Nhật Bản chính thức phê duyệt Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP

28/04/2021 13:04 GMT+7
Quốc hội Nhật Bản hôm nay 28/4 vừa thông qua Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP - thỏa thuận thương mại tự do lớn bậc nhất thế giới giữa 15 quốc gia châu Á Thái Bình Dương.

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do bao gồm khoảng 30% tổng sản phẩm quốc nội, thương mại và dân số thế giới. Đây sẽ là thỏa thuận thương mại đầu tiên của Nhật Bản có sự tham gia của cả Trung Quốc và Hàn Quốc - các đối tác thương mại lớn nhất và lớn thứ ba của xứ sở mặt trời mọc.

Hiệp ước được 15 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương bao gồm 10 nước trong khối ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand ký vào tháng 11 năm ngoái. Theo thỏa thuận, RCEP sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ khi được sáu trong số các thành viên ASEAN và ba trong số các quốc gia khác phê chuẩn. Thỏa thuận sẽ loại bỏ thuế quan đối với 91% hàng hóa thương mại giữa các quốc gia tham gia, đồng thời đưa ra các quy tắc chung về đầu tư và sở hữu trí tuệ để thúc đẩy thương mại tự do.

Tokyo kỳ vọng hiệp định thương mại sẽ thúc đẩy GDP của Nhật Bản tăng 2,7% và tạo ra 570.000 việc làm mới.

Nhật Bản chính thức phê duyệt Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP - Ảnh 1.

Nhật Bản phê duyệt Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP

Tính đến thứ Tư, Singapore và Trung Quốc đã hoàn tất các thủ tục để phê chuẩn. Với việc Quốc hội Nhật Bản hôm thứ Tư cũng thông qua thỏa thuận RCEP, động thái này sẽ nâng cao khả năng hiệp định có hiệu lực vào cuối năm nay .

Quốc hội Trung Quốc vào đầu tháng 3 đã thông qua Hiệp định RCEP và đẩy nhanh các công tác chuẩn bị kỹ thuật cần thiết để đảm bảo hiệp ước đi vào thực tiễn sớm nhất với quy trình cắt giảm thuế quan và chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa thương mại suôn sẻ nhất.

“Hiệp định có hiệu lực càng nhanh, người dân của các nước thành viên càng sớm được hưởng lợi” - trích tuyên bố của Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Wang Wentao hôm 8/3, ngay sau khi RCEP được thông qua tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC) ở Bắc Kinh.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì thể chế thương mại đa phương. Chúng tôi sẽ nỗ lực thúc đẩy điều này thông qua phê duyệt và thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP cũng như ký kết Hiệp định toàn diện về đầu tư Trung Quốc - EU” - trích lời Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cuối tuần trước trong cuộc họp thường ngày của chính phủ tại Bắc Kinh. “Chúng tôi sẽ đẩy nhanh các cuộc đàm phán thương mại tự do với Nhật Bản và Hàn Quốc. Trung Quốc cũng sẽ tích cực xem xét việc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP”.

Ông He Ping, giáo sư chính trị quốc tế tại Đại học Phúc Đán (Trung Quốc) cho biết việc chính phủ Bắc Kinh nhanh chóng phê chuẩn Hiệp định RCEP là một động thái nhằm thúc đẩy các nước khác đẩy nhanh tiến trình phê duyệt.

Theo ông He Ping, dự kiến việc thông qua RCEP cũng không gặp trở ngại lớn nào từ các nước ASEAN khác. Trong trường hợp được thông qua sớm, Hiệp định RCEP sẽ có hiệu lực vào khoảng cuối năm nay hoặc đầu năm 2022.


NTTD
Cùng chuyên mục