Nửa đầu năm 2022, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra tăng trưởng kỷ lục, Vĩnh Hoàn tăng 82%, IDI tăng 86,3%

21/07/2022 16:24 GMT+7
Nửa đầu năm 2022, các doanh nghiệp cá tra ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng nhất. Trong đó, đó, IDI dẫn đầu với mức tăng 86,3%, "nữ hoàng cá trá" Vĩnh Hoàn tăng trưởng 82,1%, NAVICO tăng 41,3%...

Xuất khẩu thủy sản đạt 5,7 tỷ USD

Số liệu Tổng Cục Hải Quan cho thấy, nửa đầu năm 2022, ngành thuỷ sản ghi nhận nhiều mốc kỷ lục. Cả ngành thuỷ sản đã thu về 5,7 tỷ USD ngoại tệ, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2021. 

Trong đó, mặt hàng cá tra với doanh số 1,4 tỷ USD, tăng 82%. Mặt hàng tôm xuất khẩu vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất 40% với gần 2,3 tỷ USD. 

Các mặt hàng hải sản dù khó khăn về nguyên liệu vẫn giữ được tăng trưởng từ 12-55% so với cùng kỳ, mang về trên 2 tỷ USD.

Trong 6 tháng năm 2022, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đi thị trường Trung Quốc - Hồng Kông đạt 427,6 triệu USD, tăng 107% so với cùng kỳ năm trước. Trước đó, chính sách Zero Covid của Trung Quốc đã “làm khó” cho hàng thủy sản trong suốt 4 tháng đầu năm nay.

Nửa đầu năm 2022, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đột phá  - Ảnh 1.

Số liệu Tổng Cục Hải Quan cho thấy, nửa đầu năm 2022, ngành thuỷ sản ghi nhận nhiều mốc kỷ lục.

Tuy nhiên mới đây, Trung Quốc đã quyết định xóa bỏ chính sách đình chỉ nhập khẩu thực phẩm đông lạnh có nhiễm virus Sars-COV-2 sau gần 2 năm thực thi. Dự báo điều này sẽ giúp cho hoạt động xuất khẩu cá tra đông lạnh của Việt Nam sang thị trường này tăng trưởng hơn nữa trong những quý cuối năm.

Tính tới hết tháng 6/2022, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ đạt 356,4 triệu USD, tăng 111% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 25% tổng giá trị xuất khẩu cá tra. Tuy nhiên, trong 2 tháng trở lại đây, tăng trưởng xuất khẩu cá tra sang thị trường này đã bắt đầu chậm lại.

Đứng thứ 3 trong top các thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất là khối thị trường CPTPP. Trong 6 tháng đầu năm nay, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt 180 triệu USD, tăng 66,3% so với cùng kỳ trước.

Trong đó, đáng chú ý là thị trường Mexico - đây là thị trường nhập khẩu lớn nhất trong khối với giá trị đạt 62,4 triệu USD, tăng 68,5%. Với kết quả này, giá trị xuất khẩu cá tra sang Mexico đã vượt qua Thái Lan và Brazil (vốn được đánh giá là hai thị trường tiềm năng hơn hơn).

Doanh nghiệp thủy sản làm ăn ra sao?

Trong cơn bão lạm phát giá đầu vào và chi phí bán hàng tăng cao, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thuỷ sản vẫn mạnh mẽ vươn lên. Nhiều doanh nghiệp có doanh số xuất khẩu tăng trưởng bứt phá trong nửa đầu năm nay. Trong đó, nhóm doanh nghiệp tăng trưởng mạnh tập trung nhiều hơn vào ngành hàng cá tra.

"Nữ hoàng cá tra" Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) đứng đầu với doanh số trên 226 triệu USD, tăng 82,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài Vĩnh Hoàn, các công ty xuất khẩu cá tra khác cũng ghi nhận mức tăng doanh số tốt như: Công ty I.D.I (IDI) tăng 86,3% lên 70,6 triệu USD, NAVICO (ANV) tăng 41,3% lên 68,1 triệu USD.

