Nhu cầu tiêu thụ cà phê tăng mạnh trong đại dịch Covid-19, nhà sản xuất gặp khó
Đại dịch Covd-19 khiến nhu cầu tiêu thụ cà phê tăng mạnh trong hai tháng trở lại đây nhất là với cà phê nguyên hạt, điều này đẩy nhiều nhà sản xuất cà phê vào thế tiến thoái lưỡng nan trước nhu cầu tăng cao của người tiêu dùng diễn ra đồng thời với chuỗi cung ứng bị gián đoạn.
Theo ông José Marcos Magalhães, giám đốc điều hành tập đoàn bán buôn cà phê lớn thứ hai Brazil- Minasul, sản lượng xuất khẩu cà phê tới Châu Âu và Bắc Mỹ tăng mạnh trong hai tháng trở lại đây. Trước đó, Minasul ước tính xuất khẩu khoảng 400,000 bao cà phê (mỗi bao có 60kg hạt cà phê) trong cả năm 2020, tuy nhiên, đơn đặt hàng đã tăng vọt đến con số này chỉ trong tháng Ba. Sản lượng xuất khẩu cà phê trong năm 2020 có thể tăng gấp đôi năm ngoái, trước nhu cầu rất lớn từ Châu Âu và các siêu thị ở Bắc Mỹ.
Thị trường cà phê trước đó gặp khó khi đại dịch Covid-19 bùng nổ ở Trung Quốc. Gần như toàn bộ nhà hàng, quán cà phê tại Trung Quốc bị buộc phải đóng cửa khiến nhu cầu tiêu thụ cà phê có dấu hiệu chững lại. Tuy nhiên sau đó, việc hàng loạt các quốc gia Châu Âu và Bắc Mỹ thực hiện các lệnh hạn chế nghiêm ngặt khiến người tiêu dùng có xu hướng tích trữ hạt cà phê cũng như tiêu thụ nhiều cà phê hơn. Nhiều nhà bán lẻ cà phê hiện đang phải đau đầu với bài toán đảm bảo nguồn cung nguyên liệu, do vẫn chưa đến thời điểm thu hoạch hạt cà phê arabica ở các quốc gia Nam Mỹ. Đây cũng là khu vực được coi là vựa cà phê arabica của thế giới.
Năm 2018 và 2019 chứng kiến giá cà phê arabica sụt giảm liên tục, điều này khiến nhiều nông dân từ bỏ đồn điền của mình, sản lượng xuất khẩu cà phê ở Honduras và Colombia cũng giảm mạnh. Chuyên gia phân tích từ Rabobank ước tính sản lượng xuất khẩu cà phê sẽ còn tiếp tục chững lại trong năm 2020 do không có đủ nguồn cung ứng. Thậm chí ở Brazil, quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, nhiều công ty bán buôn cũng gặp khó khăn trong việc tìm nguồn cung ứng, trong khi hàng tồn không còn nhiều và nhu cầu tiêu thụ toàn cầu không có dấu hiệu sụt giảm. Nhiều nhà sản xuất buộc phải từ chối đơn đặt hàng do không có đủ cà phê và đặt hi vọng vào mùa thu hoạch cà phê bắt đầu từ tháng 5 với mạng lưới 8.000 đồn điền cà phê chỉ tính riêng ở Brazil.
Cũng theo chuyên gia, thị trường cà phê thế giới cũng sẽ phải đối mặt với vấn đề thiếu lao động thu hoạch cà phê khi mùa vụ đang đến gần, do nhiều người lao động không muốn đi làm trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Chính phủ Colombia đã áp dụng lệnh giới nghiêm và hạn chế di chuyển với người dân nước này, đồng nghĩa với việc công nhân không thể đến các đồn điền thu hoạch. Thậm chí nếu hạt cà phê được thu hoạch, gián đoạn chuỗi sản xuất cũng là thử thách lớn với nhiều nhà sản xuất và phân phối cà phê.
Theo Nielsen, nhu cầu tiêu thụ cà phê gói tăng 73% ở Mỹ trong tháng Ba, tuy nhiên Marex Spectron dự đoán nhu cầu nói chung sẽ giảm do nhiều chuỗi cà phê không thể mở cửa. Robobank ước tính nhu cầu tiêu thụ trong năm 2020 sẽ giảm 0,4%, trong khi năm 2019 chứng kiến nhu cầu tiêu thụ tăng 2,5%. Chuyên gia nhận định thị trường cà phê chỉ có thể phục hồi khi các quán cà phê hoạt động trở lại. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ cà phê tăng cao hiện nay có thể giữ giá thành ở mức bình ổn.