Sắp áp thuế cao đối với thịt lợn, nhập khẩu thịt của Trung Quốc sắp tới sẽ thế nào?

16/12/2021 16:24 GMT+7
Nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc dự kiến đạt gần 4,8 triệu tấn trong năm 2022, tăng gần 6%, sau khi giảm vào năm 2021 do sản lượng thịt lợn tăng và giá giảm.

Ngày 16/12, Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết, sẽ tăng thuế nhập khẩu đối với hầu hết các sản phẩm thịt lợn từ năm tới nhằm giải quyết nguồn thịt sản xuất trong nước.

Tuyên bố được đưa ra sau khi nhà sản xuất thịt lợn hàng đầu thế giới có tốc độ tái đàn lợn giai đoạn hậu dịch tả lợn châu Phi một cách nhanh chóng. Đặc biệt là trong bối cảnh thị trường thịt lợn tại quốc gia trên 1,4 tỷ người bị sụt giảm mạnh, kéo dài nhiều tháng liền khiến người chăn nuôi lợn thua lỗ.

Theo Bộ Tài chính Trung Quốc, sắc thuế tối huệ quốc (MFN) đối với các quốc gia được ưu đãi sẽ tăng trở lại ở mức 12%, bắt đầu từ ngày 1/1/2022 so với mức 8% hiện tại.

Sắp áp thuế cao đối với thịt lợn, Việt Nam lo nhập khẩu thịt của Trung Quốc sắp tới sẽ thế nào? - Ảnh 1.

Trung Quốc sắp áp thuế cao đối với thịt lợn nhập khẩu. Ảnh: CTV

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, sản lượng thịt lợn của Trung Quốc dự báo sẽ giảm trong năm 2022 vì ngành chăn nuôi lợn nước này điều chỉnh để đáp ứng lại sự thay đổi nhanh chóng của các điều kiện môi trường, trong khi giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao. 

Năm 2022, Chính phủ Trung Quốc sẽ không khuyến khích các hộ nuôi vừa và nhỏ, còn các công ty có vốn hóa lớn sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi. 

Giá lợn hơi của Trung Quốc đã giảm đáng kể từ đầu năm 2021 và vẫn ở mức thấp liên tục dù đã có sự phục hồi những tháng cuối năm 2021. Năm 2021, việc giết mổ nhiều đã làm tăng sản lượng thịt lợn và dự trữ thịt lợn đông lạnh, nhưng nhu cầu tiêu dùng trong mùa thu và mùa đông tại Trung Quốc cao hơn sẽ làm cạn kiệt nguồn dự trữ thịt lợn đông lạnh. Vì thế, nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc được dự báo sẽ tăng vào năm 2022 khi nguồn cung thịt lợn giảm. Những yếu tố này có thể sẽ khiến sản lượng thịt lợn giảm và nhập khẩu tăng vào năm 2022, đặc biệt là trong nửa cuối năm 2022. 

Nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc dự kiến đạt gần 4,8 triệu tấn trong năm 2022, tăng gần 6%, sau khi giảm vào năm 2021 do sản lượng thịt lợn tăng và giá giảm. Tuy nhiên, nhập khẩu sẽ vẫn ở dưới mức kỷ lục năm 2020 khi nguồn cung thịt lợn bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch bệnh. 

Nhập khẩu các loại thịt của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong 20 tháng vào tháng 10/2021, do nguồn cung thịt lợn trong nước cao và giá rẻ nên nhu cầu đối với nguồn cung từ nước ngoài giảm. Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, tháng 10/2021, Trung Quốc nhập khẩu 664 nghìn tấn thịt (bao gồm cả nội tạng), trị giá 2,42 tỷ USD, giảm 12,7% về lượng, nhưng tăng 11% về trị giá so với tháng 10/2020, đây là tháng thứ 6 liên tiếp nhập khẩu thịt của Trung Quốc giảm. 

Lũy kế 10 tháng năm 2021, Trung Quốc nhập khẩu 8,05 triệu tấn thịt, trị giá 27,24 tỷ USD, giảm 1,5% về lượng, nhưng tăng 7,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, chủ yếu nhập khẩu từ Brazil, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ, Argentina và Đan Mạch. 

Tháng 10/2021, Trung Quốc nhập khẩu 200 nghìn tấn thịt lợn, trị giá 466,67 triệu USD, giảm 39,4% về lượng và giảm 45,9% về trị giá so với tháng 10/2020. Lũy kế 10 tháng năm 2021, nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc đạt 3,34 triệu tấn, trị giá 9,35 tỷ USD, giảm 7,7% về lượng và giảm 4,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, chủ yếu nhập khẩu từ Tây Ban Nha, Brazil, Đan Mạch, Hoa Kỳ, và Hà Lan... 

Trong 10 tháng năm 2021, mặc dù nhập khẩu thịt lợn có xu hướng giảm, nhưng Trung Quốc vẫn đẩy mạnh nhập khẩu từ một số thị trường như Tây Ban Nha, Ý, Brazil... Trong đó, Tây Ban Nha là thị trường cung cấp thịt lợn lớn nhất cho Trung Quốc, chiếm 31,8% tổng trị giá nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc, với 2,89 tỷ USD, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2020. Đứng thứ hai là Brazil, với trị giá nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc từ Brazil trong 10 tháng năm 2021 đạt 1,43 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 15,8% tổng trị giá nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc.

Việc áp thuế nhập khẩu thịt của Trung Quốc với tỷ lệ cao hơn sẽ tiếp tục làm chậm đà nhập khẩu từ các nhà xuất khẩu hàng đầu như Hoa Kỳ và Tây Ban Nha vốn đã và đang giảm mạnh trong những tháng gần đây.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, sản lượng thịt lợn toàn cầu được dự báo giảm 2% vào năm 2022, xuống còn 104,2 triệu tấn, chủ yếu do sản lượng thấp hơn ở Trung Quốc. Nguồn cung lợn thắt chặt dự kiến sẽ trở nên trầm trọng hơn do trọng lượng lợn thịt giảm, do giá thịt lợn thấp và giá thức ăn cao.

Trước đó vào năm 2020, chính phủ Trung Quốc đã giảm thuế đối với sản phẩm thịt lợn đông lạnh từ 12% xuống 8% do nước này phải đối mặt với giá thịt lợn trong nước tăng vọt sau các đợt bùng phát dịch bệnh tả lợn châu Phi khiến hàng chục triệu đầu lợn bị buộc tiêu hủy.

Con số thống kê hải quan cho thấy, lượng thịt mà nền kinh tế lớn số hai thế giới nhập khẩu tiếp tục tăng mạnh và duy trì ở mức cao trong suốt nửa đầu năm nay, bất chấp ngay cả khi đàn lợn trong nước hồi phục và giá thịt lợn giảm xuống dưới giá thành sản xuất vào quý III.

Sắp áp thuế cao đối với thịt lợn, Việt Nam lo nhập khẩu thịt của Trung Quốc sắp tới sẽ thế nào? - Ảnh 2.

Đổ cám cho đàn lợn ăn tại trang trại của một gia đình ở huyện Yên Mô (Ninh Bình). Ảnh DV

Được biết, Trung Quốc cũng là một trong những thị trường xuất khẩu chủ chốt của thịt lợn Việt Nam nên việc Trung Quốc sắp áp thuế cao đối với thịt lợn nhập khẩu khiến các doanh nghiệp Việt không khỏi lo lắng. Thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam được xuất khẩu sang 14 thị trường. Trong đó, xuất khẩu nhiều nhất là sang thị trường Trung Quốc, chiếm 38,7% tổng lượng thịt và các sản phẩm thịt xuất khẩu của cả nước, với 782 tấn trong 10 tháng đầu năm 2021, trị giá 1,07 triệu USD, tăng 496,9% về lượng và tăng 713,9% về trị giá so với tháng 9/2021. Lũy kế 10 tháng năm 2021, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 2,99 nghìn tấn thịt và các sản phẩm thịt, trị giá 5,14 triệu USD.

Thịt và các sản phẩm từ thịt của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu gồm các chủng loại: Thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, của gia cầm tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt khác và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ của động vật khác, tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh… Trong đó xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm 63,1% tổng lượng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, của gia cầm tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh của cả nước trong tháng 10/2021.



Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục