Nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu sụt giảm mạnh
Nhập khẩu nhóm hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu tháng 1/2023 sụt giảm mạnh 35,5%
Nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu nhiều nhất từ thị trường Achentina, chiếm 38,6% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước, đạt trên 145,62 triệu USD, giảm 17,4% so với tháng 12/2022 nhưng tăng mạnh 51,2% so với tháng 1/2022.
Đứng thứ 2 là thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng 15,7%, đạt trên 59,35 triệu USD, giảm 53,9% so với tháng 12/2022; nhưng tăng 34,7% so với tháng 1/2022.
Tiếp đến thị trường Ấn Độ trong tháng 1/2023 nhập khẩu giảm mạnh 37,4% so với tháng 12/2022 nhưng tăng mạnh 213,3% so với tháng 1/2022, đạt trên 54,21 triệu USD, chiếm 14,4% trong tổng kim ngạch.
Nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu từ thị trường ASEAN trong tháng 1/2023 giảm mạnh 40,7% so với tháng 12/2022 và giảm 24% so với tháng 1/2022, đạt 19,25 triệu USD, chiếm 5,1% trong tổng kim ngạch nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu của cả nước.
Dữ liệu từ OECD cho thấy mức tiêu thụ thịt lợn bình quân đầu người đã giảm so với mức tiêu thụ bình quân trước đại dịch, cụ thể giảm từ 31,4kg/người/năm vào năm 2018 xuống còn 26,8kg/người/năm vào năm 2022. Từ số liệu trên, Khối phân tích của Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng khả năng mức tiêu thụ thịt lợn bình quân đầu người sẽ tăng khoảng 3% so với cùng kỳ vào năm 2023.
SSI cũng dự báo chi phí thức ăn chăn nuôi sẽ ổn định và bắt đầu giảm trong quý 2 năm 2023. Do đó, các nhà phân tích của SSI dự báo chi phí chăn nuôi sẽ giảm vào năm 2023, trong khi giá heo hơi dự kiến sẽ tăng chậm.