Trong khi Trung Quốc tăng thuế, Việt Nam lại sắp giảm mạnh thuế nhập khẩu thịt lợn từ Mỹ
Việt Nam sắp giảm mạnh thuế nhập khẩu thịt lợn từ Mỹ
Dự kiến từ ngày 01/7/2022, Việt Nam sẽ chính thức giảm thuế theo quy tắc thuế quan Tối huệ quốc (Most Favoured Nation Treatment - MFN) đối với thịt lợn đông lạnh của Mỹ từ 15% xuống còn 10%. Trước đó, Hiệp định CPTPP thuế nhập khẩu thịt lợn đông lạnh vào Việt Nam cũng đã giảm còn 7,5%, thấp hơn so với Mỹ.
Trong tháng 10/2021, do nhu cầu yếu, trong khi nguồn cung trong nước tăng, nên nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt về Việt Nam giảm, đây là tháng thứ 3 liên tiếp nhập khẩu thịt của Việt Nam giảm so với cùng kỳ năm 2020.
Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tháng 10/2021, Việt Nam nhập khẩu 55,58 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 103,18 triệu USD, giảm 25,7% về lượng và giảm 22,2% về trị giá so với tháng 10/2020. Lũy kế 10 tháng năm 2021, Việt Nam nhập khẩu 618,8 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 1,19 tỷ USD, tăng 2% về lượng và tăng 16,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Hoa Kỳ, Brazil, Nga, Ấn Độ và Đức là 5 thị trường cung cấp thịt và các sản phẩm thịt lớn nhất cho Việt Nam.
Trong tháng 10/2021, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu là các chủng loại thịt như: Thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; phụ phẩm ăn được sau giết mổ của lợn, trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt trâu, bò tươi đông lạnh…
Trong đó, nhập khẩu thịt gia cầm, thịt lợn, thịt trâu và thịt bò tiếp tục xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2020. Việt Nam nhập khẩu 12,57 nghìn tấn thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh trong tháng 10/2021, với trị giá 29,03 triệu USD, giảm 35,8% về lượng và giảm 38,7% về trị giá so với tháng 10/2020; giá nhập khẩu trung bình đạt 2.308 USD/tấn, giảm 4,6% so với tháng 10/2020. Lũy kế 10 tháng năm 2021, nhập khẩu thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh đạt 135,45 nghìn tấn, trị giá 312,84 triệu USD, tăng 27,7% về lượng và tăng 22,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trong 10 tháng năm 2021, thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh chủ yếu được nhập khẩu từ Nga chiếm 39,9%; Brazil chiếm 15,7%; Đức chiếm 12,4%; Canada chiếm 10,6%; Ba Lan chiếm 4,6%...
Xuất khẩu thịt lợn sang Việt Nam là ưu tiên hàng đầu của Mỹ
Thực tế, xuất khẩu thịt lợn sang Việt Nam đã trở thành ưu tiên hàng đầu của Hiệp hội các nhà sản xuất thịt lợn Mỹ (NPPC).
Việt Nam tiêu thụ nhiều thịt lợn nhưng lại đối phó với dịch tả lợn châu Phi, làm giảm sản lượng thịt lợn trong nước và tăng nhập khẩu thịt lợn. Việt Nam giảm thuế nhập khẩu sẽ tạo cơ hội cho Mỹ tăng xuất khẩu thịt lợn sang Việt Nam.
Mặc dù việc giảm thuế nhập khẩu sẽ có lợi vì Mỹ không có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, nhưng NPPC cho biết ngành công nghiệp thịt lợn của Mỹ vẫn phải cạnh tranh với các nước xuất khẩu thịt lợn, trong đó có Liên minh châu Âu, Nga và các quốc gia trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP. Các nước CPTPP chỉ bị áp thuế 7,5% đối với thịt lợn đông lạnh xuất khẩu sang Việt Nam.
Do hàng rào thuế quan và phi thuế quan của Việt Nam đối với thịt lợn nhập khẩu của Mỹ cao và do không có hiệp định thương mại tự do hoặc thỏa thuận thương mại ưu đãi giữa Mỹ và Việt Nam nên trong năm 2020 ngành công nghiệp thịt lợn của Mỹ chỉ xuất khẩu được khoảng 25.000 tấn thịt lợn, trị giá 54 triệu USD sang Việt Nam. Trong khi đó, Mexico - thị trường xuất khẩu thịt lợn lớn thứ 2 của Mỹ và là thành viên của Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada; trong năm 2020 Mỹ đã xuất khẩu hơn 735.000 tấn thịt lợn, trị giá 1,2 tỷ USD sang Mexico.
Được biết, tại Mỹ, trung bình mỗi năm, 25% thịt lợn sản xuất được sẽ xuất khẩu ra nước ngoài. Vì vậy, việc ký kết các hiệp định thương mại tự do đóng vai trò quan trọng đối với ngành hàng này. Hiện, NPPC của Mỹ đang muốn khai phá các thị trường mới và nhận thấy Việt Nam là một trong những thị trường tiềm năng trong ngắn hạn.
Việt Nam là quốc gia tiêu thụ nhiều thịt lợn. NPPC nhận thấy thị trường Việt Nam đang cần thịt lợn có giá cả phải chăng, đáng tin cậy. Tuy nhiên, các nhà sản xuất thịt lợn của Mỹ đang bị cản trở bởi các hàng rào thuế quan và phi thuế quan, dẫn đến những bất lợi trước các đối thủ cạnh tranh khác.
Theo Hiệp hội Thịt đỏ của Mỹ (U.S Meat), trong năm 2020 sản lượng thịt lợn Mỹ xuất khẩu sang Việt Nam tăng 5 lần chỉ khi có chính sách giảm thuế trong 6 tháng cuối năm, từ 15%-20% về mức 7%-12% tùy chủng loại.
Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong năm 2020, Việt Nam đã nhập khẩu 141.140 tấn thịt lợn, tăng 382% so với năm 2019. Chỉ riêng trong tháng 1/2021, Việt Nam đã nhập khẩu 10.250 tấn thịt lợn, tăng 322,4% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Nga, Canada, Brazil, Ba Lan và Mỹ là 5 thị trường lớn cung cấp thịt lợn cho Việt Nam.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, sản lượng thịt lợn toàn cầu được dự báo giảm 2% vào năm 2022, xuống còn 104,2 triệu tấn, chủ yếu do sản lượng thấp hơn ở Trung Quốc. Nguồn cung lợn thắt chặt dự kiến sẽ trở nên trầm trọng hơn do trọng lượng lợn thịt giảm, do giá thịt lợn thấp và giá thức ăn cao.
Sản lượng thịt lợn của Hoa Kỳ được dự báo giảm nhẹ trong năm 2022 do tồn kho lợn thấp hơn và ý định giữ lợn nái ở mức thấp của các nhà sản xuất vào cuối năm 2021 khiến nguồn cung tiếp tục giảm trong tương lai. Tuy nhiên, xuất khẩu của Hoa Kỳ dự kiến sẽ tăng 3% do nhu cầu cải thiện ở hầu hết thị trường chính. Nhập khẩu cao hơn ở Trung Quốc sẽ hỗ trợ hoạt động xuất khẩu thịt của Hoa Kỳ.
Trước đó, ngày 16/12, Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết, sẽ tăng thuế nhập khẩu đối với hầu hết các sản phẩm thịt lợn từ năm tới nhằm giải quyết nguồn thịt sản xuất trong nước. Tuyên bố được đưa ra sau khi nhà sản xuất thịt lợn hàng đầu thế giới có tốc độ tái đàn lợn giai đoạn hậu dịch tả lợn châu Phi một cách nhanh chóng. Đặc biệt là trong bối cảnh thị trường thịt lợn tại quốc gia trên 1,4 tỷ người bị sụt giảm mạnh, kéo dài nhiều tháng liền khiến người chăn nuôi lợn lỗ. Theo Bộ Tài chính Trung Quốc, sắc thuế tối huệ quốc (MFN) đối với các quốc gia được ưu đãi sẽ tăng trở lại ở mức 12%, bắt đầu từ ngày 1 tháng 1 năm 2022 so với mức 8% hiện tại.