Phía sau con số doanh thu trăm tỷ đồng của DELAP
Doanh thu trăm tỷ đồng, lợi nhuận khiêm tốn
Cụ thể, trong giai đoạn năm 2017 – 2021, doanh thu của Công ty Cổ Phần Dược Phẩm DELAP (DELAP) tăng lần lượt từ 91 tỷ đồng, 73 tỷ đồng, tăng mạnh lên 109 tỷ đồng vào năm 2019 và 121 tỷ đồng (năm 2020).
Đến năm 2021 doanh thu của DELAP giảm về còn 102 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức doanh thu này vẫn cao hơn gấp gần 1,4 lần so với kết quả thực hiện được của năm 2018 – năm trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra.
Điều đáng nói, dù doanh thu tăng lên, đạt 3 con số song bức tranh lợi nhuận của DELAP lại trồi sụt với biên độ lớn.
Chẳng hạn năm 2019 khi doanh thu tăng từ 71 tỷ đồng (năm 2018) lên 109 tỷ đồng (năm 2019), lợi nhuận của doanh nghiệp chỉ ghi nhận ở mức 76 triệu đồng (giảm so với con số 118 triệu đồng thực hiện được trong năm 2018).
Đến năm 2020, khi doanh thu của doanh nghiệp đạt tới 121 tỷ đồng – cao nhất trong giai đoạn 2017 – 2021, DELAP cũng báo lãi 233 triệu đồng. Thế nhưng, năm 2021 khi doanh thu vẫn trên 100 tỷ đồng thì lợi nhuận của DELAP năm này chỉ "vỏn vẹn" 6 triệu đồng. So với năm 2018, doanh thu tăng gần 1,4 lần nhưng lợi nhuận lại "bốc hơi" 94,9%.
Tỷ suất lợi nhuận/doanh thu của doanh nghiệp này khiêm tốn, dao động từ 0,05% - 0,19%, thậm chí như năm 2021 tỷ lệ này chỉ đạt 0,0059%.
Trong khi đó, nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp dao động từ 5,5 lần – 9,5 lần trong giai đoạn 2017 – 2021.
Phía sau con số doanh thu trăm tỷ đồng của DELAP
Tầm nhìn của DELAP là trở thành thương hiệu dẫn đầu Việt Nam về phân phối và phát triển các sản phẩm dược phẩm có nguồn gốc Châu Âu dành cho việc chăm sóc sức khỏe trẻ em và phụ nữ.
Những tên tuổi trong ngành như Pharmalife Research, EVP, GreenSwan hay GRICAR được giới thiệu là đối tác của DELAP (trên website của doanh nghiệp).
Hiện nay, DELAP đã xây dựng được hệ thống phân phối rộng khắp lãnh thổ Việt Nam trên các kênh phân phối khác nhau như bệnh viện, phòng khám, nhà thuốc, siêu thị thực phẩm chức năng (TPCN), siêu thị Mẹ và Bé.
Một số sản phẩm do DELAP phân phối có thể tìm mua tại các chuỗi nhà thuốc lớn, và chuỗi cửa hàng thuộc hệ thống Con Cưng, Bibomart,… có thể kể đến như: Fitobimbi Sonno, Fitobimbi D3K2,…với giá bán hàng trăm nghìn đồng.
Chẳng hạn như sản phẩm Fitobimbi Sonno và Fitobimbi D3K2 tại chuỗi nhà thuốc Long Châu được bán với giá lần lượt là 345 nghìn đồng và 296 nghìn đồng.
Sản phẩm Fitobimbi Sonno là thực phẩm bảo vệ sức khỏe giúp hỗ trợ bé ngủ ngon, sâu giấc. Sản phẩm này dùng được cho trẻ từ 1 ngày tuổi, được sản xuất tại: Pharmalife Research s.r.l.
Fitobimbi D3K2 được nhập khẩu nguyên chai từ Ý, với công dụng giúp xương, răng thêm chắc khỏe – Bớt lo trẻ còi xương. Số ĐKSP và XNQC lần lượt là 8382/2020/ĐKSP và 3228/2020/XNQC-ATTP.
Điều đáng nói, qua phản ánh của người tiêu dùng và tìm hiểu của PV, các sản phẩm Fitobimbi Sonno, Fitobimbi D3K2 nằm trong Danh mục thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thuộc diện kê khai giá. Tức là, theo quy định, thương nhân nhập khẩu, sản xuất trực tiếp sữa và thực phẩm chức năng cho trẻ em dưới 6 tuổi phải thực hiện kê khai giá với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về quản lý giá.
Trong đó, mức giá bán lẻ phải phù hợp với các quy định của pháp luật và phải được niêm yết, cũng như không được vượt quá mức giá bán lẻ khuyến nghị đã đăng ký.
Tuy nhiên, tại Cổng thông tin điện tử của Sở Công Thương Hà Nội, không hiểu vì ý do gì, đến nay chưa thấy thông tin nào liên quan đến việc kê khai của Công ty CP Dược phẩm DELAP công khai trên cổng này.
Cũng theo tìm hiểu trên thị trường, giá nhập khẩu của một số sản phẩm như Fitobimbi Sonno dao động trên dưới 2 USD (khoảng 47.000 đồng).
Rõ ràng chưa biết hiệu quả của các sản phẩm này đến đâu song người tiêu dùng Việt Nam đang phải mua với giá cao hơn nhiều lần so với giá nhập khẩu. Trong trường hợp này, ai hưởng lợi?
Bài 2: Hé mở về "ông chủ" và các tài sản "cầm cố" tại ngân hàng của DELAP