Nhu cầu chậm lại, giá và xuất khẩu hồ tiêu sau Tết vẫn được dự báo bất ngờ

03/02/2022 07:31 GMT+7
Dự báo, giá hồ tiêu thế giới có xu hướng giảm trong ngắn hạn do Việt Nam và Brazil bước vào vụ thu hoạch. Tuy nhiên, giá hồ tiêu thế giới sẽ không giảm mạnh do một số quốc gia sản xuất hồ tiêu như Indonesia, Ấn Độ lại đang trong tình trạng khan hiếm nguồn cung.

Hoạt động thu mua của Trung Quốc chậm ảnh hưởng đến giá bán hạt tiêu

Giá tiêu hôm nay 2/2 tại thị trường trong nước đi ngang do đang đóng cửa để nghỉ Tết Nguyên đán 2022. Theo đó, giá hồ tiêu tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông tiếp tục giao dịch ở mức 81.000 đồng/kg. Giá tiêu Gia Lai hôm nay 2/2 duy trì mức 80.000 đồng/kg, không đổi so với hôm qua. Giá tiêu tại Đồng Nai cũng đi ngang, hiện giao dịch ở mức 80.000 đồng/kg. Giá tiêu tại Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục giao dịch ở mức 82.500 đồng/kg - mức giao dịch hồ tiêu cao nhất cả nước hôm nay. Còn tại Bình Phước, giá tiêu giao dịch ở ngưỡng 81.500 đồng/kg, đi ngang so với hôm qua.

Nhu cầu chậm lại, giá và xuất khẩu hồ tiêu sau Tết vẫn được dự báo bất ngờ - Ảnh 1.

Nguồn: Hiệp hội Hạt tiêu Việt Nam (VPA)

Tỉnh Đắk Nông đã bắt đầu bước vào vụ thu hoạch hạt tiêu sớm. Mặc dù sản lượng đưa ra thị trường không nhiều, nhưng cũng tác động tiêu cực lên giá mặt hàng này. Bên cạnh đó, hoạt động thu mua của Trung Quốc chậm cũng đã ảnh hưởng đến giá bán hạt tiêu. 

Nhu cầu chậm lại, giá và xuất khẩu hồ tiêu sau Tết vẫn được dự báo bất ngờ - Ảnh 2.

Nguồn: Hiệp hội hạt tiêu Quốc tế (IPC)

Tại cảng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam, cuối tháng 1/2022, giá hạt tiêu đen loại 500g/l và 550g/l xuất khẩu cùng giảm 200 USD/tấn so với ngày 31/12/2021, xuống còn 4.000 USD/tấn và 4.200 USD/tấn. Giá hạt tiêu trắng xuất khẩu giảm 200 USD/ tấn so với ngày 31/12/2021, xuống còn 6.000 USD/tấn.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, tình hình xuất khẩu hồ tiêu sang Trung Quốc trong tháng đầu tiên của năm 2022 đang không mấy khả quan khi chỉ đạt 289 tấn trong 15 ngày đầu tháng. Nhu cầu nhập khẩu hồ tiêu của Trung Quốc đã chậm lại từ cuối năm 2021 do áp dụng các biện pháp kiểm dịch chặt chẽ trong nhập khẩu.

Số liệu 10 tháng năm 2021 cho thấy kim ngạch nhập khẩu hồ tiêu của Trung Quốc giảm 6,4% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 45,79 triệu USD. Việc Trung Quốc mua chậm hoặc thậm chí ngừng mua tùy thời điểm cũng là một nguyên nhân quan trọng làm giảm giá tiêu hiện nay, từ mức thu mua bình quân 3.000-4.000 tấn/tháng thì trong tháng 10/2021 Trung Quốc chỉ mua 546 tấn, tháng 11 mua 463 tấn, tháng 12 mua 513 tấn.

Theo các chuyên gia, chính sách "Zero Covid" của Trung Quốc đã tác động không nhỏ tới thị trường hồ tiêu của Việt Nam khi 90% lượng hồ tiêu của nước ta xuất khẩu đi Trung Quốc qua đường tiểu ngạch.

Theo dự báo của Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2022, ngành hồ tiêu Việt Nam vẫn được hưởng lợi về giá do nguồn cung hạn chế. Tuy nhiên, thời điểm đầu năm, ngành hồ tiêu Việt Nam đối mặt với khó khăn do phía Trung Quốc tạm dừng hoạt động thông quan. Nhưng khi mở cửa trở lại, phía Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tăng mạnh nhập khẩu để bù đắp cho thời gian bị gián đoạn.

Nhu cầu chậm lại, giá và xuất khẩu hồ tiêu sau Tết vẫn được dự báo bất ngờ - Ảnh 3.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Năm 2021, ngành hồ tiêu xuất khẩu đối mặt với khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và sản lượng sản xuất giảm. Mặc dù vậy, nhờ giá xuất khẩu tăng mạnh giúp ngành hồ tiêu nước ta vẫn ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2021. 

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, năm 2021, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đạt xấp xỉ 261 nghìn tấn, trị giá 937,85 triệu USD, giảm 8,5% về lượng, nhưng tăng 42% về trị giá so với năm 2020. Tháng 12/2021, giá xuất khẩu bình quân hồ tiêu của Việt Nam đạt 4.710 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 9/2017, tăng 1,6% so với tháng 11/2021 và tăng 70,2% so với tháng 12/2020. Tính chung cả năm 2021, giá xuất khẩu bình quân hồ tiêu của Việt Nam đạt 3.593 USD/tấn, tăng 55,2% so với năm 2020.

Nhu cầu chậm lại, giá và xuất khẩu hồ tiêu sau Tết vẫn được dự báo bất ngờ - Ảnh 4.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

So với tháng 12/2020, lượng hồ tiêu xuất khẩu sang nhiều thị trường chủ lực trong tháng 12/2021 giảm, ngoại trừ các thị trường Ấn Độ (tăng 24,5%), Hàn Quốc (tăng 98,4%), Anh (tăng 8,9%), Philipines (tăng 14,3%). Tính chung cả năm 2021, lượng hạt tiêu của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, Ấn Độ giảm lần lượt 32,5% và 0,8%, nhưng xuất khẩu sang nhiều thị trường khác tăng mạnh. Đáng chú ý, lượng hồ tiêu của Việt Nam xuất khẩu sang một số thị trường tăng trưởng từ 2 đến 3 con số, như: Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (tăng 21,1%); Pakistan (tăng tới 290,5%); Hà Lan (tăng 26,4%); Philipines (tăng 52,9%).

Nhu cầu chậm lại, giá và xuất khẩu hồ tiêu sau Tết vẫn được dự báo bất ngờ - Ảnh 5.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Giá hồ tiêu thế giới có xu hướng giảm chỉ là trong ngắn hạn

Dự báo, giá hồ tiêu thế giới có xu hướng giảm trong ngắn hạn do Việt Nam và Brazil bước vào vụ thu hoạch. Tuy nhiên, giá hồ tiêu thế giới sẽ không giảm mạnh do một số quốc gia sản xuất hồ tiêu như Indonesia, Ấn Độ lại đang trong tình trạng khan hiếm nguồn cung. 

Sản lượng hồ tiêu giảm trong thời gian qua do người dân giảm sản xuất bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và giá giảm mạnh từ những năm trước. Trong khi đó, nhiều quốc gia tiến hành mở cửa trở lại các nhà hàng, quán ăn khiến lượng tiêu thụ hồ tiêu tăng. Về dài hạn, nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu đen trên thế giới sẽ tiếp tục tăng. 

Theo nghiên cứu được công bố bởi Fior Markets, thị trường hồ tiêu đen toàn cầu dự kiến sẽ tăng từ 3,9 tỷ USD vào năm 2020 lên xấp xỉ 6 tỷ USD vào năm 2028. Thị trường được thúc đẩy bởi sự gia tăng chi tiêu cho các sản phẩm thực phẩm và tăng thu nhập khả dụng ở các nước đang phát triển. 

Mối quan tâm ngày càng tăng về an toàn thực phẩm dẫn đến sự phát triển của các chất kháng khuẩn mới. Tinh dầu hồ tiêu không chỉ cải thiện hương vị mà còn làm giảm hoạt động của vi sinh vật. Hơn nữa, thị trường dự kiến sẽ chứng kiến nhu cầu đáng kể giữa các nhà sản xuất mỹ phẩm, vì hồ tiêu đen được sử dụng rộng rãi trong các công thức chăm sóc da...

Nhu cầu chậm lại, giá và xuất khẩu hồ tiêu sau Tết vẫn được dự báo bất ngờ - Ảnh 6.

Chi phí đầu vào như nhân công, phân bón, xăng dầu, giá cước vận tải tăng cao dự kiến đẩy giá hồ tiêu trong năm 2022.

Trong nước, ngay sau Tết, các địa phương sẽ bắt đầu thu hoạch rộ hồ tiêu vụ mới. Thời gian qua, một số nơi ở Đắk Nông và Bình Phước, Đồng Nai ghi nhận vài vườn tiêu đã cho thu hái. Nhận định chung, sản lượng năm nay tiếp tục sụt giảm. Còn thực tế đánh giá như thế nào đang đợi 2 đợt khảo sát vào cuối tháng này của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam để có cái nhìn toàn cảnh về vụ tiêu năm nay.

Vụ thu hoạch hồ tiêu tại Việt Nam năm 2022 sẽ bắt đầu muộn hơn vài tuần so với mọi năm và cao điểm thu hoạch sẽ vào khoảng tháng 3 đến tháng 5. Các điều kiện thời tiết khác nhau giữa các khu vực dẫn đến chênh lệch về sản lượng tại các vùng sản xuất trọng điểm. Ước tính vụ sản xuất năm 2022 của Việt Nam tiếp tục giảm 10-15% xuống còn 188.000-200.000 tấn; sản lượng của Ấn Độ dự kiến giảm xuống còn 60.000 tấn; Indonesia là 50.000 tấn; riêng Brazil tăng 10-15% lên mức 105.000 tấn. Trên bình diện toàn cầu, sản lượng giảm ở Việt Nam sẽ được bù đắp bởi sự gia tăng ở các nước sản xuất khác.

Nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm sản lượng tại Việt Nam và một số nước sản xuất là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và giá tiêu xuống thấp trong giai đoạn 2018 - 2020 khiến nông dân giảm đầu tư, chăm sóc dẫn đến diện tích và năng suất giảm. Đồng thời tác động của dịch Covid-19 dẫn đến tình trạng thiếu nhân công. Sản lượng giảm cũng kéo theo lượng hàng tồn kho giảm theo.

Do đó, nguồn cung hồ tiêu toàn cầu sẽ không thiếu hụt so với nhu cầu tiêu thụ. Tuy nhiên, chênh lệch cung - cầu đang dần thu hẹp trong những năm gần đây. Sản lượng tại Việt Nam, nước sản xuất lớn nhất thế giới liên tiếp giảm, trong khi nhu cầu tiêu thụ từ Mỹ và châu Âu tiếp tục cho thấy xu hướng hồi phục.

Điều này dự kiến sẽ tác động tích cực đến giá tiêu trong năm 2022 và thậm chí là cả năm 2023. Ngoài ra, chi phí đầu vào như nhân công, phân bón, xăng dầu, giá cước vận tải tăng cao dự kiến đẩy giá hồ tiêu trong năm 2022.


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục