VEC mở gói thầu hơn 1.067 tỷ lắp thu phí tự động không dừng
Việc triển khai thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng để thay thế cho phương thức thu phí thủ công là yêu cầu bắt buộc.
Thu phí điện tử không dừng được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt chỉ đạo, nhằm tạo sự văn minh, thuận tiện cho người tham gia giao thông, minh bạch trong hoạt động thu phí, tiết kiệm chi phí xã hội và giảm thiểu ô nhiễm môi trường…
Thời gian qua, Bộ GTVT và các bộ, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan đã khẩn trương thực hiện, đạt kết quả bước đầu.
Để sớm triển khai đồng bộ hệ thống thu phí theo hình thức điện tử không dừng, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục chủ trì, cùng với các cơ quan có liên quan triển khai thí điểm chỉ thu phí theo hình thức điện tử không dừng tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng kể từ ngày 1/6/2022.
Đồng thời, có phương án bảo đảm giao thông thông suốt, tuyệt đối không để xảy ra sự cố hệ thống thu phí điện tử không dừng làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông trên tuyến (trường hợp ùn tắc giao thông thì xem xét xả trạm).
Đối với các dự án đường cao tốc do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý, Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng công ty VEC và các đơn vị có liên quan khẩn trương triển khai thu phí theo hình thức điện tử không dừng theo đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 158/TB-VPCP ngày 26/5/2022 của Văn phòng Chính phủ.
Đối với các dự án do VEC quản lý, báo cáo của Bộ GTVT cho thấy đã có 3 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu gói thầu thuê dịch vụ thu phí các dự án đường cao tốc do VEC quản lý, khai thác.
Ngày 25/5 vừa qua, VEC đã mở thầu gói thầu 1.067,806 tỷ đồng thuê dịch vụ thu phí các dự án đường cao tốc để lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí điện tử không dừng cho các tuyến cao tốc với thời gian thực hiện hợp đồng 64 tháng.
Đến thời điểm đóng thầu, có 3 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu gồm Liên danh Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) và Tổng công ty cổ phần công trình Viettel; Công ty cổ phần Tasco; Công ty cổ phần Bon.
VEC dự kiến hoàn thành công tác đấu thầu trước ngày 30/6/2022, dự kiến thêm 3 tháng để lắp đặt và vận hành hệ thống.
Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, các dự án của VEC là đều dự án đặc thù, việc thu phí đường bộ để trả nợ khoản vay nước ngoài do Chính phủ đứng ra vay (thực chất là thu phí hoàn vốn ngân sách Nhà nước) nên nếu dừng thu phí có hệ quả rất lớn do ảnh hưởng đến phương án tài chính và phương án trả nợ của các dự án.
Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành xem xét nội dung chỉ đạo tạm dừng thu phí của VEC nếu chậm tiến độ.
Hiện tại, VEC đã hoàn thành đầu tư, lắp đặt, đưa vào khai thác hệ thống thu phí tự động không dừng cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình từ tháng 6/2020 đối với 15 làn. Hệ thống hiện hoạt động hiệu quả với tỷ lệ phục vụ chiếm 51% doanh thu toàn tuyến.
Các tuyến cao tốc còn lại gồm Nội Bài - Lào Cai, TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, Đà Nẵng - Quảng Ngãi và một số làn còn lại tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình, VEC đã phê duyệt và phát hành hồ sơ mời thầu lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí điện tử không dừng từ 5/5/2022. Dự kiến, VEC sẽ hoàn thành lựa chọn nhà thầu từ 30/6/2022.
Sau khi hoàn thành lựa chọn nhà thầu, VEC sẽ yêu cầu nhà thầu lắp đặt ngay để giữa tháng tháng 8/2022 sẽ đưa vào khai thác hệ thống thu phí điện tử không dừng cho tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Cuối quý 3/2022 sẽ khai thác thu phí không dừng trên toàn bộ các tuyến cao tốc VEC đang khai thác.