Nữ hoàng bảo hiểm Shark Liên và các thương vụ ít biết
Nữ hoàng bảo hiểm
Dư luận những ngày qua đặc biệt quan tâm đến thông tin Tập đoàn AquaOne do bà Đỗ Thị Kim Liên (hay còn gọi là Shark Liên) làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, khánh thành nhà máy nước mặt sông Đuống.
Đáng chú ý, Shark Liên bên cạnh việc đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Công ty CP nước mặt Sông Đuống, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn AquaOne, bà còn là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nước Xuân Mai - Hòa Bình, Chủ tịch Quỹ Môi trường xanh Việt Nam (Green Vietnam Fund), và đặc biệt là nhà sáng lập ứng dụng Bảo hiểm Lian.
Bà Đỗ Thị Kim Liên được mệnh danh là "nữ hoàng bảo hiểm". Bà Liên bắt đầu làm việc trong ngành bảo hiểm tại Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Minh năm 1996. Sau 8 năm gắn bó, bà quyết định chia tay Bảo Minh và thành lập công ty bảo hiểm AAA vào năm 2005.
AAA dưới sự dẫn dắt của bà Liên, từ một văn phòng 12m2 với 9 nhân sự, doanh thu năm 2005 chỉ 5 tỷ đồng, đã tăng lên 218 tỷ đồng vào năm 2008, và năm 2011 là 400 tỷ đồng.
Sự kiện nổi bật của AAA chính là vào năm 2009, khi cả nước phải chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn quốc, bà Liên vẫn chèo lái tốt doanh nghiệp của mình thu về 320 tỷ doanh số và được bình chọn là 1 trong 50 thương hiệu nổi tiếng nhất Việt Nam.
Thế nhưng đến năm 2013, khi đang ở giai đoạn đỉnh cao, bà Đỗ Thị Kim Liên bất ngờ tuyên bố chính thức rút toàn bộ vốn khỏi doanh nghiệp bảo hiểm này dưới hình thức chuyển nhượng cổ phần cho Tập đoàn Insurance Australian Group (IAG) của Australia.
Lý giải cho việc rút toàn bộ vốn khỏi Bảo hiểm AAA, bà Đỗ Thị Kim Liên cho rằng việc rút vốn nằm trong chiến lược đầu tư tài chính mới trong năm 2013.
Sau đó, bà Liên lập Công ty AAA Plus chuyên tư vấn tài chính, M&A, quản lý tài sản và môi giới kinh doanh, đầu tư.
Sau 5 năm rời xa ngành bảo hiểm, đến 2018 bà Liên quay lại thị trường cũng bất ngờ như cách bà rời đi trước đó. Nhà sáng lập thương hiệu AAA một thời chính thức "tái xuất" thị trường bảo hiểm phi nhân thọ bằng việc ra mắt ứng dụng bán bảo hiểm có tên LIAN vào tháng 10 năm ngoái.
Bà Liên gọi tên sản phẩm Lian là "ứng dụng bảo hiểm 4.0". Bởi này dụng này được thiết kế tương thích trên nền tảng hệ điều hành Android và IOS. Người sử dụng dễ dàng tải về, cài đặt và sử dụng ứng dụng có sẵn trên Google Play và App Store… và kết nối với cổng thanh toán Napas.
Lian được giới thiệu với 9 sản phẩm bảo hiểm, gồm: Bảo hiểm trọn gói hộ gia đình; bảo hiểm chăm sóc phái đẹp; bảo hiểm an tâm nghệ sĩ; bảo hiểm an tâm giáo viên; bảo hiểm cháy nổ nhà, chung cư; bảo hiểm du lịch trong nước; bảo hiểm tai nạn cá nhân; bảo hiểm tổn thất toàn bộ mô tô, xe máy; bảo hiểm an tâm lái xe.
Trong lần trở lại với thị trường bảo hiểm, bà Liên tung chiêu thiệt hại dưới 50% thì bồi thường 50%, trên 50% thì chi trả 100%. Bà Liên cam kết "trả bồi thường trong 30 giây" kể từ khi nhận đủ hồ sơ và tất cả chỉ cần thực hiện qua ứng dụng.
Đến cuối tháng 12/2018, ông Bùi Tuấn Vũ, Giám đốc kinh doanh dự án Lian cho biết, sau hơn một tháng ra mắt, ứng dụng ghi nhận gần 230.000 người dùng và hơn 15.000 hợp đồng bảo hiểm được bán. Trong đó, một trường hợp bảo hiểm bồi thường nhanh chỉ mất 30 giây qua ứng dụng.
Thương vụ ít biết của Shark Liên tại Bảo hiểm Viễn Đông
Gọi là ít biết vì các thương vụ chuyển nhượng cổ phần số lượng lớn dự kiến giữa các cổ đông "nội bộ" tại Bảo hiểm Viễn Đông trong năm 2019 sẽ không cần thực hiện chào mua công khai. Trong khi đó, việc phát hành thêm cổ phần để tăng vốn của Bảo hiểm Viễn Đông cho các nhà đầu tư - bao gồm bà Đỗ Thị Kim Liên - cũng ít được đề cập.
CTCP Bảo hiểm Viễn Đông (viết tắt: VASS) được thành lập từ tháng 11/2003 với quy mô vốn điều lệ 72 tỷ đồng. Trong giai đoạn 7 năm sau đó, song song với việc mở rộng mạng lưới, công ty nhiều lần thực hiện tăng vốn và đạt quy mô vốn điều lệ ở mức 400 tỷ đồng vào tháng 11/2010.
Năm 2012, VASS được cho phép nhà đầu tư tư nhân góp vốn thêm 260 tỷ đồng, nhằm tái cấu trúc hoạt động của công ty. Nhà đầu tư đó chính là CTCP Thủ Phủ Tre (nay đổi tên thành CTCP Bamboo Capital - Mã CK: BCG).
Đáng chú ý, việc đầu tư của BCG tại VASS được thực hiện theo hợp đồng hợp tác đầu tư giữa công ty và bà Đỗ Thị Minh Đức. Theo đó, BCG sẽ làm trung gian đầu tư, nắm giữ cổ phần VASS theo yêu cầu của bà Đỗ Thị Minh Đức và sẽ chuyển nhượng lại cổ phần cho cá nhân này sau thời gian ủy thác.
Thông qua một số hoạt động phát hành riêng lẻ cho các cổ đông cá nhân khác, tới năm 2017, quy mô vốn của VASS đã đạt mức 500 tỷ đồng. Dù vậy, BCG vẫn nắm giữ cổ phần chi phối tại VASS. Đây cũng là năm đầu tiên sau một thời gian dài thực hiện tái cơ cấu, VASS mới bắt đầu ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc và được duy trì tới nửa đầu năm 2019.
Sau khi thông qua BCG để nắm giữ cổ phần chi phối tại VASS, tới ngày 30/6/2014, bà Đỗ Thị Minh Đức đã trở thành Chủ tịch HĐQT của công ty này. Được biết, bà Đỗ Thị Minh Đức là em gái của bà Đỗ Thị Kim Liên. Ngoài ra, người em gái của "Shark" Liên cũng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong các công ty liên quan đến "hệ sinh thái" của Tập đoàn Aqua One.
Mặt khác, một số lãnh đạo cấp cao khác tại VASS cũng từng là nhân sự cấp cao tại CTCP Bảo hiểm AAA do Shark Liên sáng lập.
Trong đó, có bà Trương Ngô Sen - Phó Chủ tịch VASS - từng là Giám đốc pháp chế của công ty Bảo hiểm AAA. Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc VASS là ông Đặng Điệp Đại Khoa cũng từng đảm nhiệm vai trò Giám đốc phòng xe cơ giới, Giám đốc phát triển sản phẩm và định phí của Bảo hiểm AAA.
Mối liên hệ giữa VASS và "Shark" Liên còn thể hiện qua một số giao dịch tài chính.
Cụ thể, VASS đã ký hợp đồng với CTCP Nước Aqua One, cung cấp khoản vay có hạn mức không quá 50 tỷ đồng cho công ty này tại mọi thời điểm trong năm nhằm phục vụ sản xuất kinh doanh. Mức lãi suất ở mức khá "ưu đãi" là 6%/năm, thậm chí còn thấp hơn so với mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại. Tính tới cuối Quý 2/2019, VASS đã cho CTCP Nước Aqua One vay 32,1 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, trong nửa đầu năm 2019, VASS đã chi 380 tỷ đồng cho "Shark" Liên để mua lại căn nhà (5 tầng và 2 tầng hầm) do bà sở hữu, tại số 19 Phùng Khắc Khoan, Phường Đa Kao, Quận 1, TP. HCM (có diện tích 291,68 m2). Mục đích để làm trụ sở chính của VASS.
VASS còn thực hiện đầu tư vào CTCP Đầu tư Xây dựng Toàn Mỹ 14 (Toàn Mỹ 14) - đơn thị tham gia liên danh với Công ty TNHH Đầu tư xây dựng thương mại Băng Dương làm chủ đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14) đoạn Km 1793+600 đến Km 1824+00 (dự án BOT Quốc lộ 14) - thông qua việc mua lại một phần cổ phiếu của chính Chủ tịch Đỗ Thị Minh Đức tại Toàn Mỹ 14.
Đáng chú ý, khoản đầu tư được thực hiện ngay sau khi BCG thực hiện góp vốn thêm 260 tỷ đồng vào VASS theo hợp đồng hợp tác đầu tư đã ký kết với bà Đỗ Thị Minh Đức. Do đó, bản chất của giao dịch này là đáng lưu tâm.
Xác định khoản đầu tư chưa phù hợp với quy định, Bộ Tài chính yêu cầu VASS thu hồi trong các biên bản thanh kiểm tra. Tới ngày 30/6/2019, khoản đầu tư của VASS vào Toàn Mỹ 14 chỉ còn ghi nhận số dư 90 tỷ đồng.
Ngoài ra, VASS và "Shark" Liên hiện đang cùng tham gia góp vốn, là cổ đông sáng lập của CTCP Dịch vụ và Đầu tư Lian (Lian IAS).
Tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2019 của VASS, các cổ đông tham dự đã biểu quyết thông qua 4 giao dịch thỏa thuận của cổ đông lớn hoặc cổ đông nội bộ mà không phải thực hiện chào mua công khai.
Trong đó, có 2 giao dịch thỏa thuận giữa BCG và Công ty TNHH Đầu tư AAA Plus (hiện do bà Đỗ Thị Kim Liên làm người đại diện pháp luật) với tổng số lược cổ phiếu giao dịch là 14 triệu cổ phiếu (tương đương 28% vốn điều lệ của VASS). Bên mua là AAA Plus sẽ không phải thực hiện chào mua công khai.
Hai giao dịch còn lại là việc chuyển nhượng giữa bên bán là ông Tạ Bình Nguyên và bà Trương Ngô Sen, với tổng khối lượng cổ phiếu giao dịch là 9 triệu cổ phiếu (tương đương 18% vốn điều lệ của VASS), cho CTCP Đầu tư Một Trăm (hiện do bà Đỗ Thị Minh Đức làm người đại diện pháp luật).
Các giao dịch trên dự tính sẽ được thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 8/2019. Tuy nhiên, tính đến nay vẫn chưa có những động thái cụ thể cho thấy các giao dịch kể trên đã được thực hiện.
Ngoài ra, cũng tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019, các cổ đông đã thông qua việc phát hành thêm 20 triệu cổ phiếu riêng lẻ, tương đương với 200 tỷ đồng theo mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, để nâng vốn của VASS lên mức 700 tỷ đồng.
Trong số 5 nhà đầu tư được dự kiến chào bán trong danh sách, "Shark" Liên là nhà đầu tư sẽ được phân phối nhiều nhất, tới 6,3 triệu cổ phần của VASS.