Trung Quốc: Không cấm doanh nghiệp niêm yết tại Mỹ

29/07/2021 13:25 GMT+7
Trung Quốc sẽ tiếp tục cho phép các công ty niêm yết tại Mỹ miễn là đáp ứng các yêu cầu mà cơ quan quản lý đưa ra, theo tuyên bố mới đây của Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc.

Một loạt động thái của các cơ quan quản lý Trung Quốc trong những tuần qua đã khiến nhà đầu tư quan ngại rằng Bắc Kinh đang tìm cách hạn chế dòng vốn nước ngoài vào tài sản Trung Quốc.

Trước đó, hôm 6/7, chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng cường giám sát các công ty nội địa niêm yết tại nước ngoài. Thông báo được đưa ra ít ngày sau khi Bắc Kinh mở cuộc điều tra an ninh mạng nhằm vào gã khổng lồ gọi xe Didi Global ngay sau khi Didi có thương vụ niêm yết công khai lần đầu (IPO) trên sàn chứng khoán Mỹ.

Thương vụ IPO tại Mỹ hồi cuối tháng 6 đã mang về cho Didi 4,4 tỷ USD, đồng thời biến nhà đồng sáng lập Didi - ông Cheng Wei thành tỷ phú. Nhưng chỉ sau đó hai ngày, Cục quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) lập tức thông báo cuộc điều tra với Didi, viện dẫn lý do “an ninh quốc gia và lợi ích công cộng”, khiến giá cổ phiếu của công ty này giảm mạnh 5,3%. CAC cũng buộc các cửa hàng ứng dụng smartphone như App Store hay CH Play ngừng cung cấp ứng dụng gọi xe của gã khổng lồ gọi xe Didi Global.

Trung Quốc: Không cấm doanh nghiệp niêm yết tại Mỹ - Ảnh 1.

Didi Global chịu sức ép lớn từ Bắc Kinh sau thương vụ IPO huy động được 4,4 tỷ USD từ thị trường vốn Mỹ (Ảnh: Thestreet)

Bản thân Didi Global hiện vẫn đang chịu sức ép lớn khi có tin tức cho hay Bắc Kinh sẽ xem xét áp đặt mức phạt “chưa từng có tiền lệ” với hãng này; bao gồm phạt hành chính, đình chỉ một số hoạt động hoặc xem xét đưa Didi về tay một nhà đầu tư thuộc sở hữu Nhà nước. Không loại trừ trường hợp Didi buộc phải hủy niêm yết hoặc thu hồi cổ phiếu đã phát hành tại Mỹ. 

Theo nguồn tin của Bloomberg, phía Bắc Kinh cho rằng việc Didi Global quyết định IPO tại Mỹ bất chấp sự phản đối của CAC là một sự thách thức với chính quyền Bắc Kinh. Các quan chức từ CAC, Bộ Công an, Bộ An ninh Nhà nước, Bộ Tài nguyên, Cục Thuế, cơ quan quản lý chống độc quyền cùng nhiều bên liên quan hiện đã bắt đầu cuộc điều tra tại các văn phòng của Didi.

Một loạt các động thái sau đó của Bắc Kinh, chẳng hạn điều chỉnh quy định dạy thêm khiến hàng loạt cổ phiếu giáo dục lao dốc hay cấm Tencent tham gia các thỏa thuận độc quyền bản quyền âm nhạc do quan ngại hành vi cạnh tranh không công bằng đã tạo nên một làn sóng bán tháo khiến các chỉ số chính trên cả thị trường đại lục và Hong Kong chìm trong sắc đỏ.

Ngay sau 2 phiên giao dịch đầu tuần bán tháo mạnh mẽ, hôm 28/7, Phó Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc Fang Xinghai đã tổ chức một cuộc họp trực tuyến với các ngân hàng đầu tư để thảo luận về vấn đề này. Theo ông Fang Xinghai, sự điều chỉnh quy định giáo dục của Bắc Kinh - nghiêm cấm các cơ sở giáo dục cung cấp dịch vụ giảng dạy nội dung trong trường học theo hình thức kiếm lợi nhuận, huy động vốn hoặc cổ phần hóa - thực chất chỉ nhằm giảm gánh nặng học phí cho phụ huynh chứ không nhằm mục đích hạn chế dòng đầu tư nước ngoài như thị trường lo ngại. Và các công ty giáo dục sẽ có nhiều thời gian để tái cấu trúc theo hướng đáp ứng các yêu cầu của Bắc Kinh.

Ông Fang Xinghai cho hay Trung Quốc vẫn sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước niêm yết tại nước ngoài, miễn là tuân thủ đầy đủ yêu cầu của các cơ quan quản lý.


NTTD
Cùng chuyên mục