Nhập khẩu và tiêu thụ gạo châu Á tăng vọt, cơ hội nào cho gạo Việt?

08/04/2023 13:23 GMT+7
Giá lúa mì ở mức cao đang đảo ngược xu hướng gia tăng tiêu thụ lúa mì ở một số quốc gia châu Á và dẫn đến sự chuyển dịch trở lại gạo. Philippines và Bangladesh là những ví dụ điển hình cho xu hướng này, cả hai chính phủ đều thúc đẩy nhập khẩu gạo với mức thuế giảm. Đây được coi là cơ hội cho gạo Việt.
Nhập khẩu và tiêu thụ gạo châu Á tăng vọt, cơ hội nào cho gạo Việt? - Ảnh 1.

Theo thống kê Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu gạo trong quý I/2023 đạt hơn 900 triệu USD với hơn 1,7 triệu tấn gạo, tăng hơn 19% về lượng và tăng hơn 30% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Đây là dấu hiệu tích cực của ngành lúa gạo Việt Nam.

Số liệu thống kê cho thấy, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quý I năm nay đã đạt mức cao nhất trong 12 năm trở lại đây với khối lượng lên đến 1,8 triệu tấn, trị giá 952 triệu USD, tăng 19,3% về lượng và 30,2% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Riêng trong tháng 3, xuất khẩu gạo ước đạt 900 nghìn tấn, trị giá 480 triệu USD, tăng tới 68,3% về lượng và tăng 67,6% về trị giá so với tháng trước, đồng thời so với cùng kỳ năm ngoái tăng 69,3% về lượng và 82,3% về trị giá.

Các doanh nghiệp cho biết, hoạt động xuất khẩu gạo đang diễn ra sôi động hơn sau khi nguồn cung được bổ sung từ vụ thu hoạch Đông Xuân và nhu cầu tăng cao tại các thị trường chủ chốt như Philippines, Trung Quốc và Indonesia...

Cùng với sự gia tăng về nhu cầu, giá gạo xuất khẩu cũng đang đứng ở mức khá cao với bình quân 533 USD/tấn trong tháng 3, giảm 0,5% so với tháng 2 nhưng tăng 7,6% so với cùng kỳ. Tính chung quý I, giá xuất khẩu gạo đạt bình quân 531 USD/tấn, tăng 9,2% (45 USD/tấn) so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, dữ liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, đến cuối tháng 3 giá gạo 5% tấm của Việt Nam dao động trong khoảng 468 – 472 USD/tấn, tăng 25 USD/tấn so với cuối tháng trước; giá gạo Jasmines cũng tăng khoảng 10 USD/tấn lên 548 – 552 USD/tấn.

Trong báo cáo tháng 3 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), cơ quan này đã nâng dự báo sản lượng sản xuất gạo toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 lên mức 509,9 triệu tấn, tăng 1,4% so với báo cáo trước, chủ yếu là do sản lượng gạo của Ấn Độ cao hơn dự kiến ban đầu. Tuy nhiên, sản lượng trong niên vụ hiện tại vẫn thấp hơn 0,8% so với niên vụ 2021-2022 do nguồn cung sụt giảm tại Trung Quốc, Mỹ, Pakistan và châu Âu.

Như vậy, tổng nguồn cung toàn cầu (sản xuất + tồn kho) sẽ vào khoảng 693,3 triệu tấn trong niên vụ hiện tại, giảm 9,3 triệu tấn so với niên vụ 2021-2022.

Ở chiều ngược lại, tiêu thụ gạo thế giới được dự báo đạt kỷ lục 520 triệu tấn trong niên vụ 2022-2023, tăng 2,8 triệu tấn so với dự báo trước và tăng 770.000 tấn so với niên vụ 2021-2022. Tồn kho gạo toàn cầu dự kiến giảm 10,1 triệu tấn so với vụ trước xuống còn 173,3 triệu tấn, mức thấp nhất trong nhiều năm qua.

USDA cũng dự báo thương mại gạo toàn cầu năm dương lịch 2023 ở mức 54,9 triệu tấn, tăng 850.000 tấn so với dự báo tháng trước song giảm 1,5 triệu tấn so với năm 2022.

Nguồn cung gạo toàn cầu suy giảm trong khi sản xuất ngũ cốc tại châu Á dự báo đối mặt với thời tiết khô nóng, khi các nhà khí tượng thủy văn nhận định hình thái thời tiết El Nino sẽ xuất hiện trong nửa cuối năm 2023, đe dọa nguồn cung và làm tăng rủi ro lạm phát giá thực phẩm.

Do đó, nhiều quốc gia đang có kế hoạch tăng cường kho dự trữ quốc gia, đây được xem là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam.

Giá lúa đồng loạt tăng, thị trường lúa gạo sôi động do nguồn cung giảm dần

Giá lúa gạo hôm nay 9/4 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ghi nhận đồng loạt tăng với mức tăng 100 – 300 đồng/kg. Theo đó, tại kho An Giang, Đài thơm 8 đang được thương lái thu mua tại ruộng ở mức 6.600 – 6.800 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; Nàng hoa 9 tăng 300 đồng/kg lên mức 6.400 – 6.600 đồng/kg; OM 5451 tăng 100 đồng/kg lên mức 6.400 – 6.500 đồng/kg; IR 504 ở mức 6.200 – 6.300 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg.

Với các chủng loại lúa còn lại, giá đi ngang. Theo đó, OM 18 ở mức 6.400 – 6.500 đồng/kg; nếp tươi Long An ở mức 6.600 – 6.800 đồng/kg; giá lúa nếp tươi An Giang ở mức 6.200 - 6.300 đồng/kg; Nếp khô Long An 9.000 – 9.200 đồng/kg, nếp khô An Giang giá dao động 8.400 – 8.600 đồng/kg và lúa IR 504 khô duy trì ở mức 6.500 đồng/kg.

Với mặt hàng gạo, giá gạo hôm nay điều chỉnh tăng với gạo nguyên liệu IR 504. Cụ thể, giá gạo nguyên liệu ổn định ở mức 9.150 đồng/kg, tăng 50 đồng/kg. Trong khi đó, giá gạo thành phẩm duy trì ổn định ở mức 10.300 đồng/kg.

Với mặt hàng phụ phẩm, giá tấm IR 504 ổn định ở mức 9.100 đồng/kg; cám khô duy trì ở mức 7.300 đồng/kg.

Tại chợ lẻ, giá gạo duy trì ổn định sau phiên điều chỉnh. Theo đó, gạo thường còn 11.000 – 12.000 đồng/kg; gạo thơm Jasmine 14.000 – 15.000 đồng/kg; gạo Sóc thường 15.000 đồng/kg; nếp ruột 16.000 – 18.000 đồng/kg; Gạo Nàng Nhen 22.000 đồng/kg; Gạo trắng thông dụng 14.500 đồng/kg; Nàng Hoa 18.500 đồng/kg; Sóc Thái 18.000 đồng/kg; Gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg; Gạo Nhật 22.000 đồng/kg; Cám 7.500 – 8.000 đồng/kg; Gạo thơm Thái hạt dài duy trì 18.000 – 19.000 đồng/kg và Hương Lài 19.000 đồng/kg.

Theo các thương lái, hôm nay gạo nguyên liệu về ít, các kho mua lai rai. Giá gạo nguyên liệu có xu hướng tăng nhẹ. Thị trường lúa ổn định, giao dịch chậm. Riêng mặt hàng lúa, gạo Japonica tiếp tục sôi động.

Nhập khẩu và tiêu thụ gạo châu Á tăng vọt, cơ hội nào cho gạo Việt? - Ảnh 2.

Giá lúa gạo hôm nay 9/4 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ghi nhận đồng loạt tăng với mức tăng 100 – 300 đồng/kg.

Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo xuất khẩu của Việt Nam hôm nay chững lại và đi ngang sau phiên điều chỉnh tăng. Theo đó, gạo 5% tấm đang ở mức 473 USD/tấn; gạo 25% tấm 453 USD/tấn.

Trong tuần qua, giao hàng gạo của Việt Nam đi Philippines chiếm hơn 50% tổng lượng gạo xuất khẩu, tiếp đến là thị trường Trung Quốc và Malaysia. Khách hàng chủ yếu hỏi mua gạo OM 18, RR 504 25% tấm và OM 5451. Tại thị trường Châu Phi, 50% lượng hàng xuất khẩu là gạo Đài thơm 8 và OM 18. Trong tháng 3, lượng gạo xuất khẩu đi các thị trường chính như Philippines, Trung Quốc, Châu Phi đều tăng. Theo dự báo, xuất khẩu gạo của Việt Nam vào các quốc gia này sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Chẳng hạn như với thị trường Philippines, thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, USDA dự báo nhập khẩu gạo của của nước này trong năm nay sẽ vào khoảng 3,6 triệu tấn nhằm bù đắp cho sự sụt giảm về sản lượng và tiêu thụ tăng cao.

USDA cho biết sản lượng gạo của Philippines trong năm 2023 được dự báo ở mức 12,4 triệu tấn, giảm hơn 129.000 tấn so với năm ngoái. Trong khi tiêu thụ gạo của nước này dự kiến tăng lên mức kỷ lục 15,7 triệu tấn từ mức 15,4 triệu tấn của năm ngoái.

Nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn của các thương nhân, doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh thóc, gạo, đặc biệt trong vụ thu hoạch Đông - Xuân năm 2023, vừa qua, NHNN đã có Văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đẩy mạnh cho vay thu mua, kinh doanh thóc, gạo.

Nhập khẩu và tiêu thụ gạo châu Á tăng vọt, cơ hội nào cho gạo Việt? - Ảnh 3.

USDA dự báo nhập khẩu / sản lượng / tiêu thụ / tồn trữ gạo thế giới (báo cáo tháng 2/2023).

Nhập khẩu và tiêu thụ gạo châu Á tăng vọt, cơ hội nào cho gạo Việt? - Ảnh 4.

USDA dự báo thương mại gạo thế giới (báo cáo tháng 2/2023)

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục