Nhiều nông dân giỏi ở Đồng Nai vượt khó thành tỷ phú thu tiền tỷ/năm

Nha Mẫn Thứ năm, ngày 05/01/2023 10:03 AM (GMT+7)
Tại Đồng Nai, có nhiều nông dân từ hộ nghèo mạnh dạn vay vốn để đầu tư làm ăn và đến nay trở thành những hộ gia đình khá giả với thu nhập bình quân mỗi năm lên đến nửa tỷ đồng.
Bình luận 0

Nông dân Đồng Nai đầu tư phát triển kinh tế

Sáng 4/1, Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác hội và phong trào nông dân năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.

Báo cáo tại hội nghị, Hội Nông dân Đồng Nai cho biết năm 2022 dù dịch bệnh vẫn hành hoành, giá cả nông sản lên xuống liên tục… nhưng đời sống, kinh tế của các hộ nông dân vẫn phát triển mạnh.

Nhiều nông dân Đồng Nai vượt nghèo trở thành “người giàu” với thu nhập lên đến nửa tỷ mỗi năm - Ảnh 1.

Nhiều nông dân mạnh dạn chi tiền để mua sản phẩm hiện đại

Năm 2022, giá trị sản xuất ước đạt trên 228 triệu đồng/ha; thu nhập của cư dân nông thôn đạt 59,61 triệu đồng/người/năm; 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và tiếp tục giữ vững, nâng cao chất lượng tiêu chí; tỷ lệ hợp tác xã nông nghiệp hoạt động loại khá, tốt đạt 47,4%; tỷ lệ cư dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn QC02 là 81,95%; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,41%.

Các hội viên nông dân đã hưởng ứng tích cực các phong trào thi đua do địa phương và Hội Nông dân các cấp phát động, luôn học hỏi, tìm tòi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh để phát triển kinh tế gia đình và hỗ trợ nhiều nông dân khác.

Hiện nay, nông dân tại Đồng Nai đang từng bước chuyển hướng sang sản xuất nông sản sạch, nông sản hữu cơ. Mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ giá trị sản phẩm được sản xuất theo quy trình sản xuất tốt (GAP) hoặc tương đương đạt trên 25%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông - lâm - thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt 50%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông sản ứng dụng công nghệ cao đạt tối thiểu 50%; tỷ lệ HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả đạt tối thiểu 80%. 

Nhiều nông dân Đồng Nai vượt nghèo trở thành “người giàu” với thu nhập lên đến nửa tỷ mỗi năm - Ảnh 2.

Thiết bị bay không người lái phục vụ phun xịt thuốc cho vườn bưởi. Ảnh: Tuệ Mẫn

Đồng Nai còn quan tâm hỗ trợ, vận động nông dân, doanh nghiệp sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP). Theo đó, toàn tỉnh hiện có 1.667 ha cây trồng được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn GAP và tương đương. Chủng loại cây trồng được chứng nhận GAP rất đa dạng như: hồ tiêu, sầu riêng, chôm chôm, thanh long, xoài, nấm, các loại rau ăn lá, rau ăn quả… Nhiều vùng sản xuất GAP đã xây dựng được chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ với đầu ra ổn định hơn cho sản phẩm trồng trọt đạt chuẩn an toàn.

Song song đó, phát triển nông nghiệp hữu cơ cũng là một trong những chương trình trọng tâm của ngành nông nghiệp Đồng Nai thời gian tới. Mục tiêu của tỉnh đề ra đến năm 2025, diện tích nhóm đất nông nghiệp hữu cơ đạt khoảng 33.000 ha. 

Hội Nông dân các cấp trong tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành và địa phương thực hiện tốt công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ hội viên, nông dân vay vốn đầu tư phát triển sản xuất. Các cấp hội đã chủ động phối hợp với ngành nông nghiệp triển khai kế hoạch tổ chức tập huấn khuyến nông, bảo vệ thực vật để giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất. 

Nhiều nông dân Đồng Nai vượt nghèo trở thành “người giàu” với thu nhập lên đến nửa tỷ mỗi năm - Ảnh 3.

Nông dân trồng chuối ở Đồng Nai đang có đầu ra khá ổn giai đoạn cận Tết Nguyên đán. Ảnh: Tuệ Mẫn

Việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực, phát triển thủy lợi, đẩy mạnh các biện pháp cơ giới hóa, áp dụng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao (IPM, Viet GAP, tưới nước tiết kiệm, bón phân qua đường ống, sử dụng giống mới năng suất cao, chất lượng tốt…) được phổ biến trên diện rộng đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong phát triển sản xuất nông nghiệp.

Một số mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế cao và đang được nhân rộng, như: Mô hình nuôi lươn không bùn tại xã An Viễn, huyện Trảng Bom; mô hình thâm canh cây sầu riêng tại xã Xuân Bảo và Nhân Nghĩa, huyện Cẩm Mỹ; mô hình chăn nuôi dê tại xã Xuân Tây, Xuân  Đông, huyện Cẩm Mỹ; mô hình cải tạo vườn cây ăn trái gắn với du lịch sinh thái tại xã Bình Sơn và Bình An, huyện Long Thành; mô hình chăm sóc cây bưởi tại xã Bình Lợi, Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu; mô hình trồng và chăm sóc cây trà tại xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch; mô hình chăm sóc, cải tạo vườn xoài tại xã La Ngà, huyện Định Quán; mô hình nuôi tôm càng xanh tại xã Trà Cổ, huyện Tân Phú…

Nhiều nông dân Đồng Nai vượt nghèo trở thành “người giàu” với thu nhập lên đến nửa tỷ mỗi năm - Ảnh 4.

Hội nghị tổng kết của Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Tuệ Mẫn

Điển hình là hộ ông Vòng Mắn Pắn (dân tộc Hoa, xã Bình Sơn, huyện Long Thành) là tấm gương sáng về ý chí và nghị lực vươn lên trong cuộc sống, từ một hộ nghèo, đến nay tổng lợi nhuận hàng năm của gia đình đạt từ 400 đến 500 triệu đồng, nhiều năm liền được công nhận là hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, cấp Trung ương. Ngoài ra, ông còn tích cực tham gia các phong trào do cấp hội và địa phương phát động như phong trào xây dựng nông thôn mới, đóng góp quỹ đền ơn đáp nghĩa, trao quà Tết cho người nghèo, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Tương tự, hội viên nông dân Trương Văn Mỹ ở xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc từ hoàn cảnh gia đình nghèo khó, ông đã mạnh dạn vay vốn đầu tư sản xuất cây điều và ca cao, đến nay gia đình ông có mức thu nhập bình quân 500 triệu đồng/năm, giúp nhiều lao động ở địa phương có công ăn việc làm, thường xuyên đóng góp, ủng hộ về vật chất, kinh tế giúp đỡ các hộ nghèo tại địa phương.

Nhiều nông dân Đồng Nai vượt nghèo trở thành “người giàu” với thu nhập lên đến nửa tỷ mỗi năm - Ảnh 5.

Ông Phạm Minh Hùng tham dự Hội nghị tổng kết của Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Tuệ Mẫn

Nhờ vào sản xuất, kinh doanh giỏi, biết giúp đỡ bà con nông dân khác cùng phát triển kinh tế nên trong năm 2022, có 4 nông dân tiêu biểu được Trung ương Hội trao tặng bằng khen gồm: ông Nguyễn Huy Bình (mô hình nuôi tôm tại xã Phước An, huyện Nhơn Trạch), ông Nguyễn Văn Khôn (mô hình trồng xáo tam phân tại xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom), ông Nguyễn Văn Phong (mô hình chăn nuôi dê, heo rừng tại xã Phú Lập, huyện Tân Phú) và bà Nguyễn Thị Bích Lệ (mô hình trồng và chế biến sen tại xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch).

Ngoài ra, toàn tỉnh có 83.421 hộ đăng ký thi đua đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp năm 2022; có 45.312 hộ đạt danh hiệu (vượt so với chỉ tiêu 100,69%). Qua thực hiện phong trào đã xuất hiện ngày càng nhiều nông dân đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, nhiều mô hình có quy mô sản xuất lớn, thu hút hàng trăm lao động, thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Minh Hùng, Trưởng Cơ quan Thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tại miền Nam nói rằng thời gian qua, các tổ chức hội đã là cầu nối, kết nối giữa nông dân và doanh nghiệp, hình thành nhiều sản phẩm chất lượng để đưa ra phục vụ thị trường. Hàng năm, nông dân Đồng Nai đều cố gắng cải tiến các công nghệ, ứng dụng khoa học hiện đại để nâng cấp sản phẩm liên tục. Nhờ vậy, nhiều sản phẩm nông nghiệp của Đồng Nai đã và đang đứng vững trên thị trường Đồng Nai và các tỉnh lân cận.

Năm qua, Hội Nông dân Đồng Nai cũng đã tập trung hỗ trợ cho nông dân bằng quỹ hỗ trợ nông dân và giai đoạn tới, hội cần phát triển nguồn vốn do hội đang quản lý để hỗ trợ nông dân ngày càng phát triển kinh tế.

Cũng trong hội nghị, Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai đã trao khen thưởng các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác hội và phong trào nông dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem