Giá cà phê sẽ biến động thế nào những tháng cuối năm?

05/11/2021 21:22 GMT+7
Thị trường cà phê và giá cà phê từ nay tới cuối năm được nhận định là sẽ biến động vô cùng khó lường...

Giá cà phê liên tục lập "đỉnh"

Quý III/2021, giá cà phê Robusta giao kỳ hạn trên thị trường thế giới liên tục tăng do ảnh hưởng của làn sóng dịch Covid-19 khiến nguồn cung cà phê thiếu hụt từ Việt Nam và một số nước sản xuất lớn khác. Bên cạnh đó, yếu tố thời tiết không thuận lợi tại các vùng trồng cà phê của Brazil đã tác động lên giá cà phê toàn cầu.

Sang tháng 10/2021, giá cà phê thế giới liên tục "lập đỉnh", ghi nhận mức cao kỷ lục vào ngày 27/10/2021, nhưng sau đó có dấu hiệu hạ nhiệt trong hai ngày 28/10 và 29/10/2021. 

Giá cà phê sẽ biến động thế nào những tháng cuối năm? - Ảnh 1.

Nguồn: Sàn giao dịch London

Trên sàn giao dịch London, giá cà phê Robusta giao kỳ hạn tháng 11/2021, tháng 1/2022, tháng 3/2022 và tháng 5/2022 sau khi tăng lên mức cao kỷ lục gần 10 năm, 2.325 USD/tấn, 2.270 USD/tấn, 2.186 USD/tấn và 2.150 USD/tấn vào ngày 27/10/2021, thì đã có dấu hiệu hạ nhiệt xuống còn 2.230 USD/tấn, 2.177 USD/tấn, 2.128 USD/tấn và 2.100 USD/tấn vào ngày 29/10/2021, nhưng so với ngày 30/9/2021 vẫn tăng lần lượt 5,4%, 3,2%, 3,4% và tăng 3,1%.

Giá cà phê sẽ biến động thế nào những tháng cuối năm? - Ảnh 2.

Nguồn: Sàn giao dịch New York

Trên sàn giao dịch New York, giá cà phê Arabica giao kỳ hạn sau khi ghi nhận mức cao kỷ lục vào cuối tháng 7/2021 thì có xu hướng giảm trong các tháng 8 và 9/2021. Sang tháng 10/2021, giá cà phê Arabica tăng so với tháng 9/2021 do yếu tố thời tiết không thuận lợi và dự báo nguồn cung thiếu hụt. Chốt phiên giao dịch ngày 29/10/2021, giá cà phê Arabica giao kỳ hạn tháng 12/2021, tháng 3/2022, tháng 5/2022 và tháng 7/2022 tăng lần lượt 3,4%, 3,3%, 3,1% và 3,1% so với ngày 30/9/2021, lên mức 199,95 Uscent/lb, 202,7 Uscent/ lb, 203,45 Uscent/lb và 204 Uscent/lb.

Trên sàn giao dịch BMF của Brazil, ngày 29/10/2021, giá cà phê giao kỳ hạn tháng 12/2021, tháng 3/2022, tháng 5/2022 và tháng 9/2022 tăng lần lượt 2,7%, 3,8%, 3,5%, 4,5% so với ngày 30/9/2021, lên mức 239,55 Uscent/lb, 246,3 Uscent/lb, 246,15 Uscent/lb và 246,5 Uscent/lb. 

Tại cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh, cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% giao dịch ở mức giá 2.302 USD/tấn, chênh lệch +55 USD/tấn, tăng mạnh 131 USD/tấn (tương đương mức tăng 6,0%) so với ngày 30/9/2021.

Thực tế thì chi phí vận chuyển đắt đỏ, tình trạng khan hiếm container và các hạn chế đến từ các đợt bùng phát dịch Covid-19 đã làm chậm xuất khẩu của 4 nước sản xuất lớn là Brazil, Việt Nam, Colombia và Indonesia, giúp cho giá cà phê kỳ hạn trên cả hai sàn tăng lên mức cao nhất trong vòng nhiều năm.

Kể từ tháng 11 năm ngoái, giá cà phê Arabica đã tăng gấp đôi, còn giá cà phê Robusta cũng tăng cao hơn gần 70%.

Quý III/2021, giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa tăng so với quý II/2021. Xu hướng tăng giá kéo dài sang cả tháng 10 và tháng 11 này. Ngày 29/10/2021, giá cà phê tại thị trường nội địa tăng theo xu hướng trên thị trường thế giới, tăng từ 3,0 – 3,1% so với ngày 30/9/2021, lên mức 40.300 đồng/kg tại tỉnh Lâm Đồng, 41.100 đồng/kg tại các tỉnh Gia Lai và Đắk Nông, 41.200 đồng/kg tại tỉnh Đắk Lắk. Đến ngày 5/11, giá cà phê trong nước đứng ở mức 40.200 – 41.100 đồng/kg. 

Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ làn sóng Coivd-19 lần thứ 4, nhưng trong quý III/2021 trị giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam vẫn tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ năm 2020 nhờ giá xuất khẩu ở mức cao. Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong quý III/2021 đạt 334,3 nghìn tấn, trị giá 669,82 triệu USD, giảm 14,4% về lượng và giảm 9,3% về trị giá so với quý II/2021, nhưng tăng 7,9% về lượng và tăng 18% về trị giá so với quý III/2020.

Giá cà phê sẽ biến động thế nào những tháng cuối năm? - Ảnh 3.

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Theo ước tính, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 10/2021 đạt 90 nghìn tấn, trị giá 193 triệu USD, giảm 10,3% về lượng và giảm 8,1% về trị giá so với tháng 9/2021, so với tháng 10/2020 giảm 2,2% về lượng, nhưng tăng 13,7% về trị giá. Tính chung 10 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cà phê của nước ta ước đạt 1,27 triệu tấn, trị giá 2,42 tỷ USD, giảm 5,1% về lượng, nhưng tăng 4,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 

Giá cà phê sẽ biến động thế nào những tháng cuối năm?

Bộ Công Thương dự báo, xuất khẩu cà phê của Việt Nam thời gian tới sẽ thuận lợi hơn khi Việt Nam đã bước vào vụ thu hoạch mới 2021/2022. Dịch Covid-19 trong nước cơ bản đã được kiểm soát, giúp thuận lợi trong khâu sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ. Giá xuất khẩu cà phê vẫn có xu hướng tăng do lo ngại thiếu hụt nguồn cung và các FTA sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong thời gian tới. 

Dự báo vụ thu hoạch cà phê của Việt Nam vào tháng 11 sắp tới có thể bị giảm 10 - 15% sản lượng do thời tiết thất thường. Cùng với nhu cầu tiêu thụ tăng, tình trạng thiếu container vẫn tiếp diễn sẽ đẩy giá cà phê nội địa và thế giới tăng đỉnh.

Theo Bộ Công Thương, giá cà phê thế giới sẽ tiếp tục ở mức cao do lo ngại nguồn cung thiếu hụt vì tình trạng thiếu container rỗng tiếp diễn và áp thấp nhiệt đới đang gây mưa kéo dài khiến cho việc thu hoạch cà phê vụ mới ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ Việt Nam bị đình trệ.

Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca Cao Việt Nam dự báo vụ thu hoạch cà phê của Việt Nam vào tháng 11 sắp tới có thể bị giảm 10 - 15% sản lượng do thời tiết thất thường.

Trong khi nhu cầu các thị trường chính như Mỹ, EU đang phục hồi nhờ chiến dịch tiêm chủng vaccine và mở cửa kinh tế, sản lượng cà phê giảm là cơ sở để kỳ vọng giá cà phê tiếp tục tăng trong thời gian tới.

"Nếu Covid-19 được kiểm soát tốt, ngành du lịch trỗi dậy sau đại dịch thì xu hướng tăng giá cà phê trên thế giới sẽ ổn định", ông Tự nói.

Được biết, quý III/2021 so với quý II/2021 và so với cùng kỳ năm 2020, trị giá xuất khẩu cà phê của ta sang châu Á giảm, trong khi xuất khẩu sang châu Âu, châu Mỹ, châu Phi tăng trưởng khả quan. Tỷ trọng xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang châu Âu đã tăng từ 42,34% trong quý III/2020 lên 48% trong quý III/2021; châu Mỹ tăng từ 10,7% lên 11,4%; châu Phi tăng mạnh từ 4,34% lên 6,85%. Ngược lại, tỷ trọng xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang châu Á giảm từ 41,06% trong quý III/2020 xuống 32,72% trong quý III/2021.

Giá cà phê sẽ biến động thế nào những tháng cuối năm? - Ảnh 4.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Về chủng loại xuất khẩu quý III/2021 so với quý II/2021, xuất khẩu tất cả các chủng loại cà phê đều giảm, mức giảm thấp nhất 3,3% đối với cà phê Robusta. So với quý III/2020, xuất khẩu cà phê Robusta và Arabica tăng lần lượt 27,9% và 26,6%. Trong 9 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hầu hết các chủng loại cà phê tăng so với cùng kỳ năm 2020, ngoại trừ cà phê Arabica.

Giá cà phê sẽ biến động thế nào những tháng cuối năm? - Ảnh 5.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Thị phần cà phê Việt Nam tại Top 10 thị trường tiêu thụ lớn nhất?

8 tháng đầu năm 2021, nguồn cung cà phê khan hiếm đẩy giá cà phê thế giới tăng cao khiến trị giá nhập khẩu cà phê của 10 thị trường lớn nhất thế giới tăng so với cùng kỳ năm 2020, ngoại trừ Anh. Làn sóng Covid-19 lần thứ 4 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến hầu hết các ngành sản xuất của Việt Nam, trong đó có cà phê. Trong 8 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020, nhiều thị trường nhập khẩu cà phê lớn trên thế giới giảm mạnh nhập khẩu từ Việt Nam, ngoại trừ Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, Thụy Sỹ và Ca-na-đa. Quý IV/2021, Việt Nam bước vào vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2021/2022 cùng với các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, kỳ vọng ngành cà phê sẽ có sự bứt phá mạnh.

Giá cà phê sẽ biến động thế nào những tháng cuối năm? - Ảnh 6.

Nguồn: Trung tâm Thương mại Quốc tế.

Dự báo giá cà phê thế giới sẽ tiếp tục ở mức cao do lo ngại nguồn cung thiếu hụt. Tình trạng thiếu container rỗng tiếp tục diễn ra khiến cho quá trình vận chuyển cà phê gặp khó khăn. Bên cạnh đó, áp thấp nhiệt đới đang gây mưa kéo dài khiến cho việc thu hoạch cà phê vụ mới ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ Việt Nam bị đình trệ. Tuy nhiên, nguồn cung cà phê được bổ sung khi người trồng Bra-xin đẩy mạnh bán hàng do đồng Real nước này giảm. Bên cạnh đó, thị trường toàn cầu cũng đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp khai thông hàng hóa xuất khẩu sau ách tắc. Ngoài ra, nhiều nước sản xuất cà phê trên thế giới bước vào vụ thu hoạch mới, hứa hẹn nguồn cung toàn cầu sẽ dồi dào vào đầu năm mới 2022.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục