Giá thịt lợn tăng sốc rồi giảm sâu, các nhà sản xuất thịt Trung Quốc ngập trong nợ nần
Theo một nghiên cứu của S&P Global Ratings, sau khi chứng kiến giá lợn tăng gấp đôi trong năm 2019, 5 nhà sản xuất thịt lợn lớn nhất Trung Quốc đã tăng các khoản vay nợ tín dụng để đầu tư nâng công suất nhà máy. Tuy nhiên, không lâu sau đó, giá lợn giảm nhanh y như cách nó tăng lên, để lại gánh nặng nợ gấp 3 lần trong vòng 2,5 năm cho các nhà sản xuất này.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 cho thấy giá thịt lợn của Trung Quốc giảm 44,9% so với 1 năm về trước.
Theo bà Flora Chang, phó giám đốc S&P Global Ratings Trung Quốc, một đợt bùng phát dịch tả lợn châu Phi bắt đầu vào năm 2018 đã làm giảm nhanh sản lượng lợn hơi của Trung Quốc khoảng 40%. Mức giá tăng vọt do nguồn cung giảm đột ngột khi đó đã khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất thịt mở rộng sản xuất. “Họ đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư cho việc mở rộng”. Thêm vào đó, các gói kích thích tiền tệ năm 2020 đã khiến việc vay vốn trở nên tương đối dễ dàng.
Nhưng chưa đầy 3 năm sau, nguồn cung thịt lợn trở nên dư thừa. Ba năm sau, nguồn cung dư thừa. Giá thịt lợn đã giảm xuống khoảng 20 nhân dân tệ (khoảng 70.500 VNĐ theo tỷ giá hiện tại) / 1 kg, gần bằng mức đầu năm 2019, theo dữ liệu giá bán buôn từ Bộ Nông nghiệp Trung Quốc . Dữ liệu cho thấy, ở thời điểm đạt đỉnh vào cuối năm 2019 và đầu năm 2020, giá thịt lợn tại Trung Quốc từng lên mức gần 50 nhân dân tệ / kg hoặc cao hơn.
Sự biến động giá chưa từng có khiến các nhà sản xuất thịt lợn phải đối mặt với gánh nặng nợ tăng vọt. Các nhà phân tích cho biết trong 12 tháng tính đến ngày 30/6, nhà sản xuất thịt lợn hơi Wens Foodstuff đã chứng kiến tỷ lệ nợ trên thu nhập (trước lãi vay, thuế và khấu hao) tăng lên mức hơn 9 lần từ mức 1,9 lần vào năm 2020. Chịu ảnh hưởng nhẹ hơn là nhà sản xuất thịt Muyuan, với tỷ lệ nợ trên thu nhập tăng nhẹ từ mức 1 lên 1,3 trong năm tài chính kết thúc vào quý II vừa qua.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu các nhà sản xuất thịt lợn cũng giảm sâu sau mức tăng vọt hồi năm 2019 và 2020. Chẳng hạn, cổ phiếu nhà sản xuất New Hope giảm hơn 45% từ đầu năm đến nay so với mức tăng 16% trong năm 2020 và 174% trong năm 2019. Ông Bai Xubo, đại diện bộ phận chứng khoán tại New Hope, cho biết: “Giá thịt lợn giảm ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận doanh nghiệp. Chúng tôi cho rằng nguồn cung thịt lợn dự kiến vẫn dư thừa trong thời gian tới do lượng thịt đông lạnh nhập khẩu lớn còn tồn đọng tại các cảng trong khi nhu cầu tiêu dùng vẫn còn yếu”.
Chính phủ Trung Quốc đang hành động để khuyến khích tiêu dùng nhằm chống lại tình trạng dư cung gây áp lực cho các nhà sản xuất thịt. Chỉ trong tháng 6, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) hai lần đưa ra cảnh báo về việc giá lợn hơi lao dốc quá mức, khuyến cáo người chăn nuôi lợn điều chỉnh kế hoạch nhằm ổn định nguồn cung. Các nhà chức trách Trung Quốc hồi quý II cũng đưa ra một kế hoạch chi tiết nhằm cải thiện cơ chế điều chỉnh dự trữ thịt lợn. Kế hoạch này đưa ra một số biện pháp để tránh sự biến động mạnh trên thị trường thịt lợn, với nhiều chỉ số được bổ sung để cảnh báo kịp thời về những thay đổi của thị trường.
Ông Ma Youxiang, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc nhấn mạnh trong một cuộc họp báo hồi đầu tháng 9: “Gần đây, giá thịt lợn đã giảm rất nhanh. Chúng tôi hy vọng người dân tận dụng cơ hội này để mua nhiều thịt lợn hơn, ăn nhiều thịt lợn hơn”.
Động thái này trái ngược hoàn toàn cách phản ứng của Bắc Kinh vào năm ngoái, khi chính phủ khuyến khích người dân tăng tiêu dùng thịt gia cầm và thịt bò để bình ổn giá lợn. Có thời điểm, Bắc Kinh đã phải mở kho dự trữ quốc gia để hạ nhiệt thị trường khi giá lợn tăng quá nhanh.