"Nói FDI chèn ép doanh nghiệp trong nước là không có cơ sở"
Dẫn minh chứng từ hoạt động kinh doanh sản xuất của công ty Samsung Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết, xuất khẩu Samsung hiện nhất cả nước đóng góp lớn vào tăng trưởng, cùng với đó tạo ra 175.000 việc làm với mức lương trung bình 500USD/tháng, họ có một trung tâm R&D lớn tại Hà Nội với 1.650 kỹ thuật viên người Việt.
Hiện cũng có gần 100 doanh nghiệp Việt làm vender (nhà cung ứng) cấp một, 200 doanh nghiệp Việt làm vender cấp hai, cấp ba. Các doanh nghiệp đều đánh giá rất cao việc hợp tác với Samsung trong việc tạo ra mô hình kết nối thành chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước.
Theo đánh giá của Trường đại học Fullbright, FDI là động lực quan trọng, kích hoạt nền kinh tế từ khi đổi mới và đến thời điểm hiện tại vẫn tiếp tục là động lực quan trọng để duy trì tăng trưởng.
“Vậy tại sao nói doanh nghiệp FDI chèn ép doanh nghiệp trong nước, có chăng là chúng ta chưa tận dụng được lợi ích mà các doanh nghiệp FDI mang lại”, GS. Nguyễn Mại nói.
Nói thêm về đóng góp của khối doanh nghiệp FDI, Giáo sư cũng cho biết, các doanh nghiệp FDI đã làm thay đổi nhanh chóng cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, hàng thô hoặc hàng sơ chế từ 30,8% năm 2010 giảm xuống còn 20% năm 2019, trong khi sản phẩm chế tạo tăng từ 65,1% lên 76,2%.
Việt Nam đã trở thành cứ điểm sản xuất một số mặt hàng công nghệ hiện đại như smartphone, máy tính bảng... Các doanh nghiệp FDI thường xuyên xuất siêu, bù đắp vào nhập siêu của doanh nghiệp trong nước.
Bên cạnh đó, FDI tác động tích cực đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại hóa, trên tất cả các lĩnh vực, từ công nghiệp - xây dựng, nông - lâm - ngư nghiệp đến dịch vụ.
Theo GS.TSKH. Nguyễn Mại, các vấn đề lo ngại về mặt trái FDI như công nghệ lạc hậu, độ lan tỏa thấp... đang dần được cải thiện. Điều này càng trở nên rõ ràng khi Bộ Chính trị đã đặt mục tiêu cụ thể tại Nghị quyết 50-NQ/TW về nâng cao hiệu quả FDI. Theo đó, tỉ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng 50% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030 so với năm 2018; tỉ lệ nội địa hoá tăng từ 20 - 25% hiện nay, lên mức 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030.
Tuy vậy, nhìn nhận thực trạng doanh nghiệp FDI thời gian gần đây, Chủ tịch VAFIE cũng đưa ra một số cảnh báo, trong đó đáng chú ý là việc các dự án bị “li ti” hóa, nghĩa là bình quân vốn trên 1 dự án hiện tại ngày càng thấp.
Cùng bày tỏ một số cảnh báo, trước thực trạng về việc tăng mua doanh nghiệp trong nước sau dịch COVID-19, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng lại bày tỏ sự lo ngại về sự biến mất của các thương hiệu nội, điều mà ông cho là “ngoại hóa doanh nghiệp nội”. Điều này được dự báo còn diễn ra mạnh mẽ hơn, nhất là sau khi Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư sửa đổi có hiệu lực.
Dưới góc nhìn của cơ quan Kiểm toán Nhà nước, GS.TS. Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước lại có mối lo khác, đó là về hành vi chuyển giá của doanh nghiệp FDI. Ông cho biết, hiện tượng các doanh nghiệp FDI kê khai, báo lỗ khá phổ biến, chiếm khoảng 50% tổng số doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên cả nước, trong đó có nhiều nguyên nhân, nhưng phải kể đến hành vi “chuyển giá”.
Cụ thể, TP. Hồ Chí Minh có tới gần 60% trong số trên 3.500 doanh nghiệp FDI thường xuyên kê khai lỗ trong nhiều năm. Tỉnh Bình Dương, một trong những tỉnh thu hút được nhiều dự án FDI, cũng có đến 50% doanh nghiệp FDI báo cáo lỗ từ năm 2006 – 2011.
Một điều bất hợp lý là mặc dù thua lỗ liên tục và lỗ lớn nhưng doanh nghiệp FDI vẫn mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. “Các ví dụ điển hình như trường hợp của Cocacola hay Pepsi. Điều đáng nói là trong khi các doanh nghiệp FDI báo lỗ thì hầu hết các doanh nghiệp trong nước cùng ngành nghề đều có lãi”, Phó Tổng Kiếm toán nhà nước nói.
Bài toán trở nên phức tạp hơn, khi hành vi chuyển giá được các chuyên gia nhận định chỉ xuất hiện ở các tập đoàn đa quốc gia (TNCs) – đối tượng mà Việt Nam đang tập trung thu hút đầu tư.
Giải thích về vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa, Trường đại học Kinh tế quốc dân cho biết, trong các doanh nghiệp có vốn FDI, hành vi chuyển giá thường xuất hiện ở các TNCs chứ không có ở doanh nghiệp đầu tư nước ngoài theo hình thức nhà đầu tư đơn lẻ vì nhà đầu tư nước ngoài đơn lẻ không có mua bán nội bộ nên không có chuyển giá, doanh nghiệp FDI của TNCs thường có mua bán nội bộ nên hoạt động chuyển giá dễ phát sinh nhằm giảm thuế phải nộp, hay nhằm xâm nhập và thâu tóm thị trường.
Trước tình trạng này, PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa kiến nghị tăng cường trách nhiệm của kiểm toán độc lập trong kiểm toán Báo cáo tài chính của doanh nghiệp FDI. Kiểm toán hoạt động có dấu hiệu chuyển giá cần được thực hiện theo cả hai cách là kiểm toán riêng trong một cuộc kiểm toán hoặc kiểm toán kết hợp trong khi kiểm toán BCTC. Kiểm toán hoạt động chuyển giá cũng cần được thực hiện tổng hợp trên tất cả các phương diện: khả năng chuyển giá ở giao dịch về hàng hoá cũng như giao dịch về dịch vụ, chuyển giá cả yếu tố đầu vào cũng như kết quả đầu ra của đơn vị…
Trong đó, PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa nhấn mạnh cần công khai kết quả kiểm toán hoạt động chuyển giá đối với những hành vi chuyển giá nghiêm trọng. Việc công khai kết quả kiểm toán các hành vi chuyển giá nghiêm trọng sẽ tạo áp lực xã hội như tẩy chay sản phẩm, dịch vụ các doanh nghiệp thực hiện hành vi chuyển giá.
“Theo kinh nghiệm của Anh, với nghi án hãng cà phê nổi tiếng của Mỹ Starbuck kinh doanh ở Anh và thực hiện chuyển giá, khai báo lỗ trong suốt 13 năm và trốn thuế, người tiêu dùng Anh đã tẩy chay hàng loạt cửa hàng cà phê Starbuck ở Anh, dẫn đến kết cục giám đốc điều hành của Starbuck tại Anh đã phải tuyên bố xem xét lại việc nộp thuế 5-6 triệu bảng Anh năm 2012”, PGS Nguyễn Thị Phương Hoa nói.