Phó Thống đốc: Điều chuyển chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng không phụ thuộc câu chuyện xin - cho của ngân hàng
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, đến ngày 14/6/2024, tăng trưởng tín dụng tăng 3,79% so với cuối năm 2023; tốc độ tăng trưởng tín dụng cải thiện dần qua các tháng, doanh số tín dụng mà các tổ chức tín dụng đã cung ứng ra nền kinh tế trong gần 6 tháng đầu năm 2024 cao hơn hơn doanh số của cùng kỳ 3 năm trước.
Tín dụng tăng chậm, nhận diện nhiều nguyên nhân
Tuy nhiên, lãnh đạo của nhiều ngân hàng cho biết, tín dụng vẫn tăng trưởng chậm, thậm chí tăng trưởng âm.
Chẳng hạn như tại BIDV, theo chia sẻ của Tổng giám đốc Lê Ngọc Lâm, dù ngân hàng rất muốn cho vay, đang "sốt ruột" nhưng sức hấp thụ vốn kém nên tín dụng tăng trưởng chậm.
Nhìn số liệu doanh nghiệp rút khỏi thị trường hoặc tạm ngừng kinh doanh tăng cao giải thể tăng do gặp phải khó khăn thời hậu Covid-19 cho thấy sức khỏe doanh nghiệp đã giảm sút nhiều do khó khăn kéo dài dẫn đến cầu tín dụng giảm.
Ông Phan Thanh Sơn, Phó Tổng phụ trách Ban điều hành VietinBank cũng phải thừa nhận, thời điểm hiện nay lãi suất vay ngắn hạn thấp hơn lãi suất huy động, nhưng vì khách hàng truyền thống nên ngân hàng vẫn cho vay để đẩy vốn ra. Song tín dụng vẫn ì ạch.
Đề cập về đà tăng của tín dụng, Tổng giám đốc ngân hàng Quân đội (MBBank) Phạm Như Ánh cho rằng, nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tín dụng tăng chậm do cả doanh nghiệp và cá nhân đều không có nhiều nhu cầu về tín dụng, sức hấp thụ tín dụng của nền kinh tế còn rất là yếu.
Ngoài sức hấp thụ vốn giảm, theo Tổng giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng, Chính phủ và NHNN đã chỉ đạo nhiều giải pháp nhưng vướng thủ tục đầu tư, liên quan đến đất đai, điều chỉnh dự án mới, chuyển nhượng đất đai, giao dịch đảm bảo khó khăn. Đây cũng là nguyên nhân khiến tín dụng tăng chậm trong thời gian qua.
Dù vậy, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm, ông Phạm Toàn Vượng cho biết, Agribank tiếp tục triển khai quyết liệt, các giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả; tập trung vốn tín dụng đối với các lĩnh vực là động lực phát triển (xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng), tiếp tục tiếp cận và đầu tư vốn đối với các dự án nhà ở xã hội, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (lúa gạo, lâm thủy sản ); tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất cho từng đối tượng khách hàng và có chính sách lãi suất phù hợp nhằm hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh và tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng; tăng cường công tác giám sát và thực hiện nghiêm túc kỷ luật trong xử lý vi phạm trong công tác cho vay.
Tại VPBank, bà Lưu Thị Thảo – Phó Tổng giám đốc cho biết, ngân hàng đang rà soát, tiếp tục đưa ra nhiều sản phẩm số hóa, đơn giản hóa thủ tục cho vay cá nhân, tăng khả năng tiếp cận vốn cho khách hàng. Với dự báo kinh tế hồi phục, cùng với giải pháp tích cực của ngân hàng, dự kiến cho vay cá nhân tăng trưởng lại trong tháng 6/2024. Ngoài ra, VPBank tiếp tục tập trung phân khúc FDI – cũng là động lực tăng trưởng của ngân hàng sau khi hợp tác với SMBC.
Điều chuyển chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng không phụ thuộc câu chuyện xin - cho của ngân hàng
Ở góc độ cơ quan quản lý, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, tăng trưởng tín dụng tăng 3,79% so với cuối năm 2023. Mặc dù thấp hơn so với thời điểm vài năm trước, nhưng tăng trưởng tín dụng năm nay có đặc điểm đáng chú ý dư nợ tăng không cao nhưng doanh số cho vay tăng cao. Điều này, phản ánh vòng quay đồng tiền tích cực nhất là từ tháng 4 trở đi.
Trong 6 tháng cuối năm, theo ông Tú, NHNN tiếp tục tạo điều kiện một cách thuận lợi hơn nữa trong vấn đề hạ lãi suất trên cơ sở tiết giảm chi phí của các ngân hàng thương mại và trên cơ sở điều hành lãi suất của NHNN ổn định. Từ đó tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất ổn định hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân.
Cùng với giải pháp tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, tăng khả năng, điều kiện tiếp cận tín dụng cho các doanh nghiệp, người vay vốn, Phó Thống đốc tin rằng, tín dụng tăng tích cực từ nay đến cuối năm và đạt được kỳ vọng, mục tiêu đặt ra. Nhất là thực hiện được vai trò hỗ trợ cho phát triển, tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.
Cũng theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, NHNN đã đổi mới cơ chế điều hành từ cuối năm ngoái theo hướng chủ động giao chỉ tiêu 15% cho tất cả các tổ chức tín dụng trên cơ sở tính toán khả năng cũng như nhu cầu, điều kiện. Trong thời gian tới, NHNN tiếp tục điều hành tín dụng theo hướng chủ động. Qua quá trình theo dõi, giám sát NHNN đánh giá ngân hàng nào tăng trưởng tín dụng không đạt chỉ tiêu chủ động điều chuyển cho ngân hàng có điều kiện, khả năng tăng trưởng tín dụng tốt trong thời gian tới.
"Tất nhiên việc điều chuyển trên đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, kiểm soát vĩ mô, cũng như đảm bảo chất lượng tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng. Như vậy việc điều chuyển chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là một trong những nhiệm vụ chủ động linh hoạt của NHNN không phụ thuộc vào câu chuyện xin cho của các ngân hàng", Phó Thống đốc nhấn mạnh.