Hà Nội "xin" nới room tín dụng, "rót" vốn cho bất động sản: Thống đốc Nguyễn Thị Hồng có đồng ý?
Đó là khẳng định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng trước kiến nghị của Thành phố Hà Nội đối với việc nới room tín dụng nhằm cho phép các doanh nghiệp bất động sản có thể tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng; đồng thời người mua nhà cũng có điều kiện vay vốn để mua nhà.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết thêm, đối với việc cấp tín dụng cho các doanh nghiệp, dự án bất động sản hoàn toàn do các tổ chức tín dụng quyết định trên cơ sở thỏa thuận với khách hàng.
Những tháng đầu năm, các tổ chức tín dụng không chạm trần tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, với đặc thù tín dụng bất động sản thường có kỳ hạn dài, số tiền lớn nên khi cấp tín dụng, các tổ chức tín dụng phải cân đối trên cơ sở thực tế huy động vốn và cân đối sử dụng vốn để đảm bảo cấp tín dụng nhưng vẫn đảm bảo thanh khoản, sẵn sàng chi trả cho người gửi tiền.
"Với tính chất dài hạn, nguồn vốn cho doanh nghiệp, dự án kinh doanh bất động sản ngoài vốn tín dụng, cần tăng cường huy động từ các nguồn vốn khác như FDI, trái phiếu doanh nghiệp (đây là những vấn đề Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đang tập trung chỉ đạo để phát triển lành mạnh, bền vững)", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề tiếp cận tín dụng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, đây là vấn đề được Thủ tướng Chính phủ quan tâm và có nhiều chỉ đạo. Về phía NHNN đã thực hiện điều tiết tiền tệ hợp lý, đảm bảo thanh khoản dồi dào, các tổ chức tín dụng sẵn sàng nguồn vốn cho vay, ban hành Thông tư cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Tuy nhiên, để cải thiện tiếp cận tín dụng, Thống đốc cho rằng cần triển khai đồng bộ các giải pháp khác từ các bộ, ngành và các địa phương, trong đó có Thành phố Hà Nội. Chẳng hạn, đối với lĩnh vực bất động sản, khó khăn pháp lý là chủ yếu phải được giải quyết thì các chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ mới phát huy, doanh nghiệp mới chứng minh được có dòng tiền trả nợ theo kỳ hạn mới.
Cũng theo đánh giá của Thống đốc, hoạt động ngân hàng trên địa bàn Thành phố Hà Nội nhìn chung có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của Thành phố với thị phần chiếm 20% dư nợ tín dụng của toàn quốc; trong đó có tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản (có liên kết với vài chục ngành kinh tế), tín dụng đối với các dự án giao thông, qua đó góp phần phát triển hạ tầng giao thông và đô thị, và phát triển kinh tế của Thành phố.
Liên quan đến tín dụng bất động sản, trong báo cáo gửi tới Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phục vụ cho kỳ họp tháng 5 này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong quý I năm 2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 12,2 triệu tỷ đồng, tăng 2,61% so với cuối năm 2022, tăng 10,49% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ tính riêng trong 2 tháng đầu năm, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tăng 2,19%, trong đó kinh doanh bất động sản tăng 6,45%, phục vụ mục đích tự sử dụng tăng 0,25%. Trong khi đó, tín dụng để đầu tư, kinh doanh chứng khoán tăng 13,39%. Với kết quả này, tín dụng đầu tư, kinh doanh chứng khoán và kinh doanh bất động sản ghi nhận mức tăng cao nhất trong những tháng đầu năm nay.
Trong bối cảnh đó, NHNN cũng vừa có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng, hạn chế tối đa việc phát sinh mới nợ nhóm 2 và nợ xấu, trong đó lưu ý kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Trong thời gian qua, lãnh đạo Thành phố Hà Nội rất quan tâm tới hoạt động ngân hàng, quan tâm tới việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Lãnh đạo Thành phố đã chỉ đạo các Sở, ngành phối hợp với chi nhánh NHNN Thành phố Hà Nội tổ chức nhiều hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn vướng mắc về tín dụng, lãi suất.
Tính đến ngày 27/4/2023, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn Thành phố tăng 2,93% (thấp hơn không đáng kể so với mức tăng 3,04% của cả nước), nhưng tăng trưởng kinh tế đạt 5,8%. Điều này cho thấy nguồn vốn cho tăng trưởng kinh tế ngoài nguồn vốn tín dụng còn đến từ các nguồn vốn quan trọng khác như đầu tư công, FDI…
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng