Nữ thạc sỹ 9x làm nông nghiệp sạch

29/09/2020 14:50 GMT+7
Nhận tấm bằng thạc sỹ nơi phố thị, cô gái trẻ Dương Thùy Lương đã trở về quê hương Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên để cùng bà con nông dân làm nông nghiệp sạch.

Nhận tấm bằng thạc sỹ nơi phố thị, cô gái trẻ Dương Thùy Lương đã trở về quê hương Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên để cùng bà con nông dân làm nông nghiệp sạch.

Xuất thân trong gia đình làm nông nghiệp, ngay từ nhỏ Lương đã gắn bó với ruộng vườn, cây trái. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Xã hội học, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, nữ cử nhân trẻ Dương Thùy Lương (SN 1990) tiếp tục học lên cao học để có bằng thạc sỹ.

Nữ thạc sỹ 9x làm nông nghiệp sạch - Ảnh 1.

Mật ong là thế mạnh của HTX Nông sản sạch La Hiên.

Sống nơi phố thị, Dương hiểu rõ sở thích của người tiêu dùng là cần đến sản phẩm nông nghiệp sạch, có nguồn gốc rõ ràng. Chính vì vậy, Dương đã quyết tâm thành lập HTX Nông sản sạch La Hiên, với 7 thành viên chủ chốt, để tạo liên kết với 100 hộ dân tổ chức sản xuất mật ong, nấm, rượu men lá..

Qua thời gian ngắn, HTX đã có 30 hộ nuôi ong mật, trong đó 10 hộ tham gia Tổ hợp tác, với hơn 1.000 thùng ong đạt sản lượng trung bình khoảng 10 tấn mật ong/năm, thậm chí có năm đạt tới 20 tấn mật ong.

Thuận lợi của HTX là tận dụng được những sản phẩm nông nghiệp có sẵn của bà con để phát triển, nâng giá trị và đưa sản phẩm ra thị trường. Hiện nay, bên cạnh các sản phẩm mang lại nguồn thu cho HTX như nấm, ớt, rượu men lá, thì mật ong đang là sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao nhất.

Nữ thạc sỹ 9x làm nông nghiệp sạch - Ảnh 2.

Cấy phôi nấm tại HTX Nông sản sạch La Hiên.

Để sản phẩm mật ong của HTX cạnh tranh được với các sản phẩm mật ong khác trên thị trường, việc đưa sản phẩm vào HTX là một lợi thế, vì sản phẩm được gắn tem mác truy xuất nguồn gốc, nên khách hàng tin tưởng về chất lượng khi sử dụng sản phẩm. Hơn nữa, lợi thế ở đây là vùng có nhiều cây dược liệu, do đó ong sử dụng phấn hoa của các loài dược liệu tự nhiên, sẽ có sự khác biệt về chất liệu mật, chất lượng mật.

Thời gian tới, HTX sẽ chế biến, đóng gói mật ong thành những sản phẩm tiện lợi cho người sử dụng, đồng thời kết hợp với các loại dược liệu để chế biến thành những sản phẩm bồi bổ sức khỏe như mứt, gừng, trà mật ong, nước giải khát từ mật ong… cùng các loại giỏ tre nứa.

HTX đang thực hiện việc bao tiêu toàn bộ sản phẩm mật ong nhãn cho nông dân trong vùng, với giá 100.000đ/lít. Bên cạnh đó còn cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm ớt tươi, rượu men lá… khi đạt tiêu chuẩn sản xuất sạch.

Đối với sản phẩm nấm đòi hỏi kỹ thuật và đầu tư công nghệ cao nên hiện tại chỉ có HTX sản xuất. Với 500m2 nhà xưởng, HTX sản xuất ở khâu gia công, tưới nước, chăm sóc và thu hoạch, còn lại đơn vị liên kết cung cấp giống và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Từ năm 2019 đến nay, HTX thu hoạch từ 4 – 5 tấn nấm.

Đối với sản phẩm ớt, HTX thực hiện cung cấp giống cho bà con rồi thu mua và cam kết bao tiêu với giá 8.000đ/kg, kể cả khi giá cả thị trường dao động. Hiện có 50 hộ dân trồng ớt với tổng diện tích khoảng 7 ha. Dự kiến thời gian tới, HTX sẽ mở rộng quy mô trồng và sản xuất ở Bắc Kạn khoảng 20ha.

Nữ thạc sỹ 9x làm nông nghiệp sạch - Ảnh 3.

HTX Nông sản sạch La Hiên hướng đến dùng giỏ tre đựng sản phẩm để thân thiện với môi trường

Mặc dù xuất bán rất nhiều sản phẩm sạch chủ lực nhưng doanh thu 6 tháng đầu năm 2020 của HTX Nông sản sạch La Hiên chỉ đạt từ 500 - 600 triệu đồng. Mục tiêu của nữ thạc sỹ 9X là quyết tâm xây dựng HTX Nông sản sạch La Hiên thành địa chỉ tin cậy của nhiều gia đình, theo hướng cấp nông sản phẩm sạch cho người tiêu dùng, sẻ chia khó khăn với nông dân để cùng phát triển.

Theo Nông nghiệp Việt Nam
Cùng chuyên mục