Nhập khẩu thủy sản vào Nhật Bản: Các kênh phân phối mới

13/03/2021 14:47 GMT+7
Thương mại thủy sản tại Nhật Bản đang có xu hướng tập trung hơn do mô hình phân phối trực tiếp, bỏ qua các cấp trung gian như thương lái tại cảng hoặc nhà bán buôn tập trung.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, phân phối thủy sản truyền thống của Nhật Bản có đặc tính gồm nhiều cấp trung gian trong hệ thống. Điều này được cho là bắt nguồn từ các đặc điểm kinh tế - xã hội, đặc điểm nhân khẩu học của Nhật Bản. 

Khách hàng có thể mua số lượng lớn các loại thủy sản khác nhau từ nhiều nhà cung cấp khác nhau mà vẫn đảm bảo chất lượng và độ tươi ngon của sản phẩm. 

Tuy nhiên, hiện nay số lượng các bên tham gia vào kênh phân phối truyền thống đang ngày càng giảm, do có nhiều người đã tìm được những cơ hội tiềm năng mới tại các kênh phân phối mới thay thế cho các kênh phân phối truyền thống.

 - Ảnh 1.

Đồ họa: TV

Hiện nay, thương mại thủy sản tại Nhật Bản đang có xu hướng tập trung hơn do mô hình phân phối trực tiếp, bỏ qua việc sử dụng các cấp trung gian như thương lái tại cảng hoặc các nhà bán buôn tập trung. 

Do đó, các bên cần phải đạt một quy mô lớn ở mức nhất định để có thể tham gia vào mô hình thương mại này, nơi thủy sản được giao dịch toàn bộ sản lượng khai thác được thay vì được đem ra đấu giá. 

Mô hình phân phối này ngày càng phổ biến và đã có tác động rõ rệt đến thực tiễn phân phối, làm suy giảm quyền lực của những nhà bán buôn tập trung và nhà bán lẻ lớn.

AEON, chuỗi siêu thị bán lẻ lớn nhất châu Á có trụ sở chính tại Nhật Bản, đang tận dụng lợi thế kinh tế từ quy mô của mình bằng cách bỏ qua các kênh phân phối truyền thống. 

AEON tham gia vào tất cả khâu của chuỗi phân phối, từ trực tiếp quản lý sản xuất cho đến bán hàng cuối cùng.

Ngoài ra, AEON cũng ký hợp đồng thu mua khối lượng lớn với các nhà cung cấp nước ngoài. Những chiến lược này giúp cho AEON có điều kiện thuận lợi phát triển các dòng sản phẩm mang thương hiệu riêng của mình.

Sản phẩm hải sản trưng bày tại AEON Mall. Nguồn:  Jet-Set Japan

Sản phẩm hải sản trưng bày tại AEON Mall. Nguồn: Jet-Set Japan

Các hình thức phân phối khác cũng đã xuất hiện trong những năm gần đây, đặc biệt liên quan đến sự phát triển trong lĩnh vực truyền thông và vận tải. 

Nhiều ngư dân Nhật Bản tự thành lập công ty riêng và bán các sản phẩm thủy sản trực tuyến, đồng thời cung cấp dịch vụ giao hàng tận nhà, nhằm kiểm soát nhiều hơn về giá cả và các vấn đề khác của hoạt động kinh doanh. 

Thủy sản từ cảng có thể được đặt hàng trực tuyến và giao trực tiếp cho người tiêu dùng. Việc đặt hàng trực tuyến này ngày càng được ưa chuộng vì sản phẩm thủy sản không cần qua các cấp trung gian nên tăng khả năng truy xuất nguồn gốc, đây là điều quan trọng đối với người tiêu dùng Nhật Bản.

Ánh Dương
Cùng chuyên mục