"Phá băng" quan hệ Mỹ Trung, xuất nhập khẩu Trung Quốc tháng 10 phục hồi

08/11/2019 11:45 GMT+7
Kim ngạch thương mại của Trung Quốc tiếp tục giảm trong tháng 10, theo báo cáo Cục Hải quan nước này công bố mới đây. Tuy nhiên, mức giảm được xem là nhẹ hơn nhiều so với ước tính trước đó của các chuyên gia Reuters.
"Phá băng" quan hệ Mỹ Trung, xuất nhập khẩu Trung Quốc tháng 10 phục hồi  - Ảnh 1.

Kim ngạch thương mại phục hồi, kinh tế Trung Quốc thoát cảnh lao đao?

Cụ thể, tính trên đơn vị đồng USD, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc giám 0,9% trong khi kim ngạch nhập khẩu giảm 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Còn ước tính của các chuyên gia trong cuộc khảo sát do Reuters thực hiện trước đó cho rằng kim ngạch xuất khẩu của nước này sẽ giảm 3,9% và nhập khẩu giảm 8,9% trong tháng 10. Thặng dư thương mại đạt 42,81 tỷ USD, lớn hơn mức dự báo 40,83 tỷ USD.

Hồi tháng 9, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc giảm 3,2% trong khi nhập khẩu giảm 8,5%, tức mức giảm mạnh mẽ nếu so sánh với tháng 10. Có thể thấy, nền kinh tế Trung Quốc dường như đang dần thoát cảnh lao đao sau những giai điệu lạc quan của quan hệ Mỹ Trung, khi mà thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 sắp được ký kết và hàng rào thuế quan được gỡ bỏ phần nào.

Cũng theo kết quả một thống kê được công bố đầu tháng 11, chỉ số quản lý thu mua PMI trong lĩnh vực sản xuất (Caixin/Markit) của Trung Quốc tháng 10 hiện ở mức 51,7 nhờ số đơn hàng tăng trưởng mạnh mẽ. Kết quả này cao hơn hẳn ước tính của các nhà phân tích Reuters là 51,0- 51,4. 

Chỉ số PMI được đo lường trong khoảng từ mức 0 đến 100, trong đó 50 là mức trung lập cho thấy sự duy trì ổn định. PMI trên 50 chỉ ra sự tăng trưởng còn PMI dưới 50 mang ý nghĩa thu hẹp lĩnh vực sản xuất. Dựa trên dữ liệu thống kê này cùng hàng loạt chỉ số kinh tế đáng lạc quan khác, nhiều chuyên gia đã chỉ ra những dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Hồi tháng trước, sau đàm phán Mỹ Trung diễn ra trong hai ngày 10-11/10, căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã bắt đầu giảm nhiệt sau khi phái đoàn hai nước nhất trí thông qua thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Theo tiết lộ của Tổng thống Donald Trump, các điều khoản thỏa thuận bao gồm việc Bắc Kinh cam kết nhập khẩu 40-50 tỷ USD nông sản Mỹ để đổi lại việc Mỹ đình chỉ mức tăng thuế 30% với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vốn dự kiến có hiệu lực từ 15/10.

Một diễn biến tích cực hôm 7/11, cả hai nước tuyên bố đồng thời dỡ bỏ một số mức thuế quan trừng phạt tiếp theo như một nội dung trong thỏa thuận thương mại Mỹ Trung. Đây có thể xem là một động lực thúc đẩy kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc tiếp tục phục hồi trong tháng 11 tới.

Bất chấp thị trường tỏ ra lạc quan, các nhà phân tích kinh tế vẫn giữ cái nhìn đầy cảnh giác về căng thẳng thương mại Mỹ Trung. Tờ Reuters hôm 6/11 đưa tin thỏa thuận Mỹ Trung có thể sẽ trì hoãn tới tháng 12 do địa điểm ký kết thỏa thuận hiện vẫn chưa được thống nhất. Nhiều giả thiết đặt ra cho rằng hai nhà lãnh đạo các nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể sẽ chọn Châu Âu làm địa điểm gặp gỡ, nhưng chưa có nguồn tin chính thức nào lên tiếng xác nhận điều này.

Thùy Dung
Tags:
Cùng chuyên mục