dân tệ/kg (NDT/kg).

Giá thịt lợn trung bình tại 16 khu vực cấp tỉnh do MARA theo dõi ghi nhận ở 16,79 NDT/kg trong tháng 2, giảm 13,1% so với tháng trước đó. Giá đã giảm 55,2% so với cùng kỳ năm trước, thu hẹp 2,4 điểm phần trăm so với mức giảm của tháng 1.

Báo cáo hải quan Trung Quốc cho biết, nhập khẩu thịt của nước này trong hai tháng đầu năm đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước đó, còn do nguồn cung trong nước tăng mạnh đã hạn chế nhu cầu với hàng nhập khẩu. 

Năm 2022, sản lượng lợn hơi ước đạt 665 triệu con, vượt năm 2021, theo báo cáo mới nhất về thị trường Trung Quốc của USDA. Tồn kho lợn nái đầu kỳ cao hơn, cùng với việc lợn nái năng suất cao hơn, theo đó dự kiến sẽ giúp sản lượng lợn hơi tăng 2%. 

Trong năm nay, tăng trưởng sản xuất dự kiến sẽ bị kìm hãm bởi các chính sách của chính phủ được thiết kế để ổn định ngành chăn nuôi lợn và hạn chế biến động sản xuất. Nhu cầu của người tiêu dùng đối với thịt lợn đã suy yếu và dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong suốt năm 2022. 

Các nguồn tin trong ngành lưu ý rằng người tiêu dùng đã đa dạng hóa việc tiêu thụ thịt trong thời kỳ giá thịt lợn tăng cao sau khi bùng phát dịch ASF (dịch tả lợn châu Phi) - và những thay đổi về sở thích này dường như vẫn tồn tại ngay cả khi thịt lợn giá giảm vào năm 2021, USDA nhận định.

Lợn Việt "hết cửa", giá ảm đạm...

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tháng 1/2022, Việt Nam xuất khẩu được 1,39 nghìn tấn thịt và sản phẩm thịt, trị giá 6,92 triệu USD, giảm 23,5% về lượng và giảm 40,2% về trị giá so với tháng 12/2021; so với tháng 1/2021 giảm 10,3% về lượng, nhưng tăng 17,4% về trị giá. 

Xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt giảm là do xuất khẩu sang một số thị trường chủ chốt như Trung Quốc, Hồng Kông... giảm mạnh. 

Tháng 1/2022, thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam được xuất khẩu sang 15 thị trường. Trong đó, xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Hồng Kông, chiếm 50,3% tổng lượng thịt và các sản phẩm thịt xuất khẩu của cả nước với 700 tấn, trị giá 4,73 triệu USD, giảm 13,9% về lượng và giảm 19,9% về trị giá so với tháng 12/2021; so với tháng 1/2021 giảm 27,9% về lượng, nhưng tăng 19,4% về trị giá. 

Thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông chủ yếu là thịt lợn, tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ, muối, ngâm nước muối, làm khô hoặc hun khói; Thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, của gia cầm thuộc nhóm 01.05, tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh. 

Tháng 1/2022, thịt và các sản phẩm từ thịt của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là các chủng loại như: Thịt lợn, tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt khác và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ của động vật khác, tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, của gia cầm thuộc nhúm 01.05, tươi, ướp lạnh hoặc đụng lạnh... 

Trong đó, thịt lợn, tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh được xuất khẩu nhiều nhất với 986 tấn, trị giá 5,55 triệu USD, giảm 11,9% về lượng và giảm 17,8% về trị giá so với tháng 12/2021; so với tháng 1/2021 tăng 78,3% về lượng và tăng 78,9% về trị giá. 

Giá xuất khẩu bình quân đạt 5.638 USD/tấn, giảm 6,7% so với tháng 12/2021, nhưng tăng 0,3% so với tháng 1/2021. Thịt lợn, tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh được xuất khẩu sang các thị trường Hồng Kông, Thái Lan và Lào.

Nhập khẩu thịt của Trung Quốc giảm cực mạnh, lợn Việt "hết cửa", giá ảm đạm - Ảnh 2.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2022, thị trường chăn nuôi sẽ tiếp tục khó khăn. Ảnh: CT

Do tình hình xuất khẩu thịt, trong đó có thịt lợn tăng trưởng thấp hoặc giảm nên thời gian qua, giá lợn hơi trong nước vẫn ở mức thấp, thị trường khá ảm đạm trong khi chi phí chăn nuôi liên tục tăng vọt.

Giá lợn hơi hôm nay 21/3/2022 tại thị trường 3 miền tăng giảm 1.000 đồng/kg ở một vài nơi. 

Cụ thể: Giá lợn hơi miền Bắc hôm nay tăng giảm 1.000 đồng/kg tại một số địa phương so với phiên cuối tuần trước. Phiên sáng nay, tỉnh Hà Nam và Ninh Bình giảm nhẹ 1.000 đồng/kg, hiện đang thu mua lợn hơi với giá 52.000 đồng/kg. Ở chiều ngược lại, sau khi tăng nhẹ một giá, tỉnh Yên Bái điều chỉnh giá thu mua lên mức 53.000 đồng/kg.

Thị trường lợn hơi khu vực miền Trung, Tây Nguyên hôm nay giảm nhẹ ở một vài tỉnh thành.  Ghi nhận, hai tỉnh Quảng Ngãi và Khánh Hòa cùng giảm 1.000 đồng/kg, hiện đang giao dịch với giá 53.000 đồng/kg.

Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình và Quảng Trị giữ mức cao nhất khu vực là 54.000 đồng/kg.  Trong khi đó, Quảng Bình và Quảng trị đang thu mua lợn hơi với giá thấp nhất khu vực là 52.000 đồng/kg.

Thị trường lợn hơi miền Nam hôm nay tăng nhẹ tại một vài tỉnh, thành trên cả nước. Cụ thể, ghi nhận tăng 1.000 đồng/kg tại hai tỉnh Bình Dương và Đồng Tháp, điều chỉnh giá thu mua lên mức 53.000 đồng/kg.

Cà Mau hiện đang neo tại ngưỡng cao nhất khu vực là 55.000 đồng/kg. Mức giá thấp nhất trong khu vực là 51.000 đồng/kg, được ghi nhận tại Vũng Tàu. Các tỉnh thành còn lại hiện đang giao dịch ổn định quanh mức trung bình là 53.000 đồng/kg.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2022, thị trường chăn nuôi sẽ tiếp tục khó khăn bởi yếu tố dịch Covid-19 và dịch ASF vẫn phức tạp với chi phí sản xuất, chi phí trung gian, giá thành sản phẩm chăn nuôi trong nước vẫn ở mức cao.

Trong khi đó dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm còn xảy ra ở một số địa phương, tuy đã được khống chế nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát.

Dự báo hoạt động sản xuất tại Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi trong năm 2022, vì các biện pháp phòng dịch ASF đã giúp các nhà chăn nuôi lớn tránh được những đợt bùng dịch quy mô lớn.


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục