Quảng Nam mong muốn Hiệp hội Mắc ca Việt Nam giới thiệu doanh nghiệp để phát triển cây mắc ca
Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh rằng, mắc ca là loại cây trồng có nguồn gốc từ Úc, được du nhập sang các nước Châu Á trong đó có Việt Nam.
Đây là loại cây trồng hiện cho giá trị kinh tế cao, hạt mắc ca chứa nhiều chất dinh dưỡng, được người tiêu dùng ưa chuộng; là nguồn nguyên liệu đa dạng cung cấp cho các ngành sản xuất bánh kẹo, thực phẩm, mỹ phẩm,… phù hợp để trồng tại một số khu vực, nhất là các địa phương miền núi của tỉnh Quảng Nam.
"UBND tỉnh hoan nghênh, ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi để Hiệp hội Mắc ca Việt Nam phối hợp với các địa phương nghiên cứu, đưa cây mắc ca vào trồng trên địa bàn tỉnh góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương vùng miền núi của tỉnh", ông Bửu nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hồ Quang Bửu, để phát triển cây mắc ca, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Hiệp hội Mắc ca Việt Nam giới thiệu doanh nghiệp có năng lực, uy tín và kinh nghiệm để nghiên cứu, đầu tư phát triển cây Mắc ca thông qua hình thức thuê đất của nhà nước hoặc các tổ chức, cá nhân có sở hữu đất hợp pháp và liên kết với người dân từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân; các hợp tác xã nông nghiệp làm đầu mối, đại diện cho người dân ký kết hợp đồng liên kết và bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch với doanh nghiệp.
Cùng với doanh nghiệp được chọn chủ động phối hợp với các ngành, địa phương liên quan tổ chức khảo sát, xác định cụ thể vị trí, diện tích cần thuê, hợp tác để đầu tư phát triển cây mắc ca; lập các thủ tục liên quan theo đúng quy định để triển khai thực hiện. Xem xét, hỗ trợ phân bón, thuốc trừ sâu và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc để các hộ dân có điều kiện tiếp tục chăm sóc diện tích cây mắc ca đã trồng trước đây tại các huyện Tây Giang, Nam Trà My. Xem đây là diện tích trồng thí điểm để tổ chức đánh giá kết quả trồng cây mắc ca và làm cơ sở nhân rộng trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã giao Sở NNPTNT tỉnh là cơ quan đầu mối ở tỉnh, có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn Hiệp hội, doanh nghiệp khảo sát thực tế, lựa chọn địa điểm phù hợp và lập các thủ tục có liên quan để thực hiện đầu tư phát triển cây mắc ca trên địa bàn; thông tin cho nhà đầu tư về các cơ chế, chính sách hỗ trợ có liên quan của tỉnh để nghiên cứu, áp dụng; thường xuyên theo dõi, định kỳ hàng quý báo cáo UBND tỉnh tình hình, tiến độ thực hiện…