Nửa đầu năm 2022, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đột phá  - Ảnh 2.

Doanh số của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản niêm yết 6 tháng đầu năm (Triệu USD). Số liệu Tổng Cục Hải quan, đồ họa: Ong Lý

Bên cạnh đó, doanh số của các công ty xuất khẩu tôm dù tăng trưởng chậm hơn so với quý I nhưng cũng ghi nhận con số ấn tượng.

Đứng đầu là "vua tôm" Công ty CP Minh Phú (MPC) bao gồm cả Cty CP Chế biến TS Minh Phú - Hậu Giang đạt 328,7 triệu USD, tăng trưởng 15% so với cùng kỳ. Công ty Thực phẩm Sao Ta (FMC) ghi nhận mức tăng trưởng 18% lên 85,8 triệu USD.

Tiếp đó là Công ty CP Thủy sản Thuận Phước (THP) ghi nhận doanh số đạt 64,5 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ. Công CP Camimex Group (CMX) trong nửa năm cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 32,5% lên 36,3 triệu USD. 

Trong khi đó, Công ty CP Thủy sản Cà Mau (SEAPRIMEXCO VIETNAM, CAT) trong nửa năm 2022 gần như đi ngang với 14 triệu USD.

VASEP cho biết, từ năm 2020 đến nay, với nhiều lý do từ “tắc cảng” do đại dịch Covid-19 và nay là giá nhiên liệu xăng dầu tăng, việc đặt container vốn đã khó khăn thì giá cước ở hầu hết các chặng tăng 4-5 lần. Tại thời điểm tháng 6/2022, dù đã giảm một chút, nhưng để xuất được một container (cont) 40 feet qua bờ Đông Hoa Kỳ (Florida) thì giá cước đã khoảng 16.400 USD/cont, tính cả chi phí vận chuyển đường bộ từ nhà máy tại các tỉnh tới TP. Hồ Chí Minh (chiếm hơn 60%), thì trung bình 400-410 triệu đồng/cont.

Vấn đề thứ 2, khoảng 40-50% tàu khai thác hải sản đã nằm bờ. Nguồn nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy chế biến giảm từ 70-80% so với trước. Do nguồn nguyên liệu trong nước bị giảm mạnh nên các nhà máy chế biến hải sản cũng gặp khó khăn. Các doanh nghiệp buộc phải tăng nguồn nguyên liệu nhập khẩu nhưng không đủ cho chế biến.

Cũng theo VASEP, hiện nay nguồn nguyên liệu từ nuôi trồng chiếm 70% nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu. Do đó, các doanh nghiệp đều có nhu cầu mở rộng các vùng nuôi tập trung để tăng nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện nay các địa phương đang đô thị hoá nên các biến động từ quy hoạch đất cho sản xuất và những quy hoạch về sử dụng đất đang là thách thức lớn cho doanh nghiệp thuỷ sản và người nuôi thuỷ sản.

Một thách thức, khó khăn khác mà các doanh nghiệp thủy sản đang gặp phải là các thủ tục chứng nhận nguồn gốc thuỷ sản khai thác còn nhiều bất cập. Do đó, các doanh nghiệp vẫn còn vướng mắc khi sử dụng nguồn nguyên liệu khai thác có chứng nhận.

Tính tới tháng 6/2022, EU vẫn chưa gỡ thẻ vàng IUU cho thủy sản Việt Nam. Vì vậy, VASEP đề nghị Nhà nước cần có chính sách đầu tư hạ tầng nghề cá và nâng cao năng lực thực thi quản lý tàu thuyền, khai thác biển. Trước mắt là cải tiến cơ sở dữ liệu quản lý tàu thuyền khai thác, sửa đổi quy định ghi nhật ký và số hóa quy trình kiểm tra, cấp xác nhận, chứng nhận khai thác.

Tuy nhiên, theo VASEP, dù có nhiều khó khăn nhưng với sự linh hoạt và nỗ lực của doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam, kỷ lục xuất khẩu 10 tỷ USD cho năm nay chắc chắn ở trong tầm tay.



Ong Lý
Cùng chuyên mục