Nóng: “Mệnh lệnh” mới về sửa, hủy lệnh của Tổng Giám đốc HoSE Lê Hải Trà

10/06/2021 18:34 GMT+7
Các Công ty chứng khoán quản lý việc sửa, hủy lệnh giao dịch trong các khung giờ từ 9h15 đến 9h25; từ 11h15 đến 13h10 và từ 14h20 đến 14h30 các ngày giao dịch để tránh gây áp lực quá tải xử lý đối với hệ thống giao dịch.

Tổng Giám đốc Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh (HoSE), ông Lê Hải Trà vừa ký văn bản số 758/SGDHCM-TV gửi tất cả các công ty chứng khoán thành viên về việc kiểm soát lỗi 2G và quản lý việc sửa, hủy lệnh.

Theo văn bản này, được sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, để đảm bảo an toàn cho hệ thống giao dịch, HoSE nếu ra 2 vấn đề lưu ý đối với các công ty chứng khoán thành viên.

Thứ nhất, các công ty chứng khoán kiểm soát lỗi 2G, tránh gây ảnh hưởng đến an toàn hệ thống chung của hệ thống giao dịch của HoSE.

Thứ 2, các công ty chứng khoán quản lý việc sửa, hủy lệnh giao dịch trong các khung giờ sau để tránh gây áp lực quá tải xử lý đối với hệ thống giao dịch: từ 09h15 đến 09h25, từ 11h15 đến 13h10 và từ 14h20 đến 14h30 các ngày giao dịch.

Nóng: “Mệnh lệnh” mới về sửa, hủy lệnh của Tổng Giám đốc HoSE Lê Hải Trà - Ảnh 1.

Tổng Giám đốc Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh (HoSE), ông Lê Hải Trà vừa ký văn bản số 758/SGDHCM-TV gửi tất cả các công ty chứng khoán thành viên về việc kiểm soát lỗi 2G và quản lý việc sửa, hủy lệnh. (Ảnh ST)

Trước đó, trong phiên giao dịch 1/6, HoSE đã phải tạm ngưng giao dịch để đảm bảo an toàn hệ thống khi số lệnh vào thị trường tăng đột biến.

Sau phiên giao dịch này, hàng loạt CTCK đã thông báo tới khách hàng nên hạn chế hủy/sửa lệnh và thậm chí đã phải tạm dừng tính năng này trên sàn HoSE.

Biện pháp trên của các CTCK đã giúp thanh khoản HoSE tiếp tục tăng cao, lên tới 30.000 tỷ đồng, cao hơn đáng kể so với giai đoạn trước đây. Mức thanh khoản của HoSE đã vươn lên vị trí thứ 2 trong Đông Nam Á dù quy mô thị trường của Việt Nam vẫn còn khá nhỏ.

Mặc dù những biện pháp hạn chế hủy/sửa lệnh giúp thanh khoản thị trường được cải thiện nhưng lại khiến nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn trong quá trình đặt lệnh và thường xuyên phải dùng lệnh MP (lệnh thị trường) để tăng khả năng khớp lệnh. Trong 2 phiên giao dịch 7/6 và 8/6, nhà đầu tư đã đẩy mạnh bán MP khiến thị trường giảm sâu và VN-Index đã mất tổng cộng hơn 54 điểm.

Liên quan đến tình trạng nói trên, lãnh đạo HoSE lý giải, hệ thống quá tải là điều không mong muốn. Ưu tiên cao nhất hiện nay là cố gắng cao nhất để hệ thống hiện tại được an toàn.

Trong cuộc trao đổi với báo chí về tình trạng nghẽn lệnh của sàn HoSE, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước, cũng khẳng định: Hệ thống giao dịch trên HoSE đã xảy ra từ cuối năm 2020 và đến nay vẫn là một vấn đề quan trọng được toàn ngành đặc biệt quan tâm.

HoSE và các đơn vị liên quan cũng đã tích cực triển khai đồng thời hệ thống giao dịch phối hợp với FPT và hệ thống công nghệ thông tin cho toàn thị trường KRX.

Tất cả công tác vẫn tiến hành khẩn trương, đảm bảo đúng tiến độ, lộ trình. Hệ thống phối hợp FPT đã vào giai đoạn kiểm thử diện rộng sẽ xử lý vấn đề nghẽn lệnh.

Trong phiên giao dịch 9/6, một số Công ty chứng khoán đã kích hoạt lại tính năng hủy, sửa lệnh trên HoSE. Ngoài ra, một số Công ty chứng khoán không cho nhà đầu tư trực tiếp hủy, sửa lệnh nhưng môi giới có thể thao tác theo yêu cầu của khách hàng.

H.Anh
Cùng chuyên mục