Chân dung bà chủ Nhà máy nước mặt sông Đuống

19/10/2019 11:45 GMT+7
Trước những bê bối về nước sạch sông Đà bị nhiễm dầu thải của Viwasupco mấy ngày qua, người Hà Nội bắt đầu chuyển sự quan tâm sang nước sạch của Nhà máy nước mặt sông Đuống. Theo tìm hiểu của PV, nhà máy nước lớn nhất Hà Nội này là của AquaOne do Shark Liên làm chủ tịch HĐQT.

Dự án nước nghìn tỉ

Trước khi sự cố nước sạch Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) bị nhiễm dầu thải xảy ra, ngày 5/9 vừa qua, Tập đoàn AquaOne khánh thành Nhà máy nước mặt sông Đuống. Đây là dự án cung cấp nước sạch sinh hoạt có quy mô lớn nhất miền Bắc (300.000 m3 ngày/đêm) phân kỳ 2 của giai đoạn 1.

Điểm đáng chú ý là dù được biết đến không nhiều, gần như kín tiếng, song Tập đoàn AquaOne đã và đang đầu tư nhiều dự án lớn với tổng rót vốn "khủng", như: BOT Quốc lộ 14, BOT Quốc lộ 2222B (hơn 4.000 tỷ đồng), nhà máy nước mặt Sông Hậu (2.000 tỷ đồng), nhà máy nước mặt Xuân Mai - Hòa Bình (mỗi dự án có vốn đầu tư lên tới 5.000 tỷ đồng).

Tiết lộ các dự án nghìn tỉ của nữ đại gia sở hữu nhà máy nước lớn nhất Hà Nội - Ảnh 1.

Nhà máy mặt nước sông Đuống

Tập đoàn AquaOne được điều hành bởi bà Đỗ Thị Kim Liên, Chủ tịch Hội đồng quản trị (SN 1968, quê ở Vĩnh Phúc), hay còn gọi là Shark Liên.

Tập đoàn AquaOne của Shark Liên đồng thời là cổ đông chiến lược tại nhiều Công ty cấp thoát nước tại các tỉnh thành trên toàn quốc. Tập đoàn này đặt mục tiêu trở thành và không ngừng cải tiến để đi tiên phong trong lĩnh vực công nghệ môi trường tại Việt Nam.

Dự án Nhà máy Nước mặt Sông Đuống được đầu tư xây dựng theo quy hoạch cấp nước Thủ Đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự án được phê duyệt đầu tư theo quyết định 499/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 21/03/2013 và quyết định chủ trương đầu tư 2869/QĐ-UBND của Ủy Ban Nhân dân thành phố Hà Nội ngày 03/6/2016.

Nhà máy nước mặt sông Đuống là nhà máy nước sạch sinh hoạt quy mô cấp vùng, tổng diện tích 65ha với mức đầu tư giai đoạn 1 gần 5.000 tỷ đồng, với công suất 300.000 m3/ngày đêm. Tiếp nối giai đoạn này, dự án sẽ phát triển và mở rộng liên tục đến năm 2023 đạt 600.000 m3/ ngày đêm, đến năm 2030 đạt 900.000 m3/ ngày đêm, và sau năm 2030 đạt 1,2 triệu m3/ngày đêm.

Với công suất này, nhà máy đảm bảo cung cấp nước sạch cho khoảng 3 triệu người – chiếm 1/3 dân số Hà Nội và một số địa phương phụ cận như Bắc Ninh, Hưng Yên và dần thay thế nguồn nước ngầm đã và đang có nguy cơ ô nhiễm cao.

Trên thực tế, từ khi đưa vào vận hành phân kỳ 1, Nhà máy Nước mặt Sông Đuống của Shark Liên đã cung cấp nước sạch sinh hoạt bổ sung cho hàng triệu người dân tại các khu vực huyện Gia Lâm, Đông Anh, quận Long Biên, quận Hoàn Kiếm và khu vực phía Nam TP bao gồm: quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, huyện Thanh Trì.

Tiết lộ các dự án nghìn tỉ của nữ đại gia sở hữu nhà máy nước lớn nhất Hà Nội - Ảnh 2.

Ít ai biết trước khi trở thành nữ doanh nhân thành đạt, Shark Liên từng là một nhà giáo.

Đặc biệt, nước sạch sinh hoạt đã tới được các khu vực khó khăn cuối nguồn nước như Xa La tại quận Hà Đông, một số xã của huyện Thanh Trì dọc trên đường Quốc lộ 70 thông qua các Công ty cấp nước phân phối trên địa bàn Hà Nội như Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Nội, Công ty CP Nước sạch số 2 Hà Nội, Công ty CP VIWACO, Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông… Trong đó, có những điểm thay thế chủ lực việc sử dụng nguồn nước ngầm ô nhiễm nặng như hệ thống giếng ngầm của các nhà máy nước phía Nam tại nút Pháp Vân.

Nhà máy cũng cấp nước sạch cho một số vùng trước đây chưa có mạng lưới nước sạch phải sử dụng nước tự khoan như địa bàn các xã Trung Màu, Văn Đức huyện Gia Lâm, và đang tiếp tục lắp đặt mạng phân phối cho các xã Dục Tú, Mai Lâm huyện Đông Anh. Phạm vi này đã và đang tiếp tục được mở rộng thêm.

"Tái xuất'' với thị trường bảo hiểm

Trước thông tin trên, dư luận không khỏi tò mò, ngoài kinh doanh nước sông Đuống, "cá mập" Shark Liên đổ tiền vào những "món hời" nào?

Được biết, trước khi dấn thân vào kinh doanh, bà Đỗ Thị Kim Liên đã từng có thời gian gắn bó với nghề giáo. Bà sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm giáo dục, theo sự hướng nghiệp của gia đình. Bà Liên thi và học Khoa Ngữ văn của Trường đại học Sư phạm Hà Nội II. Ra trường, bà có 3 năm đứng lớp trước khi quyết định từ bỏ để chuyển vào Nam lập nghiệp.

Đến năm 2005, Shark Liên lập ra Công ty Bảo hiểm AAA. Năm 2012, bà bất ngờ bán lại toàn bộ cổ phần tại Bảo hiểm AAA cho Tập đoàn IAG (Australia).

Cuối năm 2013, Shark Liên thành lập Công ty AAA Plus chuyên tư vấn tài chính, M&A, quản lý tài sản và môi giới kinh doanh, đầu tư.

Cuối tháng 10/2018, sau 5 năm rời xa ngành bảo hiểm, nhà sáng lập thương hiệu bảo hiểm AAA đã "tái xuất" thị trường bảo hiểm phi nhân thọ bằng một ứng dụng bán bảo hiểm có tên LIAN - Bảo hiểm 24/7.

Shark Liên gọi tên sản phẩm của mình là "ứng dụng bảo hiểm 4.0". Bởi này dụng này được thiết kế tương thích trên nền tảng hệ điều hành Android và IOS. Người sử dụng dễ dàng tải về, cài đặt và sử dụng ứng dụng có sẵn trên Google Play và App Store… và kết nối với cổng thanh toán Napas.

LIAN giúp khách hàng thực hiện tất cả mọi thao tác giao dịch thông qua di động. Do vậy, việc đăng ký, mua bảo hiểm sẽ diễn ra nhanh chóng chỉ trong vài phút đồng hồ.

Trong lần trở lại với thị trường bảo hiểm đó, Shark Liên còn tung chiêu thiệt hại dưới 50% thì bồi thường 50%, trên 50% thì chi trả 100%. Shark Liên cam kết "trả bồi thường trong 30 giây" kể từ khi nhận đủ hồ sơ và tất cả chỉ cần thực hiện qua ứng dụng.

Ngoài việc đầu tư bảo hiểm, bà Đỗ Thị Kim Liên khá nổi tiếng khi đến với "Shark Tank Việt Nam". Tại tập 4 mùa 3 của chương trình này, Shark Liên đặc biệt quan tâm tới những Startup có tính nhân văn, lưu giữ những giá trị văn hóa - truyền thống, startup công nghệ, dịch vụ tài chính.

Shark Liên sau đó đồng thuận với nhà sáng lập Revival Waste rót vốn 1 tỷ đồng đổi lấy 49% cổ phần của dự án cộng đồng "Giải cứu rác chết", đánh dấu dự án vì môi trường được rót vốn trong lịch sử Shark Tank Việt Nam.

Được biết, Shark Liên bên cạnh việc đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn AquaOne, bà còn là Chủ tịch HĐQT Công ty CP nước mặt Sông Đuống, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nước Xuân Mai - Hòa Bình, Chủ tịch Quỹ Môi trường xanh Việt Nam (Green Vietnam Fund).

Shark Liên được biết đến là người phụ nữ rất chú tâm vào các hoạt động xã hội, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Bà từng nhận thư khen từ Chính phủ Nam Phi vì những cống hiến không ngừng trong việc hỗ trợ và quảng bá hình ảnh đất nước Nam Phi tại Việt Nam. Việc thành lập Quỹ Môi trường xanh Việt Nam nhằm mục tiêu cụ thể hoá các hoạt động bảo vệ môi trường của bà, song song với hoạt động xử lý và cung cấp nước sinh hoạt sạch cho người dân.

Ngoài ra, Shark Liên đồng thời rất quan tâm đến các hoạt động thiện nguyện. Trong hơn 10 năm qua, bà đã dành hàng trăm tỷ đồng cho hoạt động này, đặc biệt là xây dựng trường học; cưu mang, chăm sóc các cụ già và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ.


An Vũ (t/h)
Cùng chuyên mục