Quan liêu và thiếu ngân sách: 2 nguyên nhân dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc và thế giới

09/03/2020 12:25 GMT+7
Sự bùng phát dịch SARS hồi năm 2002 là thử nghiệm đầu tiên với hệ thống y học Trung Quốc, nhưng dù đã có nhiều cải thiện và kinh nghiệm sau dịch SARS, Trung Quốc vẫn bị chỉ trích về khả năng phòng chống, kiểm soát dịch bệnh Covid-19 do virus corona diễn ra 18 năm sau.

So với hồi dịch SARS hoành hành năm 2002, chi tiêu cho vấn đề y tế và chăm sóc sức khỏe tại Trung Quốc hiện tại đã tăng gấp hàng chục lần, với hàng ngàn trung tâm kiểm soát phòng ngừa dịch bệnh trên cả nước.

Tuy nhiên, theo tờ South China Morning Post mới đây dẫn lời các chuyên gia cho hay ngân sách chính phủ không ổn định, bộ máy quản lý quan liêu và số lượng nhân viên dịch tễ không đảm bảo chính là nguyên nhân khiến ngành y tế Trung Quốc không thể kịp thời kiểm soát dịch bệnh Covid-19 do virus corona. Đặc biệt, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc (CDC Trung Quốc) bị chỉ trích nặng nề vì chậm trễ trong việc cảnh báo cộng đồng về dịch virus corona. 

Tính đến sáng 9/3, toàn cầu ghi nhận 109.045 ca nhiễm virus corona và 3.818 ca tử vong. Trong đó, riêng Trung Quốc đại lục báo cáo 80.735 ca nhiễm virus corona và 3.119 ca tử vong.

Quan liêu và thiếu ngân sách: 2 nguyên nhân khiến Trung Quốc chậm cảnh báo virus corona - Ảnh 1.

Virus corona lần đầu tiên xuất hiện tại Vũ Hán vào tháng 12/2019 nhưng chỉ tới 23/1, chính quyền Vũ Hán mới phong tỏa thành phố khi các ca nhiễm bệnh đã tăng lên hàng trăm người

Phát hiện dịch nhưng không có thẩm quyền cảnh báo dịch - câu chuyện của CDC Trung Quốc

Hồi dịch SARS, CDC Trung Quốc đã từng là tâm điểm chỉ trích của cộng đồng khi không sớm công bố dịch, “giấu dịch” gần 1 tháng kể từ lúc phát hiện bệnh nhân đầu tiên. Cho đến tháng 4/2003, năm tháng sau khi trường hợp nhiễm SARS sớm nhất được ghi nhận, các quan chức Trung Quốc mới tiết lộ số ca bệnh thực tế gấp hàng chục lần 37 ca bệnh được báo cáo. Hậu quả, vụ dịch cuối cùng giết chết 349 người Trung Quốc, theo Tổ chức Y tế Thế giới.

Giờ đây, khi dịch virus corona bùng phát, những lời chỉ trích tương tự lại bùng lên vì phản ứng chậm trễ của CDC với việc công bố dịch. Dù rằng, trong cả hai trường hợp SARS cad Covid-19, về mặt thẩm quyền, CDC Trung Quốc không có quyền đưa ra cảnh báo với cộng đồng.

Zhong Nanshan, một chuyên gia y tế Trung Quốc cũng lên tiếng cho rằng CDC Trung Quốc thực chất vẫn không khác gì một bộ phận kỹ thuật trong Ủy ban Y tế Quốc gia với thẩm quyền rất thấp trong hệ thống y tế hiện tại. Không giống như CDC Mỹ, CDC Trung Quốc không hoạt động độc lập với cơ quan chính phủ mà chịu sự quản lý và nhận tài trợ từ Ủy ban Y tế Quốc gia. 

“CDC Trung Quốc là một tổ chức nghiên cứu. Họ chỉ có quyền đưa ra các báo cáo để hỗ trợ Ủy ban Y tế Quốc gia xử lý các vụ dịch, mà không có quyền thông báo các trường hợp khẩn cấp đến cộng đồng hay có hành động cách ly, phong tỏa những người đang truyền nhiễm virus ra cộng đồng. Họ cũng không có quyền huy động các nguồn cung vật tư y tế hay nhân viên y tế đến các khu vực của Trung Quốc xảy ra vụ dịch” - ông Xi Chen, một trợ lý giáo sư tại Trường Y tế Công cộng Yale cho hay.

“Chính phủ Trung Quốc nên chủ động đầu tư vào CDC, cho phép cơ quan này huy động nguồn nhân lực và vật tư y tế trong tình huống khẩn cấp, có quyền hạn công bố dịch cũng như hỗ trợ trực tiếp công tác kiểm soát dịch bệnh. Tất cả những khoản đầu tư nên được duy trì thường xuyên thay vì chờ đợi trường hợp khẩn cấp xảy ra rồi mới cung cấp”.

Ngân sách Trung Quốc chi cho phòng chống dịch bệnh giảm mạnh

Tờ SCMP cũng chỉ ra trong khi Trung Quốc quản lý mạng lưới trung tâm kiểm soát dịch bệnh lớn nhất thế giới với 3.443 trung tâm hoạt động vào cuối năm 2018, ngân sách để duy trì các trung tâm này thấp hơn hẳn so với những cơ quan tương tự ở các nước phát triển.

Quan liêu và thiếu ngân sách: 2 nguyên nhân khiến Trung Quốc chậm cảnh báo virus corona - Ảnh 3.

Sự chậm trễ trong phản ứng với dịch bệnh của Trung Quốc khiến dịch virus corona lan sang hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD, một tổ chức kinh tế thị trường quốc tế, chỉ ra rằng Trung Quốc chỉ dành khoảng 2,3% chi phí chăm sóc sức khỏe quốc gia, tức khoảng 34,2 tỷ NDT (4,9 tỷ USD) cho mạng lưới phòng ngừa và phát hiện dịch bệnh trong năm 2017. Con số này tại Mỹ là 11 tỷ USD, tức hơn gấp đôi, dù dân số Trung Quốc lớn hơn nhiều so với Mỹ.

Từ năm 2002-2005, sau khi dịch SARS bùng phát, đầu tư chính phủ cho cơ sở hạ tầng các Trung tâm nghiên cứu và kiểm soát dịch bệnh trên cả nước Trung Quốc đã tăng 4,4 lần trong khi nguồn tiền mua sắm trang thiết bị tăng 7,2 lần. Nhưng chi phí tài trợ cho hoạt động của CDC Trung Quốc chỉ tăng 40%.

Các khoản đầu tư cũng chỉ dội vào CDC trong vài năm sau dịch SARS rồi mờ nhạt hẳn. cho đến năm 2012, một thập kỷ sau vụ dịch, tỷ lệ ngân sách chính phủ dành cho CDC đã giảm từ 0,125% xuống 0,105%, theo thống kê của Nhật báo Quang Minh thuộc chính phủ vào năm 2015.

Rõ ràng, chi tiêu chính phủ dành cho CDC đang tụt hậu so với mức tăng trưởng kinh tế. Lý do chính là một vài năm sau dịch SARS, chính phủ đã dồn trọng tâm ngân sách cho công tác điều trị y tế hơn là phòng ngừa dịch bệnh. 

Theo thống kê chính thức, hơn 70% chi phí y tế ở Trung Quốc được dành cho các bệnh viện công và bảo hiểm y tế, trong khi 17% dành cho y tế công cộng, bao gồm CDC Trung Quốc, mặc dù chính quyền địa phương chỉ phân bổ một lượng nhỏ ngân sách cho công tác phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh.

Tại tỉnh Hồ Bắc, tâm chấn của dịch virus corona, chỉ có 67 triệu NDT (9,3 triệu USD), tương đương 0,09% tổng chi phí ngân sách của tỉnh năm 2018, được phân bổ cho công tác phòng chống dịch bệnh. 

Tại tỉnh Chiết Giang, một trong những tỉnh có số ca nhiễm virus corona cao bậc nhất Trung Quốc, tỷ lệ ngân sách tài trợ cho công tác phòng chống dịch bệnh chỉ bằng 0,206% tổng chi tiêu của chính quyền.

Vào năm 2013 khi dịch cúm gia cầm bùng phát, chi tiêu cho công tác phòng chống kiểm soát dịch bệnh ở thành phố Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, lên tới 680 triệu NDT (97,7 triệu USD), nhưng đã giảm xuống còn 86 triệu NDT (12,4 triệu USD) vào năm 2018.

Kể từ năm 2017, tình hình tài chính của các Trung tâm phòng chống kiểm soát dịch bệnh địa phương đã trở nên tồi tệ hơn khi chính phủ Bắc Kinh bất ngờ bãi bỏ 3 loại phí dịch vụ trong kiểm tra sức khỏe, vốn là các chi phí bù đắp chính cho thực trạng thiếu kinh phí của những trung tâm này. 

Kinh phí sụt giảm cũng gây ra tình trạng thiếu nhân viên y tế trong các trung tâm phòng chống kiểm soát dịch bệnh. Ước tính, số nhân viên y tế làm việc tại các CDC đã giảm 20.000 người trong năm 2018 so với năm 2002, khi dịch SARS bùng phát.

Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tối thiểu 1,75 nhân viên phòng ngừa kiểm soát dịch bệnh trên mỗi 10.000 người dân, nhưng tỷ lệ thực tế hiện tại chưa đầy 1,4 nhân viên trên 10.000 dân. Năm 2006, tỷ lệ này ở Mỹ đã đạt 9,3 nhân viên/10.000 dân còn Nga là 13,8 nhân viên/ 10.000 dân. 

Thùy Dung
Cùng chuyên mục