Định hướng phát triển hiệu quả cây mắc ca tại Phú Yên

03/03/2021 14:04 GMT+7
Đánh giá bước đầu, cây mắc ca trồng tại Phú Yên thích hợp phát triển ở một số huyện có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tương đồng với vùng Tây Nguyên.

Ngày 3/3, ông Nguyễn Trọng Tùng - Giám đốc Sở NNPTNT Phú Yên cho biết, đơn vị vừa tham mưu UBND tỉnh Phú Yên về định hướng phát triển cây mắc ca trên địa bàn để đảm bảo hiệu quả kinh tế.

Theo đó, mắc ca là cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, đa tác dụng, được trồng nhiều nơi trong nước. Cây mắc ca được du nhập về Phú Yên và được khuyến khích phát triển khoảng 5 năm gần đây. Đánh giá bước đầu, cây mắc ca trồng tại Phú Yên thích hợp phát triển ở một số huyện có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tương đồng với vùng Tây Nguyên.

Định hướng phát triển hiệu quả cây mắc ca tại Phú Yên - Ảnh 1.

Một hộ trồng cây mắc ca đạt hiệu quả kinh tế tại huyện Sông Hinh, Phú Yên

Từ năm 2015-2020, tại Phú Yên đã có 3 huyện (Sông Hinh, Sơn Hòa và Tuy An) trồng cây mắc ca. Trong đó, huyện Tuy An có khoảng 15ha được trồng vào năm 2015 nhưng hiệu quả kém nên không duy trì. Hiện tại, tỉnh Phú Yên đang trồng trên 65ha mắc ca, với sản lượng trên 76 tấn/năm. Với sản lượng 71,76 tấn/59,8ha, huyện Sông Hinh đang được đánh giá là địa phương phù hợp nhất để phát triển cây mắc ca đạt hiệu quả kinh tế.

Định hướng phát triển cây mắc ca trong thời gian tới, UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu Sở NNPTNT tỉnh chủ trì, phối hợp các đơn vị, địa phương tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân trồng cây mắc ca nhân bằng giống vô tính (cây ghép) từ các dòng đã được Bộ NNPTNT công nhận. Đồng thời, quản lý chặt chẽ công tác sản xuất, buôn bán giống cây mắc ca trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật.

Giao Sở NNPTNT Phú Yên phối hợp với Hiệp hội Mắc ca Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức đào tạo, tập huấn và chuyển giao khoa học, kỹ thuật phát triển cây mắc ca cho người dân, doanh nghiệp theo hướng dẫn của Bộ NNPTNT; xây dựng các mô hình trồng thí điểm cây mắc ca với quy mô phù hợp, đánh giá hiệu quả trước khi nhân rộng. UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu các địa phương rà soát, đánh giá, xác định quy mô và quỹ đất phù hợp để trồng mắc ca. 

Khuyến khích các thành phần tham gia liên kết sản xuất, tích tụ đất đai để hình thành vùng trồng thâm canh cây mắc ca tập trung; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư, phát triển mắc ca theo chuỗi giá trị, chế biến sâu, gắn với thị trường tiêu thụ.

Hùng Phiên
Cùng chuyên mục