Xuất khẩu gạo sang Indonesia tăng đột biến, cảnh báo rủi ro

31/03/2023 09:36 GMT+7
Theo thông tin mới nhất từ Bộ Thương mại Indonesia, nước này sẽ nhập khẩu 02 triệu tấn gạo dự trữ quốc gia trong năm 2023. Điều này sẽ làm tăng lượng gạo Việt Nam xuất sang Indonesia, do vậy các cơ quan chức năng khuyến cáo các doanh nghiệp lưu ý phương án phòng ngừa rủi ro về giá cả, thanh toán, giao hàng...
Xuất khẩu gạo sang Indonesia tăng đột biến, cảnh báo rủi ro - Ảnh 1.

Xuất khẩu gạo sang Indonesia tăng đột biến, cảnh báo rủi ro

Indonesia vừa qua đã quyết định gia tăng lượng gạo thu mua dự trữ lên 2,4 triệu tấn thay vì khoảng 1,2 triệu tấn như hiện nay nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Theo Cơ quan hậu cần quốc gia, cơ quan này mới chỉ thu mua được cho đến nay 60.000 tấn trong khi lượng gạo dự trữ hiện có trong kho (tính đến trước ngày 25/03/2023) chỉ còn vào khoảng 280 nghìn tấn.

Dẫn lời Chính phủ Indonesia, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia cho biết, lượng gạo dự trữ quốc gia của quốc gia này nhập khẩu sẽ được sử dụng vào chương trình bình ổn giá gạo, hỗ trợ gạo cho 21,53 triệu hộ nghèo và sử dụng cho các mục đích khác. Cơ quan hậu cần quốc gia-Preum Bulog tiếp tục được chỉ định là đầu mối nhập khẩu trong đó 500.000 tấn sẽ được thực hiện sớm nhất có thể.

Để có thể cung ứng với số lượng gạo nhiều nhất cho đợt thu mua tới đây của Indonesia, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp đã và đang cung cấp gạo dự trữ quốc gia cho Indonesia cần chủ động sớm tiếp cận Cơ quan dịch vụ hậu cần quốc gia Indonesia (Preum Bulog) để quảng bá sản phẩm của mình.

Cục Xuất nhập khẩu đề nghị các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo theo dõi sát tình hình thị trường, đánh giá đẩy đủ các cơ hội cũng như rủi ro để xây dựng phương án giao dịch, ký kết hợp đồng phù hợp, đảm bảo hiệu quả xuất khẩu và góp phần tiêu thụ hết thóc, gạo hàng hóa cho người nông dân với giá có lợi.

Bên cạnh đó, lưu ý phương án phòng ngừa các rủi ro về giá cả, thanh toán và giao hàng trong bối cảnh tình hình thương mại thế giới đang chịu nhiều tác động.

Ngoài ra, Cục Xuất nhập khẩu đề nghị các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo thường xuyên cập nhật tình hình cho Hiệp hội lương thực Việt Nam và Bộ Công Thương để phục vụ công tác điều hành hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo cũng như kịp thời có biện pháp hỗ trợ thương nhân.

Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, trong 02 tháng đầu năm 2023, thị trường Indonesia là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ 03 của Việt Nam sau Philippines và Trung Quốc. Lượng gạo xuất khẩu trong 02 tháng đầu năm 2023 đạt 143.786 tấn, tương đương 67,31triệu USD, giá bình quân 468 USD/tấn, tăng mạnh 33.732% về lượng và tăng 30.355% kim ngạch nhưng giảm 10% về giá so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 16% trong tổng lượng và chiếm 14,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.

Xuất khẩu gạo sang Indonesia tăng đột biến, cảnh báo rủi ro - Ảnh 2.

Giá lúa gạo hôm nay 31/3 tại Đồng bằng sông Cửu Long điều chỉnh giảm 50 đồng/kg so với hôm qua. Thị trường lúa gạo sôi động.

Giá lúa gạo hôm nay 31/3 tại Đồng bằng sông Cửu Long điều chỉnh giảm 50 đồng/kg so với hôm qua. Thị trường lúa gạo sôi động.

Tại An Giang, giá lúa hôm nay không có biến động. Theo đó, nếp tươi An Giang ở mức 6.000 - 6.300 đồng/kg; Đài thơm 8 đang được thương lái thu mua tại ruộng ở mức 6.400 – 6.600 đồng/kg; OM 18 còn 6.400 – 6.500 đồng/kg; Nàng hoa 9 còn 6.100 – 6.200 đồng/kg; lúa IR 504 6.100 – 6.300 đồng/kg; nếp tươi Long An ở mức 6.600 – 6.800 đồng/kg; lúa OM 5451 6.200 – 6.400 đồng/kg; Nếp khô Long An 9.000 – 9.200 đồng/kg, nếp khô An Giang giá dao động 8.400 – 8.600 đồng/kg và lúa IR 504 khô duy trì ở mức 6.500 đồng/kg.

Với giá gạo, sau phiên điều chỉnh tăng giá gạo quay đầu giảm nhẹ với mức giảm 50 đồng/kg. Cụ thể, gạo TP IR 504 và hiện có giá 10.100 – 10.150 đồng/kg, giảm 50 đồng/kg; NL IR 504 9.100 – 9.150 đồng/kg, giảm 50 đồng/kg; tấm IR 504 tăng 100 đồng/kg lên mức 9.200 đồng/kg. Trong khi đó, cám khô giảm 50 đồng/kg xuống còn 7.500 – 7.550 đồng/kg.

Tại chợ lẻ giá gạo duy trì ổn định sau phiên điều chỉnh. Theo đó, gạo thường còn 11.000 – 12.000 đồng/kg; gạo thơm Jasmine 14.000 – 15.000 đồng/kg; gạo Sóc thường 15.000 đồng/kg; nếp ruột 16.000 – 18.000 đồng/kg; Gạo Nàng Nhen 22.000 đồng/kg; Gạo trắng thông dụng 14.500 đồng/kg; Nàng Hoa 18.500 đồng/kg; Sóc Thái 18.000 đồng/kg; Gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg; Gạo Nhật 22.000 đồng/kg; Cám 7.500 – 8.000 đồng/kg; Gạo thơm Thái hạt dài duy trì 18.000 – 19.000 đồng/kg và Hương Lài 19.000 đồng/kg.

Theo các thương lái, nguồn gạo về lai rai, giá gạo biến động nhẹ. Giá lúa các loại chững lại.

Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo xuất khẩu của Việt Nam hôm nay đi ngang sau phiên điều chỉnh tăng mạnh. Theo đó, gạo 5% tấm đang ở mức 468 USD/tấn; gạo 25% tấm duy trì ở mức 448 USD/tấn.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục