VASS có mua đắt bất động sản 19 Phùng Khắc Khoan của “shark” Liên?
Trong nửa đầu năm 2019, CTCP Bảo hiểm Viễn Đông (VASS) đã hoàn tất xong thủ tục mua khu đất rộng 291,68 m2 cùng công trình xây dựng (tòa nhà 5 tầng, 2 tầng hầm với diện tích sàn 1.583.58 m2) tại số 19 Phùng Khắc Khoan (Phường Đa Kao, Quận 1, TP. HCM) từ nữ doanh nhân Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên).
Thương vụ này đã được Hội đồng quản trị (HĐQT) VASS thông qua từ tháng 12/2017, nhưng như đã thấy, nó cũng phải mất hơn 1 năm mới hoàn thành. Trong năm 2018, VASS đã trả trước cho bà Đỗ Thị Kim Liên số tiền 380 tỷ đồng để mua lại khu đất trên theo hợp đồng đặt cọc hứa giao kết mua bán giữa 2 bên.
Tạm tính, khu đất (kèm theo công trình nhà) mà bà Liên đã bán cho VASS để làm trụ sở chính có giá khoảng hơn 1.302 triệu đồng/m2 (1,3 tỷ đồng/m2).
Dù sở hữu vị trí khá đắc địa với 2 mặt tiền (phố Phùng Khắc Khoan và phố Trần Cao Vân) và đã có một công trình xây sẵn khá khang trang, nhưng mức giá lên đến hơn 1,3 tỷ đồng mà VASS đã trả cho mỗi m2 đất tại số 19 Phùng Khắc Khoan của bà Đỗ Thị Kim Liên lại được cho là... đắt.
Khảo sát nhanh tại các sàn giao dịch nhà đất và các trang mua bán bất động sản, giá nhà đất mặt tiền trên tuyến đường Phùng Khắc Khoan, Trần Cao Vân cũng chủ yếu được rao bán trong vùng giá 300 - 400 triệu đồng/m2, tùy diện tích, vị trí và công trình xây dựng đi kèm.
Trước tham khảo của VietTimes, một chủ đầu tư địa ốc hàng đầu tại Tp. HCM cho biết giá bất động sản số 19 Phùng Khắc Khoan cao lắm cũng chỉ có thể tới 500 triệu đồng/m2 đất. "Còn cao hơn mua làm gì!", vị này gửi lời khuyên.
Như để thuyết phục hơn ông dẫn chứng vừa chuyển nhượng một khu đất có diện tích lên đến 1.000 m2 ở gần đó, và ngay mặt đường Trần Cao Vân với giá chỉ 400 triệu đồng/m2; "Mà rao bán cả năm mới có người mua".
Song cũng cần phải nhấn mạnh rằng, các dữ liệu vừa nêu chỉ có ý nghĩa tham khảo, Giá bán mua suy cho cùng được quyết định bởi người mua và người bán, tùy thuộc vào tính toán và cả cảm xúc, tình cảm và khẩu vị của hai bên.
Ở thương vụ 19 Phùng Khắc Khoan giữa bà Đỗ Thị Kim Liên và VASS, có một điểm nên lưu ý, là hai bên bán - mua này có quan hệ khá đặc biệt. Cổ đông gián tiếp chi phối VASS (bên mua) - bà Đỗ Thị Minh Đức - chính là em gái của bà Đỗ Thị Kim Liên (bên bán). Chưa kể mối liên hệ và hàng loạt giao dịch thân khác giữa chính VASS và bà Liên.
Theo tìm hiểu của VietTimes, bất động sản số 19 Phùng Khắc Khoan được bà Đỗ Thị Kim Liên mua lại từ một cá nhân (ông Mai Phúc) vào đầu thập niên này. Bên cạnh đó, theo dữ liệu thu thập được, cuối năm 2018 vừa rồi, bà Đỗ Thị Kim Liên cũng mới mua xong một bất động sản ở mặt Nguyễn Văn Thủ (Phường Đa Kao, Quận 1, Tp. HCM), cách đó không xa.
Thực lực của VASS
Dù chấp nhận bỏ giá cao để nhận chuyển nhượng bất động sản số 19 Phùng Khắc Khoan, song VASS không phải là một “đại gia” trong lĩnh vực địa ốc mà là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm.
Mặt khác, công ty này chỉ mới bắt đầu làm ăn có lãi trở lại sau khoảng thời gian dài gặp khó khăn về tài chính, phải bán đi những khối tài sản lớn nhất là bất động sản để cứu vãn tình hình.
Năm 2012, VASS đã được Bộ Tài chính chấp thuận phương án tái cấu trúc, cho phép công ty này được giảm vốn để xóa lỗ.
Sự kiện mang tính bước ngoặt, đánh dấu sự chuyển mình về “chất” của VASS phải kể đến khoản đầu tư 260 tỷ đồng của bà Đỗ Thị Minh Đức, thông qua CTCP Bamboo Capital (Mã CK: BCG), để giúp công ty nâng vốn điều lệ lên mức 300 tỷ đồng. Sau đó, vào năm 2014, bà Đỗ Thị Minh Đức trở thành Chủ tịch HĐQT của VASS. Công ty cũng thực hiện thêm những đợt tăng vốn để nâng quy mô vốn điều lệ lên mức 500 tỷ đồng.
Mặc dù có sự tham gia của nguồn vốn tư nhân, quá trình tái cơ cấu của VASS mất nhiều năm mới bắt đầu cho thấy hiệu quả. Năm 2017, VASS ghi nhận doanh thu đạt 2.951 tỷ đồng, lần đầu tiên báo lãi sau nhiều năm với lợi nhuận sau thuế đạt 249,2 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh tích cực duy trì cho tới nửa đầu năm 2019 với mức lợi nhuận sau thuế đạt 54,42 tỷ đồng.
Những kết quả kinh doanh này chỉ làm vơi bớt đi con số lũy kế của VASS, tính đến ngày 30/6/2019 vẫn lên tới 433,3 tỷ đồng (sau khi đã gộp cả lợi nhuận sau thuế Quý 2/2019) trong khi nguồn vốn đầu tư của chủ sở hữu chỉ cao hơn không nhiều, ở mức 500 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/6/2019, BCG (hay thực chất bà Đỗ Thị Minh Đức) vẫn nắm cổ phần chi phối tại VASS với tỷ lệ sở hữu 52%. Bên cạnh đó, còn một số cá nhân khác cũng sở hữu lượng lớn của phần của VASS như: Đỗ Minh Sơn, Tạ Bình Nguyên, Trương Ngô Sen, Vũ Thanh Nga, Hoàng Văn Thao, Đỗ Thị Kiều Trang.
Bà Đỗ Thị Minh Đức (sinh năm 1974), như đã đề cập, chính là người em gái của bà Đỗ Thị Kim Liên (sinh năm 1968) - Chủ tịch Tập đoàn Aqua One. Còn bà Trương Ngô Sen - cổ đông đang nắm giữ 9% vốn và đảm nhiệm chức Phó Chủ tịch HĐQT VASS - từng được biết đến là một trong những nhân sự cao cấp của CTCP Bảo hiểm AAA do bà Liên sáng lập năm 2005.
Chưa rõ liệu những mối liên hệ gần gũi giữa VASS và bà Đỗ Thị Kim Liên có ảnh hưởng tới quyết định mua khu nhà số 19 Phùng Khắc Khoan (với giá cao gấp nhiều lần giá thị trường) của HĐQT VASS trong khi công ty vẫn còn không ít khó khăn hay không (?!).
VASS còn có nhiều khoản đầu tư, rót vốn vào những công ty liên quan tới bà Đỗ Thị Kim Liên và người em gái Đỗ Thị Minh Đức.
Trong số đó, có thể kể tới việc VASS đã mua lại cổ phiếu từ chính bà Đỗ Thị Minh Đức tại CTCP Đầu tư và Xây dựng Toàn Mỹ 14 (Toàn Mỹ 14) - đơn thị tham gia liên danh làm chủ đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14) đoạn Km 1793+600 đến Km 1824+00 (dự án BOT Quốc lộ 14) - không lâu sau khi nữ nhà đầu tư này rót vốn vào VASS thông qua BCG. Tập đoàn Aqua One của bà Đỗ Thị Kim Liên cũng nhiều lần được nhắc tới với khoản đầu tư vào dự án BOT Quốc lộ 14.
Được biết, hoạt động đầu tư này đã bị Bộ Tài chính “tuýt còi” và yêu cầu VASS thu hồi trong các biên bản điều tra. Cho tới ngày 30/6/2019, khoản đầu tư của VASS vào Toàn Mỹ 14 chỉ còn ghi nhận số dư 90 tỷ đồng.
VASS còn cung cấp khoản vay có hạn mức không quá 50 tỷ đồng cho CTCP Nước Aqua One (hiện do bà Đỗ Thị Kim Liên làm người đại diện theo pháp luật và cũng đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại số 19 Phùng Khắc Khoan) nhằm phục vụ sản xuất kinh doanh, với mức lãi suất chỉ 6%/năm. Tính tới cuối Quý 2/2019, VASS đã cho CTCP Nước Aqua One vay 32,1 tỷ đồng.
Ngoài ra, VASS và bà Đỗ Thị Kim Liên đang cùng đầu tư vào CTCP Dịch vụ và Đầu tư Lian (Lian IAS). Trong đó, VASS cam kết sẽ đầu tư 30 tỷ đồng để nắm giữ 90% cổ phần tại Lian IAS.
Có thể thấy, VASS đang tỏ ra là một mảnh ghép nhiều hữu dụng cho “hệ sinh thái” của nữ doanh nhân Đỗ Thị Kim Liên - người thường biết đến với vai trò là “Shark Tank” trong một chương trình truyền hình tại Việt Nam.
Nếu nhìn lại trào lưu thành lập các ngân hàng từ nhiều năm trước, có thể thấy việc sở hữu một tổ chức tài chính (ngân hàng, bảo hiểm) sẽ đem lại những lợi ích rất lớn cho những “ông chủ” đứng sau. Các tổ chức tài chính này vừa đóng vai trò huy động vốn, vừa là kênh dẫn, điều chuyển vốn cho "hệ sinh thái" của những "ông chủ" thực sự.
Tuy nhiên, có không ít trường hợp các ngân hàng bị rút ruột, bơm vốn vào các công ty “sân sau” để rồi sau đó lâm vào tình trạng hoạt động yếu kém, tiềm ẩn rủi ro cho cả hệ thống ngân hàng.
Quay trở lại với VASS, trong một diễn biến đáng chú ý, các cổ đông tham gia phiên họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2019 đã thông qua việc phát hành thêm cho 5 nhà đầu tư cá nhân để nâng vốn điều lệ của công ty lên mức 700 tỷ đồng. Trong số các nhà đầu tư này, bà Đỗ Thị Kim Liên sẽ được chào bán số cổ phần nhiều hơn cả, với 6,3 triệu cổ phiếu.
Bên cạnh đó, ĐHĐCĐ của VASS cũng thông qua 4 giao dịch thỏa thuận giữa các cổ đông nội bộ với những công ty có nhiều liên hệ với bà Đỗ Thị Kim Liên là Công ty TNHH Đầu tư AAA Plus và CTCP Đầu tư Một trăm.