PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh: Nên thí điểm Fintech cho ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm

06/06/2022 09:32 GMT+7
Theo PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh, ứng dụng fintech không chỉ dừng lại ở lĩnh vực ngân hàng, mà cũng được sử dụng trong lĩnh vực chứng khoán và bảo hiểm. Vậy nên chăng bên cạnh thí điểm fintech trong ngân hàng, thì thí điểm cả 2 ngành này.

Chuyển đổi số ngân hàng là lựa chọn bắt buộc trong kỷ nguyên số

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, Ngân hàng Nhà nước xem chuyển đổi số là lựa chọn bắt buộc để giúp ngân hàng vượt lên thách thức trong 4.0 và phát triển bền vững trong kỷ nguyên số. 

Nhiều dịch vụ ngân hàng hiện nay đã được số hoá toàn diện, lĩnh vực thanh toán chuyển tiền thực hiện thuận tiện, 24/7, chi phí rẻ thậm chí là miễn phí.

Các mảng cho vay dần dần các khoản vay nhỏ lẻ được ngân hàng đi đầu trong chuyển đổi số, số hoá.

Ứng dụng công nghệ 4.0, phân tích dữ liệu lớn, điện toán đám mây, AI được nhiều ngân hàng áp dụng trong dịch vụ, tạo sản phẩm dịch vụ đổi mới, tạo trải nghiệm vượt trội liền mạch cho khách hàng. Đã có nhiều ngân hàng đi đầu, tích cực trong chuyển đổi số, hơn 90% giao dịch với khách hàng thực hiện qua kênh số.

Nhiều chỉ số hoạt động liên quan như chi phí/thu nhập giảm xuống thấp, chỉ 30-40%, tiệm cận so với các NH trong khu vực, và nhiều sản phẩm dịch vụ mới ra đời, kết hợp không chỉ ngân hàng mà bên ngoài dịch vụ ngân hàng, như đặt xe, đặt tour, dịch vụ công nữa cũng được tích hợp.

Trao đổi về định hướng chính sách, ông Dũng cho biết, hiện đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng 810 do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành, thời gian tới vẫn kiên trì và triển khai kế hoạch này.

Ông Dũng cũng cho biết, hiện Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung 5 trụ cột lớn của chuyển đổi số :

Thứ nhất, hoàn thiện hành lang pháp lý, tập trung 2 Nghị định đến hạn phải trình Chính Phủ là Nghị định thay thế Nghị định 101 về thanh toán không tiền mặt, Nghị định thứ 2 là Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) cũng rất khẩn trương trình trong tháng 6. Đồng thời, góp ý tích cực với 2 Nghị định quan trọng là Định danh điện tử và Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, góp ý cho Luật giao dịch điện tử sửa đổi tạo hỗ trợ tích cực cho ngành ngân hàng.

Thứ hai, về cơ chế trao đổi dữ liệu, ngành ngân hàng sẽ tích cực phối hợp với Bộ công an, cho phép các ngân hàng kết nối Sở dữ liệu quốc gia về dân cư, triển khai Quyết định 06 của Thủ Tướng về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, cho phép các ngân hàng ứng dụng định danh điện tử, triển khai dịch vụ ngân hàng số an toàn, thuận tiện, chi phí thấp.

Thứ ba, phát triển hạ tầng ngành ngân hàng: như hệ thống thanh toán điện tử ngân hàng, hệ thống chuyển mạch tài chính bù trừ điện tử, hệ thống thông tin tín dụng CIC tạo hạ tầng số hoạt động an toàn, lĩnh vực, hỗ trợ cho các lĩnh vực khác.

Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực ngành, cung cấp kỹ năng mới, thích ứng với 4.0.

Thứ năm,  phát triển nguồn nhân lực ngành, cung cấp kỹ năng mới, thích ứng với 4.0; nhấn mạnh giao dịch tài chính, phổ biến kiến thức, tránh rủi ro trong kỷ nguyên số.

Chuyển đổi số ngân hàng phần lớn ở giai đoạn 1 - thích ứng công nghệ

Dưới góc độ nghiên cứu khoa học, PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, phát triển công nghệ tác động tới ngành tài chính ở cả 3 cấp độ.

Thứ nhất, bên trong nội bộ tổ chức có sự gia tăng quy trình tự động hoá, nâng cao trải nghiệm khách hàng thông qua phát triển các kinh doanh trực tiếp. Tác động cấp thứ 2, đó là  mạng lưới kinh doanh, các tổ chức tài chính họ mở rộng các mối liên kết rất chặt chẽ với các tổ chức chuyên môn hoá bên ngoài của các tổ chức tài chính ngân hàng, đặc biệt là các công ty fintech – nhóm các tổ chức có văn hoá rất khác biệt so với các tổ chức tài chính truyền thống. Ở cấp độ thứ 3, tác động tới môi trường bên ngoài tổ chức, có thay đổi lớn về khung pháp lý, các tổ chức tài chính ngày càng đối mặt các yêu cầu khắt khe hơn về giám sát tuân thủ ở cấp độ toàn cầu.

Các cơ quan nhà nước, các tổ chức đầu mối tập trung không còn là nơi duy nhất cung cấp các hạ tầng tài chính quan trọng, thay vào đó có các tổ chức khác có thể cung cấp hạ tầng này dựa trên cơ sở phi tập trung hoá.

Với ngành ngân hàng, PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh cho biết sự chuyển đổi số của các ngân hàng thường đi qua 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1, thích ứng với phương thức cạnh tranh mới thông qua phát triển các kênh kỹ thuật số, các sản phẩm số và số hoá giao diện.

Giai đoạn 2, các ngân hàng thích ứng với công nghệ và thực hiện cải tạo, nâng cao nền tảng công nghệ, tiến hành chuyển đổi số module, linh hoạt trong cung ứng sản phẩm.

Giai đoạn 3, chiến lược định vị, một số ngân hàng lớn đi đầu trong giai đoạn 2 sẽ nỗ lực để đầu tư công nghệ lớn để tạo ra vị thế cạnh tranh, họ thông qua chiến lược chuyển đổi số toàn diện cấu trúc tổ chức của mình để trở thành ngân hàng có bản chất số. Tại Việt Nam, quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh trong 3-5 năm trở lại đây.

Tuy nhiên, ông Khánh cho biết, qua khảo sát các ngân hàng và người sử dụng trong năm 2021 cho thấy, chỉ có một số ngân hàng lớn đầu tư đáng kể vào thích ứng công nghệ, tức chuyển đổi số ở giai đoạn 2, còn lại hầu hết dừng ở giai đoạn 1 - dựa trên ứng dụng ngân hàng trực tuyến. 

"Chiến lược chuyển đổi số của các ngân hàng Việt Nam tập trung ở khối ngân hàng bán lẻ, với các ứng dụng mobile banking, web banking. Có sự phân hoá về mặt quy mô, theo đó, những ngân hàng quy mô nhỏ có xu hướng phụ thuộc vào các nhà CNTT cung cấp giá rẻ, đơn giản vì họ thiếu năng lực vốn, công nghệ, nhân sự để tiếp nhận ứng dụng công nghệ thông tin như các ngân hàng lớn", PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh nói.

Có thể thử nghiệm Fintech với chứng khoán và bảo hiểm

Bàn luận về vấn đề pháp lý, PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh cho biết, vấn đề được quan tâm nhất của lãnh đạo các ngân hàng Việt Nam đó là pháp lý. 

Trên thực tế, ở các nước, khung pháp lý thử nghiệm đóng vai trò quan trọng trong việc đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của ngành tài chính ngân hàng. Ở Việt Nam, sandbox này mới dừng ở dự thảo Nghị định để chuẩn bị ban hành – trong đó, có 6 giải pháp dự kiến đưa vào thí điểm như cho vay ngân hàng, chấm điểm tín dụng, cấp tín dụng dựa trên công nghệ, ứng dụng chuỗi khối và sổ cái phân tán, và hiện nay trong dự thảo NHNN là cơ quan cấp phép thử nghiệm này.

"Thực tiễn cho thấy, ứng dụng fintech không chỉ dừng lại ở lĩnh vực ngân hàng, mà cũng được sử dụng trong lĩnh vực chứng khoán và bảo hiểm. Vậy nên chăng bên cạnh có thí điểm fintech trong ngân hàng, thì thí điểm cả 2 ngành trên. Và để tránh lỗ hổng về pháp lý thì nên có khung pháp lý chung cho việc thử nghiệm ở tất cả các lĩnh vực này, từ đó đưa ra điều kiện, quy định cụ thể điều tiết cho từng lĩnh vực hoạt động nhất định, vì mỗi lĩnh vực đều có nguy cơ tiềm ẩn rủi ro khác nhau, nên khó áp 1 quy định chung cho các lĩnh vực", PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh nói.

PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh cho rằng, các cơ quan quản lý, các nhà làm chính sách nên tiếp cận với góc độ cởi mở, cân bằng mục tiêu thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, bảo vệ người tiêu dùng, ổn định thị trường – không chỉ là mối quan tâm của Việt Nam mà hiện nhiều quốc gia cũng đang tập trung cho mục tiêu này.



Ngô Thị Thu Trang
Cùng chuyên mục