Nhật Bản lo thất thu trăm triệu USD nếu Thế vận hội Tokyo không bóng người

08/05/2021 11:43 GMT+7
Các nhà quan sát đang cảnh báo về viễn cảnh các vận động viên Olympic thi đấu trên một sân vận động trống trong kỳ Thế Vận hội Tokyo tới đây khi Nhật Bản mở rộng tình trạng khẩn cấp lần thứ 3 do làn sóng dịch bệnh tiếp theo.

Cơn ác mộng với giới chức Nhật Bản lúc này không gì khác ngoài một kỳ Thế Vận hội không khán giả. Trong trường hợp đó, 90 tỷ JPY (824 triệu USD) doanh thu bán vé dự kiến sẽ tan thành mây khói. Các công ty tài trợ sẽ chịu thiệt hại nặng nề.

Ban đầu, kỳ Thế Vận hội Tokyo dự kiến sẽ thu hút khoảng 10 triệu khán giả. Nhưng hồi tháng 3 vừa qua, chính phủ và các nhà tổ chức đã quyết định cấm du khách nước ngoài nhập cảnh trong bối cảnh làn sóng dịch bệnh tiếp theo bùng phát trên toàn cầu. Tuy nhiên, thời điểm đó, giới chức Tokyo vẫn kỳ vọng thu hút lượng lớn người hâm mộ trong nước.

Sau đó, Nhật Bản bị ảnh hưởng bởi làn sóng dịch Covid-19 thứ tư. Sự gia tăng các ca nhiễm mới buộc Thủ tướng Yoshihide Suga phải ban bố tình trạng khẩn cấp thứ ba đối với Tokyo và các khu vực lân cận. Sắc lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp ban đầu dự kiến kéo dài 17 ngày, nhưng sau đó đã được gia hạn đến cuối tháng 5 khi số ca nhiễm mới Covid-19 không có dấu hiệu được kiểm soát.

Nhật Bản lo thất thu trăm triệu USD nếu Thế vận hội Tokyo không bóng người - Ảnh 1.

Nhật Bản lo Thế vận hội không bóng người khi đại dịch diễn biến phức tạp buộc chính phủ ban hành tình trạng khẩn cấp lẩn 3 với Tokyo

Các nhà quan sát tin rằng việc kiểm soát đại dịch và đảm bảo đủ nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe cho cả vận động viên cũng như người xem trong kỳ Thế Vận hội vào tháng 7 tới sẽ là một thách thức lớn. Bao nhiêu chuyên gia y tế sẽ được huy động vào lúc cao điểm? Ủy ban tổ chức Tokyo ước tính con số có thể lên tới hàng ngàn người: ít nhất 300 bác sĩ và 400 y tá. Kế hoạch ban đầu là cứ mỗi 10.000 khán giả sẽ cần một ekip y tế.

Ủy ban tổ chức Thế vận hội Tokyo cho biết họ đang đi đúng hướng để đảm bảo đủ nhân viên y tế cho các vận động viên sau khi đàm phán với các cơ sở y tế và các tổ chức liên quan. Nhưng về cơ bản, các chuyên gia quan sát cho rằng có rất ít khả năng Nhật Bản làm được điều này.

Việc triển khai vắc xin sẽ diễn ra đồng thời với Thế vận hội. Điều này có nghĩa là khả năng kiểm soát sớm dịch bệnh trước khi Thế vận hội diễn ra là rất ít.

Các cơ quan liên quan đang chuẩn bị cho kịch bản Thế vận hội không khán giả. Nếu điều đó xảy ra, cả Tokyo và chính quyền trung ương sẽ phải đưa ra các kế hoạch để bù đắp cho khoản thu tiềm năng bị mất.

Đối với các nhà tài trợ, Thế vận hội không khán giả nghĩa là mọi cơ hội quảng bá sẽ đổ sông đổ bể.

Đề xuất khả thi nhất lúc này là cho phép các sân vận động hoạt động với một nửa sức chứa. Các trận đấu bóng đá J.League và bóng chày chuyên nghiệp đã cho phép khán giả tham dự từ mùa hè năm ngoái, nhưng không có cụm dịch nào xuất hiện từ những sự kiện đó.

“Chúng tôi đang thấy bằng chứng khoa học chứng minh rằng chúng tôi có khả năng đăng cai Thế vận hội một cách an toàn. Giới hạn chỗ ngồi 50% công suất toàn sân vận động dự kiến sẽ đáp ứng được hầu hết nhu cầu của những người hâm mộ đã mua vé” - một chuyên gia cho hay trên tờ Nikkei Asian Review.

Tuy nhiên, ngay cả khi giãn cách chỗ ngồi như vậy, vẫn tồn tại rủi ro khán giả đến và rời địa điểm sân vận động theo nhóm hoặc tụ tập ăn mừng tại các nhà hàng gần đó. Lúc này, chính quyền địa phương sẽ phải có hành động hướng dẫn cụ thể dựa trên những khuôn khổ quy định chung mà chính quyền Trung ương đặt ra.

Năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng nổ đang đe dọa trực tiếp đến nền kinh tế Nhật Bản: ngoại thương chững lại bởi các quốc gia lớn khác đều đang gồng mình chống lại virus; ngành du lịch gần như đóng băng, nhiều khách sạn, nhà hàng và công ty du lịch bị buộc phá sản. Nhiều sự kiện thể thao và văn hóa lớn bị hủy bỏ. Thế vận hội Tokyo cũng bị dời lịch sang năm 2021, góp phần gây thêm áp lực cho nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.


NTTD
Cùng chuyên mục