Nuôi loại heo "ăn chay", thịt chắc, ngọt thơm một người Cơ Tu thu lãi hàng trăm triệu mỗi năm
Nuôi heo rừng lai theo kiểu bán thả rông
Chỉ tay về trang trại nuôi heo rừng lai của mình, anh Lê Văn Hoàng vui vẻ nói: "Năm 2015, khi tôi đang làm việc tại UBND xã Hòa Phú thì phong trào nuôi heo rừng lai trở nên rầm rộ. Tôi thấy thích thú nên cũng nuôi chơi 4 con xem thế nào. Sau một thời gian thấy heo rừng lai rất dễ nuôi, lại có giá trị kinh tế cao, thị trường rất ưa chuộng nên tôi quyết định đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi".
Khó khăn khi anh Hoàng bắt đầu mô hình nuôi heo rừng lai là nguồn vốn mua heo con rất lớn, khoảng 3.000.000 đồng/con. Đặc biệt là người dân trong vùng xưa nay nuôi heo rừng bản địa cho thả rông, heo có bản tính hoang dã và hung dữ, phá vườn tược, có thể tấn công con người. Cho nên khi thấy heo rừng lai là mọi người đuổi đập, heo chết, hoặc bị bắt trộm.
Anh Hoàng cho biết, heo rừng lai được lai giống từ heo mẹ là heo rừng lai thả rông và heo bố là heo rừng bản địa. Vì con giống lai tạo có các đặc điểm nổi trội của heo bố mẹ nên sức đề kháng cao, chịu được thời tiết khắc nghiệt, thích nghi với mọi loại địa hình, khí hậu ở miền núi, dễ nuôi và không tốn nhiều thức ăn, ít tốn công chăm sóc, hiệu quả kinh tế cao.
"Heo rừng lai khá nhút nhát, khứu giác tốt, sinh hoạt bầy đàn và ít nhiều vẫn còn bản tính hoang dã của heo rừng bản địa. Cho nên khi bắt đầu nuôi phải chú trọng tạo môi trường nuôi phù hợp với tập tính của chúng, từ từ thuần hóa. Tôi chọn mô hình nuôi heo rừng lai bán thả rông, kết hợp giữa nuôi nhốt chuồng và chăn thả ngoài vườn tự nhiên có vòng rào để tạo dựng môi trường sinh sống thuận lợi nhất cho đàn heo phát triển", anh Hoàng chia sẻ.
Khi mô hình nuôi heo rừng lai phát triển vững mạnh, anh Hoàng quyết định nghỉ việc ở UBND xã Hòa Phú để tập trung thời gian chăm sóc 2 trang trại heo tại thôn Phú Túc và huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam). Mỗi trang trại rộng 10.000m2, trong đó diện tích chuồng nuôi khoảng 200m2, không gian còn lại là vườn cỏ tự nhiên để heo vận động, ủi đất tự tìm kiếm thức ăn.
Ngoài ra còn có vườn rau trồng cho heo ăn, đầm nước để heo tắm khi vào mùa nắng nóng, cổng lưới rào kiên cố. Năm 2019, anh Hoàng xây hầm chứa 28m3 để xử lý chất thải, đảm bảo an toàn chăn nuôi và tránh việc gây ô nhiễm môi trường.
Thu lãi gần 200 triệu đồng/năm
Đang cho heo ăn, anh Hoàng hào hứng nói: "Heo rừng lai dễ ăn lắm, rau lang, củ quả, cây chuối băm, hèm bia, cám gạo, lá rừng…. Một ngày tôi chỉ cho ăn một lần, rồi thả heo ra vườn để nó tự kiếm thức ăn ngoài tự nhiên (hay còn gọi là "ăn chay"). Cũng vì chỉ "ăn chay" nên heo rừng lai lâu lớn hơn heo thông thường, trung bình heo nuôi 7 tháng đạt khoảng 30kg mới xuất bán.
Thịt heo rừng lai săn chắc, nhiều nạc nhưng mềm, ít mỡ, da dày, giòn, có giá trị dinh dưỡng cao nên thị trường nhiều nơi rất ưa chuộng. Chính vì thế giá bán heo rừng lai cao, 220.000-250.000 đồng/kg heo hơi, heo con khoảng 3.000.000 đồng/con (10kg).
Heo rừng lai có sức đề kháng cao nên ít bị mắc bệnh, dễ gặp nhất là heo bị đau bụng, tiêu chảy. Cách tốt nhất để phòng ngừa là phải cẩn trọng về nguồn thức ăn, chăn nuôi áp dụng biện pháp an toàn sinh học, sát khuẩn chuồng thường xuyên, tẩy giun, sán định kỳ. Anh Hoàng chuyên dùng lá cây hoàn ngọc (cây xuân hoa) để cho heo ăn nhằm chữa bệnh tiêu chảy, đồng thời giúp heo con tăng trọng sau cai sữa và giảm tỷ lệ còi cọc.
Vì heo rừng lai dễ thích nghi với điều kiện thời tiết thất thường, nên yếu tố xây dựng chuồng trại không quá khắt khe. Chuồng trại nên ở xa khu dân cư, yên tĩnh để heo rừng lai không hoảng sợ, chuồng nuôi thông thoáng, đón được ánh nắng buổi sáng, không bị hắt nắng buổi chiều, tránh được mưa gió.
Hiện nay, tổng đàn heo rừng lai của anh Hoàng là 200 con, trong đó có khoảng 15 con heo nái. Anh xuất bán heo không theo lứa, mà khi nào heo đạt trọng lượng chuẩn thì bán. Ngoài việc bán heo hơi và heo con cho khách, anh Hoàng còn nhận làm thịt sẵn theo yêu cầu, chủ yếu cung cấp nguồn thịt chất lượng cho các khu du lịch, nhà hàng trên địa bàn TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.
Anh Hoàng bày tỏ: "Nuôi heo rừng lai rất nhàn, mà hiệu quả kinh tế lại cao, trung bình mỗi năm tôi thu lãi gần 200 triệu đồng. Nhờ đó mà tôi vươn lên làm giàu, có nguồn kinh tế ổn định hơn so với trồng 30ha rừng keo lá tràm".
Với những hiệu quả kinh tế tích cực, mô hình nuôi heo rừng lai của anh Hoàng được nhiều người tìm đến để tham quan, học hỏi. Anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi để cùng với bà con vươn lên làm giàu, phát triển kinh tế bền vững.
Được biết, xã Hòa Phú có khoảng 8,5% người đồng bào Cơ Tu đang sinh sống, chủ yếu tập trung ở thôn Phú Túc. Thời gian qua, được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương về giống cây ăn quả, con vật nuôi (heo, gà), tập huấn kỹ thuật, cây gỗ lớn, trồng rừng, mô hình rượu cần, nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ sản xuất. Nhờ đó, nhiều hộ người đồng bào dân tộc thiểu số đã vươn lên làm giàu như hộ anh Lê Văn Hoàng, Lê Văn Nghĩa…
Bà Nguyễn Thị Lý – Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phú nhận xét: "Trang trại nuôi heo rừng lai của anh Lê Văn Hoàng là một trong những mô hình chăn nuôi điển hình của xã. Ngoài việc làm kinh tế giỏi, anh còn rất nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật cho bà con có nhu cầu nuôi heo rừng lai. Thời gian tới, xã sẽ khuyến khích nhân rộng mô hình này nhằm nhân cao thu nhập cho bà con, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số".